Soi nghiêng văn hóa đọc

Xếp hàng mua vé vào hội sách
Xếp hàng mua vé vào hội sách
TP - Đọc sách là thú ẩm thực tinh thần, cách thưởng thức văn hóa mang đậm chất cá nhân. Trào lưu văn hóa đọc lại hướng tới cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Cái chung và cái riêng - dung hòa, giao thoa hay mâu thuẫn, đối cực?

Từ sở thích riêng tư

Nhà văn Pháp Patrick Deville, có hai cuốn sách dịch ra tiếng Việt, từng nói: “Không nên khuyến khích văn hóa đọc vì đó là nhu cầu riêng tư với những lựa chọn cá nhân”.

Đời người, ai cũng đọc qua vài ba cuốn sách. Có kẻ mê sách cùng cực, sách đi theo mình như người tình chung thủy, tri âm kiểu Bá Nha - Tử Kỳ. Chuyện Liêu Trai kể rằng một anh chàng con quan đinh ninh trong sách có vàng có thóc. Suốt ngày suốt đêm, anh ta chỉ mải mê đọc sách chẳng chịu làm ăn khiến gia cảnh tuột dốc. Anh ta cũng không chịu lấy vợ vì tin trong sách có người đẹp như ngọc... Ngụ ý của tác giả giễu cợt thói học hành khoa cử phi thực tế lúc bấy giờ dẫn tới bổ nhiệm những ông quan chỉ biết rung đùi đọc thơ, thiếu hẳn kinh nghiệm quản lý.

“Đọc sách nhiều mà đụng đâu đọc đó là hủy hoại tinh thần. Đọc ít nhưng đọc kỹ ta sẽ tìm ra được chân lý cho cuộc đời”.

Danh ngôn

Đối lập “mọt sách chính hiệu” là mẫu người nhìn sách đã thấy chóng mặt, coi sách như Seduxen giúp ngủ gục dễ dàng sau vài dòng đầu. Dù vậy cũng đừng vội chê bai. Ít sách khác với vô dụng. Nhiều trường hợp nông dân dự báo thời tiết giỏi hơn các nhà khí tượng, anh thợ chế tạo máy thiết thực hơn nhà khoa học nghiên cứu trong môi trường văn phòng máy lạnh.

Đại đa số người đọc còn lại cũng chia thành tầng tầng lớp lớp mức độ yêu thích khác nhau. Sách cũng nhờ thế mà trở nên phong phú đa dạng, thành kho tri thức của cả nhân loại.

Đọc sách đối với từng cá nhân tương tự việc xem tranh Picasso, xấu đẹp tùy mắt, yêu thích tùy tâm. Hình dung xa hơn theo kiểu “Phụ nữ đẹp hay không là do cách đàn ông nhìn họ”.

Từ đó thấy ông nhà văn người Pháp kể trên nói có ý đúng. Hãy để người ta tìm tới sách theo nhu cầu bản năng hoặc theo lợi ích cá nhân. Hô hào cổ động, không khéo phản tác dụng.

Tới xã hội hóa

Nếu anh là Robinson thời đại mới sống trên đảo vẫn giao lưu văn hóa với xã hội. Anh đọc cái gì, chẳng ai quan tâm, miễn có trả tiền. Tuy nhiên khi hòn đảo kia có hẳn một cộng đồng Robinson thì sẽ gặp vấn đề. Anh này khoái sách nọ, anh kia khoái sách này. Ôn hòa làm hàng xóm của đả kích, viễn tưởng đi câu cá cùng hiện thực, tránh sao khỏi mâu thuẫn. Robinson trưởng đảo sẽ phải rất đau đầu trong việc điều phối các Robinson phụ trách truyền thông tạo ra trào lưu văn hóa đọc. Khuyến khích mọi người đọc sách và mang tính định hướng về những điều tốt đẹp.

Ví dụ vui cho thấy văn hóa đọc tối cần thiết về mặt xã hội. Trào lưu là con sóng trào dâng quét sạch mọi rác rưởi đội lốt văn hóa, trả lại hiện trạng tinh khiết thuần túy cho việc đọc sách.

Đọc sách là niềm vui. Ngày hội sách là để cộng đồng độc giả chung vui, chia sẻ sở thích. Còn nhớ Hội sách TPHCM 2014 mới rồi. Trước đó cả tháng đã xuất hiện những dòng nhắn nhủ hẹn hò trên Facebook, dăm cái topic trên những trang web chia sẻ Ebook. Để rồi khi sự kiện diễn ra, người ta đã gặp rất nhiều nụ cười rạng rỡ với cuốn sách trên tay của những người trẻ. Cảm xúc chân thành giữa thời buổi cạnh tranh tính toán cơm áo gạo tiền hoặc phấn khởi vì mua được sách rẻ.

Thời điểm này, niềm vui nhân lên khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam. Đi kèm theo đó là một sê-ri các ngày hội.

Soi nghiêng văn hóa

Với câu hỏi đặt ra ở đầu bài: “Liệu có mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể?”, câu trả lời là: “Luôn luôn có, đâu riêng chuyện đọc sách”.

Mâu thuẫn thúc đẩy sự phát triển. Hướng giải quyết tốt là hãy dung hòa cái riêng vào cái chung. Việc này có liên quan tới… “hội”.

“Hội sách” giống như hình ảnh văn hóa soi nghiêng. Mỗi người tự chọn một bên mặt đẹp để ngắm. Nhiều người chung sở thích gặp nhau tạo thành “hội riêng”. Vào “hội” là con đường tốt để được giao lưu mà vừa giữ được cái tôi của mình.

Tới lúc đó mâu thuẫn cá nhân có thể chuyển qua mâu thuẫn nhóm. Văn hóa đọc sẽ đóng vai trò điều phối. Đọc sách có văn hóa thì cả làng đều vui. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Đọc sách nhiều là tốt, nhưng vấn đề là đọc như thế nào” rất đúng đắn trong trường hợp này.

Lenin từng nói “Không đọc sách thì cuộc sống thực là nặng nề”. Chịu khó soi nghiêng văn hóa, hòa hợp việc đọc sách cá nhân và trào lưu văn hóa đọc sẽ giúp xã hội thoát khỏi sự nặng nề về mặt

tinh thần.

MỚI - NÓNG