Sợ sáng tạo

Ông Nguyễn Quốc Hòa xuống tàu ngầm Trường Sa để thử nghiệm. Ảnh; Vnexpress
Ông Nguyễn Quốc Hòa xuống tàu ngầm Trường Sa để thử nghiệm. Ảnh; Vnexpress
TP - Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel là cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, cho thấy điểm mạnh của người Israel là sáng tạo có chiến lược và thực thi rất hiệu quả từ những sáng tạo ấy.

Người Israel được khuyến khích nghĩ khác ngay từ khi còn là đứa trẻ, nên năng lực phản biện và tranh luận của họ rất sắc. Nhờ sáng tạo và nghĩ khác, họ đã biến một đất nước nghèo nàn tài nguyên thành dân tộc giàu có, biến một nghịch cảnh thành tài sản.

Nhiều nơi làm được thế: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Nhưng, chiêu thức của Israel có vẻ hơi khác? Chúng tôi làm giàu nhờ những người từng thất bại, vì họ là những người có kinh nghiệm, đã dám làm và dám đương đầu thất bại. Còn ở Việt Nam, các bạn không sử dụng những người đã ngã ngựa (bà đại sứ Israel nói trên tờ Lao Động mới đây).

Ông Nguyễn Quốc Hòa – chủ một công ty cơ khí tư nhân ở Thái Bình – đã mày mò tìm hiểu sáng tạo rồi cùng hàng chục công nhân của mình chế tạo ra con tàu ngầm mang tên Trường Sa. Con tàu được ra mắt ngay sau khi tàu ngầm kilo đầu tiên được chuyển từ Nga về vịnh Cam Ranh.

Tàu của ông Hòa đã vượt qua cuộc thử nghiệm trong bồn nước, đang chờ ngày ra thử trên biển Tiền Hải. Ông Hòa nói trước ống kính truyền hình: Chúng ta thường sợ. Sợ khó. Sợ không thành công thì thân bại, danh liệt, vốn cụt, thương hiệu mất. Sợ dư luận... Đã sợ thì không thể sáng tạo.

Nhưng, dù đã sáng tạo thành công, như Nguyễn Hà Đông - tác giả game Flappy bird nổi danh toàn cầu – chẳng hạn, vẫn phải…sợ. Sợ những ngôn từ dè bỉu từ thế giới internet. Sợ mang tiếng là copy (mà thực ra không phải). Sợ cuộc sống bị đảo lộn. Tất nhiên, những điều ấy Hà Đông không nói ra. Anh chỉ nói với phóng viên báo nước ngoài, rằng: Tất cả những sản phẩm gây nghiện cần được gỡ bỏ.

Có lần trên đường phố Hà Nội, một nhân vật am hiểu về cơ khí chỉ cho tôi người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào: Ông ấy từng chế ra máy làm bún, từ đó bà con không cần giã và vò bột nữa. Sáng tạo ấy không đưa lại cho ông tiền bạc, dù sau đó người khác vồ lấy để sản xuất hàng loạt. Bây giờ ông giúp vợ bán quán cơm, thời gian còn lại “ngồi bếp giương cung bắn mèo”.

Có lẽ nỗi sợ sáng tạo là có thật.

MỚI - NÓNG