Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh:

Sợ nghiêm trọng, thích “đồng bọn” tay mơ

Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh.
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh.
TP - Sau ba năm vắng bóng,  Nguyễn Phi Phi Anh, đạo diễn rất trẻ từng gây sốt trong hai mùa nhạc kịch đã tốt nghiệp về nước và khởi động dự án bộ ba tác phẩm “Góc phố danh vọng” (GPDV), “Đêm hè sau cuối (ĐHSC) phiên bản mới và “Mộng ước không xa vời” lần đầu ra mắt tháng 1/2017.

Như mọi lần, Phi Anh không nói nhiều về kịch bản hay ý đồ dàn dựng, chỉ tiết lộ rằng sẽ là “những câu chuyện bình thường trở nên hấp dẫn nhờ diễn viên”. 

Mùa 2 nhạc kịch năm 2013 thành công rực rỡ nhưng nghe nói bạn vẫn bị lỗ và rồi vắng bóng tới 3 năm?

Ở mùa 2 do khán phòng nhỏ lại ít suất diễn nên tôi bị lỗ mất 100 triệu. Khi trở về Mỹ tôi đi cày và đã trả được nợ sau vài tháng. Ba năm qua tôi chuyển đến Los Angeles làm thuê dựng phim, kỹ xảo cho một xưởng phim. Tôi về nước nhiều lần nhưng để làm dự án khác như đạo diễn show của một thương hiệu mỹ phẩm tóc, quay bộ phim do tôi viết kịch bản.

Có vẻ như bạn đã chắc chắn làm nghề đạo diễn với nguyên tắc không mời sao tên tuổi (để ké thương hiệu) và bỏ qua diễn viên chuyên nghiệp?

Việc không mời những ngôi sao là vì tôi không có đủ kinh phí và thấy thương hiệu của họ cũng không liên quan lắm tới nội dung các vở kịch của mình. Không chỉ nhạc kịch mà bộ phim truyện đang hoàn tất của tôi cũng nhờ vào ekip không chuyên. Nói thật tôi cũng chưa làm việc với các diễn viên chuyên nghiệp bao giờ nên không biết có hợp với họ không, còn bây giờ vẫn ăn ý với các bạn không chuyên thì cứ tiếp tục làm việc với họ thôi. Với 100% nhân lực nghiệp dư, tuổi đời từ 25 trở xuống, chúng tôi đơn giản mong muốn sản phẩm của mình có chất lượng cao theo một cách nào đó nhưng không nhất thiết phải đóng mác nghiệp dư hay chuyên nghiệp.

Hạt nhân “đồng bọn” cũ trong GPVD và ĐHSC sau mấy năm đã già đi và phai duyên, bạn sẽ làm gì với họ để bộ ba nhạc kịch mùa này hút người xem ?

Đúng là các bạn ấy không còn bừng bừng sức trẻ và sự vô tư của ba bốn năm trước nữa. Bây giờ họ khắt khe và thận trọng hơn với chính bản thân mình. Tâm hồn của họ vẫn trong sáng và họ vẫn có nhu cầu sống với đam mê được lên sân khấu biểu diễn. Tôi nghĩ tôi sẽ sửa lại các nhân vật đôi chút để vừa vặn hơn với các diễn viên bây giờ. Họ lớn lên thì các nhân vật cũng đành phải lớn lên một chút vậy. Nhưng tôi tin là nếu họ vẫn được diễn đúng những gì mình nghĩ, nói đúng những gì mình muốn nói, thì họ sẽ vẫn diễn rất tự nhiên, có khi còn tinh tế hơn ngày xưa.

Phần âm nhạc của hai  vở cũ sẽ được cập nhật mới thế nào?

Tôi vẫn không hài lòng với một số bài hát trong hai vở cũ, vì lúc tập có những mong muốn nhất định nhưng khi ra mắt thì làm chưa tới, không thấy khán giả vỗ tay. Các bạn trong ban nhạc của chúng tôi cũng đã lớn hơn ngày xưa nên họ cũng có những cái nhìn rõ ràng hơn về từng bài,  sẽ có những tinh chỉnh tốt hơn.

