'Selfie ở hội sách cũng chẳng sao'

Một góc Hội sách Mùa thu, Hà Nội tháng 9/2016. Ảnh: Hoàng Hồng.
Một góc Hội sách Mùa thu, Hà Nội tháng 9/2016. Ảnh: Hoàng Hồng.
TP - Người trẻ đến hội sách để selfie có sao không? Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm khá lạc quan về văn hóa đọc hiện nay, nhân Hội sách Mùa thu ở Hà Nội vừa khép lại.

Nhiều người cho rằng, sự đông đúc trong Hội sách Mùa thu cũng như một số hội sách khác chỉ mang tính phong trào, theo mốt, khi gần đây rộ lên nhiều hoạt động cổ vũ đọc sách. Bằng chứng là người ta bắt gặp nhiều hình ảnh giới trẻ đến hội sách chỉ để khoe thời trang và chụp ảnh selfie với cuốn sách trong tay.

Mỗi người một cách nhìn nhận. Tôi thì cho rằng, nếu không có lòng say mê, sự ham mê  sách vở thì không tổ chức hay hoạt động nào có thể tạo ra hứng thú một cách tự nguyện như thế được.

Việc đến hội sách theo phong trào, đến để trưng diện, thể hiện đẳng cấp có thể đúng với một số người. Còn những độc giả dành hàng chục phút để tìm một cuốn sách, bỏ ra vài trăm đến triệu bạc để mua sách thì không thể là chạy theo phong trào. Hơn nữa, yếu tố phong trào nếu có nhưng diễn ra trên diện rộng thì theo thời gian hình thức sẽ chuyển thành nội dung.

Những bạn trẻ năm nay đến hội sách để chụp ảnh selfie, mua một cuốn sách để “làm hàng”, năm sau sẽ đến hội sách để tìm sách và cuốn làm hàng kia sẽ có lúc họ mở ra đọc.

Ở các nước phát triển, hội sách không phải là dịp bán lẻ. Còn hội sách ở ta vẫn chỉ dừng ở tính chất bán lẻ. Khách đến hội sách chủ yếu để mua sách giảm giá. Việc giới thiệu sách mới xuất bản được ít đơn vị chú trọng, trao đổi thương mại giữa các đối tác
trong ngành xuất bản gần như không có. Ông đánh giá gì về tình trạng này?

Ở các nước phát triển chủ yếu là mua bán bản quyền nhưng có cả những khu vực bán lẻ (như ở Mỹ), và ngày đó họ cũng giảm giá hết cỡ để thu hút khách hàng. Việc giảm giá ở các hội sách Việt Nam cũng là cách thu hút người đọc và kích thích nhu cầu đọc sách, mua sách.

Dĩ nhiên, sách giảm giá thì có thể mua quanh năm ở Đinh Lễ. Nhưng càng nhiều hội sách càng tác động vào nhận thức của người dân về văn hóa đọc tốt hơn, tạo ra nhiều sân chơi hơn cho văn hóa đọc. Mà trước hết là hình thành thói quen sinh hoạt tinh thần tốt cho cộng đồng. Song, cần tăng cường trao đổi, mua bán bản quyền, giới thiệu, quảng bá sách mới trong hội sách. Tần suất vừa phải để các nhà xuất bản không bị quá tải. Nhà nước cần cụ thể hóa điều 7 Luật Xuất bản để hỗ trợ các hội sách, kể cả tổ chức ở nước ngoài.

'Selfie ở hội sách cũng chẳng sao' ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm.

Nói về văn hóa đọc của người trẻ, dễ thấy là gian hàng của Nhã Nam, nơi tập trung nhiều đầu sách ngôn tình (ngoài sách văn chương nghệ thuật), cũng là nơi đông bạn trẻ nhất.

Sách ngôn tình là sách giải trí. Người ta có thể đọc nó ở bất cứ đâu. Trên xe bus, trong công viên, ghế đá. Và vì thế, nó dễ biểu hiện ra ngoài để mọi người nhìn thấy. Còn sách chính trị, kinh tế, những đầu sách mang tính nghiên cứu không thể đọc nơi ồn ào, nên người ta ít thấy hơn.

Không gian hội chợ là không gian ồn ào, người ta có thể dừng rất lâu ở một gian hàng sách ngôn tình để lựa sách và đọc miễn phí, nhưng sẽ chỉ dừng vài phút để chọn đầu sách chính trị, khoa học rồi rời đi. Đó là sự khác biệt.

Thứ hai là, tâm hồn, cảm xúc của con người rất đa dạng. Sách ra đời cũng phải đáp ứng sự đa dạng đó. Ngôn tình có giá trị riêng, nếu nó được biên tập kỹ lưỡng. Hơn nữa, vì sách ngôn tình là sách giải trí, dễ đọc nên cũng dễ quên, đọc trên ghế đá công viên rồi có thể để lại trên ghế đá. Đừng lo lắng rằng người trẻ sẽ bị ảnh hưởng điều gì bởi những cuốn sách đó. Và cũng đừng nghĩ họ hay đọc sách ngôn tình thì sẽ không đọc các đầu sách chính trị, khoa học.

Tôi đã nói hội chợ chỉ là một trong những địa chỉ đọc sách. Còn nhiều môi trường đọc sách khác nữa như thư viện trường đại học, nhà sách, thư viện trực tuyến, những nơi đó người trẻ vẫn tìm đến hằng ngày.

Tuy nhiên, có mối quan ngại rằng các đơn vị làm sách vì chiều theo thị hiếu, chạy theo lợi nhuận mà ồ ạt làm ngôn tình, khiến người trẻ bị cuốn sâu hơn.

Người trẻ không dễ dãi như bạn nghĩ. Các đơn vị làm sách hiểu rất rõ sự đa dạng của độc giả, của thị trường. Nếu không thì làm gì có những cuốn hay để trao giải, những đầu sách lịch sử, sách văn học best-seller.

Thị trường sách giống như một khu rừng rậm vậy, rất nhiều tầng, nhiều lớp. Có cây cao, có cổ thụ, lại có dây leo và cỏ dại. Có lớp cỏ dày bên dưới thì cổ thụ mới được giữ ẩm phía gốc mà ngày càng vươn cao hơn. Sự đa dạng sinh học trong tự nhiên cần thiết như thế nào thì sự đa dạng của thị trường sách cũng cần thiết như thế.

Sách ngôn tình có thể đang là mốt, được nhiều người chú ý hơn, nhưng tôi tin thị trường sẽ tự cân bằng. Nếu đã là mốt thì sẽ có lúc nó bị lỗi mốt, như quần loe tóc dài trước đây vậy. Cái gì không có chiều sâu, không được chiết ra từ sự vật vã của tư duy và tâm huyết, sẽ không tồn tại quá lâu.

Thưa ông, vậy có nghĩa chúng ta không cần quá sốt ruột về văn hóa đọc của người trẻ?

Đúng thế. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải thường xuyên có định hướng phù hợp để giữ họ không đi quá, chệnh ra ngoài quỹ đạo lành mạnh. Nhưng đừng bài bác. Chúng ta ai cũng từng là những người trẻ. Hồi trẻ tôi đọc cả tiểu thuyết 3 xu lẫn Lev Tolstoy, Ostrovsky. Những chuyện tình yêu lăng nhăng và giống nhau tôi quên hết, nhưng chuyện tình éo le của hai người khác giai cấp trong Thép đã tôi thế đấy thì đến giờ vẫn đeo đẳng trong trí nhớ. Người trẻ bây giờ cũng thế. Cái gì có giá trị họ sẽ khắc ghi và ngược lại. Vì thế hãy nhìn người trẻ một cách thân thiện và tin cậy hơn. 

MỚI - NÓNG