Cảm nhận của bạn về những buổi tập đầu tiên sau hai năm ngắt quãng?

Tôi cảm thấy vừa sung sướng vừa áp lực. Sung sướng là vì những diễn viên cũ, đến giờ này, giở kịch bản ra đọc lại, họ vẫn giữ nguyên si cách ngắt câu, cách thêm bớt, cách di chuyển, như thể vừa mới diễn hôm qua. Tôi nghĩ ít ra là với chính chúng tôi, vở diễn ngày ấy đã để lại một dấu ấn gì đó rất hạnh phúc trong lòng, muốn quên cũng chưa quên được. Còn những diễn viên vừa tuyển tháng trước có những màu rất mới, họ cảm nhận kịch bản rất nhanh. Áp lực là vì không biết trải nghiệm lần này có để lại cái dấu ấn tốt đẹp đấy trong lòng những bạn mới, những bạn trẻ hơn hay này không.

Sự chênh lệch khẩu vị giữa hai thế hệ diễn viên 89-92 và 97-99  là điều khó tránh?

Đây là một áp lực khác. Ví dụ như những tuyên ngôn rất "trúng tim đen" đối với thế hệ 9x đời đầu chúng tôi có vẻ lại  là "chuyện bình thường" với những bạn chỉ sinh sau chúng tôi vài năm.

Vừa chờ đợi cái gật đầu của nhà tài trợ vừa lên sàn tập ba vở để ra mắt như kế hoạch, nghe khá liều lĩnh. Điều gì khiến bạn vẫn giữ được sự tự tin?

Tôi cũng không biết. Tôi cho rằng nếu không có được tài trợ thì cũng chỉ là tôi đang đầu tư cho sự nghiệp của chính mình và cho niềm đam mê của nhiều con người nữa. Sự đầu tư nào cũng có rủi ro, đành chịu vậy chứ sao lý tưởng quá được. Còn tôi nghĩ, những vở diễn của mình cũng là một món ăn tinh thần cho khán giả, họ có thêm một lựa chọn trên thị trường, cũng là cái tốt mà. Trong tình huống không tài trợ, chúng tôi phải bán vé giá cao hơn. Có thể khi phải trả nhiều tiền hơn chút đỉnh người xem sẽ khắt khe hơn.

“Nhí nhố, hài hước, bay bổng” là cảm nhận của người xem về nhạc kịch của bạn, họ có thể chờ đợi điều gì mới ở “Mộng ước không xa vời”?

Có lẽ người xem sẽ chờ đợi thứ gì đó đột phá mới mẻ kiểu như  Đêm hè so với Góc phố. Bản thân tôi rất sợ hứa hẹn và tỏ ra nghiêm trọng. Nhân vật kịch của tôi từ trước tới giờ cũng vậy, tỏ ra thế này nhưng hóa ra là thế kia. Tôi vẫn luôn tìm kiếm sự bất ngờ. Không cần phải là một sự bất ngờ lớn mang tính đột phá , chỉ là một chút gì đó mà người ta không nghĩ tới, thì tôi muốn nghĩ tới. Còn tất nhiên là phải giàu tính giải trí rồi.

Chúc bạn thành công với dự án dài hơi lần này!

Dự định sắp tới của Nguyễn Phi Phi Anh

- 9/2016: Hoàn thành clip chân dung 5 nhân vật người thường có đam mê tay trái với nghệ thuật (dự án được tài trợ)

- 10/2016: Đạo diễn Show của thương hiệu mỹ phẩm Tóc

- 10/2016: Ra mắt phiên bản mới “Góc phố và Đêm hè”

- 1/2017: Ra mắt “Mộng ước không xa vời”.

- Hoàn tất chỉnh sửa hậu kỳ cho phim truyện đầu tay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.