Sự thật về căn hầm bí ẩn trong Dinh Gia Long

Sự thật về căn hầm bí ẩn trong Dinh Gia Long
TP - Có rất nhiều tài liệu văn học thêu dệt những tình tiết ly kỳ xung quanh căn hầm bí mật trong Dinh Gia Long, nơi trú ẩn cuối cùng của Ngô Đình Diệm trước khi kết thúc số phận bằng cái chết thê thảm. Sự thật ra sao?
Sự thật về căn hầm bí ẩn trong Dinh Gia Long ảnh 1
Dinh Gia Long nay là Bảo tàng Cách mạng TP. HCM

Có sách viết: Kiến trúc sư (KTS) Võ Đức Diên là người thiết kế hầm. Sau khi hoàn thành bản vẽ, Võ Đức Diên bị Ngô Đình Diệm mời uống ly cà phê có độc.

Nhiều người còn đồn rằng căn hầm này có nhiều đường hầm thông ra sông Sài Gòn, Sở thú, Nhà thờ Đức Bà và thậm chí còn thông ra tới Chợ Lớn.

Có sách còn viết: Công việc đào hầm được giao cho 200 tù binh không tung tích chia thành 10 toán, mỗi toán 20 người luân phiên đào. Số tù binh này được đưa tới bằng xe bịt kín, mỗi người đều bị bịt mắt, khi vào trong phòng mới mở ra.

Công việc đào hầm được thực hiện từ 12 giờ khuya nên bên ngoài không ai hay biết... Lại có nguồn tin cho rằng căn hầm do kiến trúc sư người Pháp tên Hoeffel chỉ đạo xây dựng theo thiết kế giống hầm chỉ huy của chiến lũy Magnot trên đường biên  giới giữa nước Pháp và Đức...

Sự thật, căn hầm trong Dinh Gia Long hiện vẫn còn nguyên vẹn, nằm trong khuôn viên Bảo tàng TPHCM. Mới đây, do yêu cầu chuẩn bị trưng bày, mở cửa đón khách tham quan căn hầm, TS Đặng Văn Thắng và Thạc sỹ Trần Hạnh Minh Phương (cán bộ đang làm việc tại Bảo tàng TPHCM) đã đến Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 để tìm tư liệu về căn hầm.

Rất may, nơi đây vẫn còn lưu lại một hồ sơ thuyết trình “Vì sao chi phí thực tế xây cất đường hầm cao hơn dự toán” do Nha Kiều lộ (Phòng Phủ Thủ tướng) lập bao gồm tờ trình chi phí công tác xây cất hầm đến ngày 3/4/1963, 1 họa đồ sơ bộ, 2 họa đồ công tác.

Và, căn  hầm bí ẩn trong Dinh Gia Long đã phần nào có ánh sáng.

Ngày 27/2/1962, xảy ra vụ đảo chính, ném bom Dinh Độc Lập mưu sát gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm. Mặc dù cuộc mưu sát không thành nhưng sự kiện này khiến Ngô Đình Diệm lo sợ cho số phận của mình.

Ông ta liền dời về Dinh Gia Long và quyết định cho xây dựng một đường hầm bí mật để  trú ẩn. KTS Ngô Viết Thụ được Ngô Đình Diệm tin cẩn giao cho việc vẽ bản thiết kế xây dựng đường hầm này. Sau khi KTS Ngô Viết Thụ sang Mỹ, Kỹ sư Phan Đình Tăng-  Giám đốc Nha Kiều lộ là người duy nhất được giao nhiệm vụ thi công, kiểm soát nghiên cứu lại đồ án và hoàn tất bản vẽ.

Hầm được nhà thầu Trương Đăng Khoa xây dựng từ tháng 5/1962, đến ngày 30/10/1963 thì hoàn tất với tổng kinh phí là 12.514.114 đồng (tiền thời đó). Hầm được đào sâu xuống mặt đất 4 m, đúc bằng xi măng cốt sắt (170kg sắt/m3 bê tông), tường dày 1 m.

Với thiết kế này, các lọai trọng pháo và bom 500kg nếu có oanh tạc vào dinh cũng không làm sập hầm. Hầm có 6 cửa bằng sắt, đóng mở bằng cách xoay một bánh lái như cửa tàu thủy, phía trong còn có chốt sắt thật lớn để cài khi có sự cố.

Phần mặt đất phía trên nắp hầm được ngụy trang bằng những chậu cây cảnh. Trong hầm có hệ thống thông gió, hệ thống điện thắp sáng, hệ thống nước sạch và cống dẫn nước thải, nước mưa.

Tổng diện tích mặt bằng hầm là 1392,3m2 (30,6x45,5). Từ trên xuống hầm theo 2 đường cầu thang A (hướng đường Nam Kỳ khởi nghĩa) và cầu thang B (hướng đường Pasteur). Theo đường cầu thang A xuống gặp 2 phòng liền nhau: Phòng khách và phòng vệ sinh.

Theo đường cầu thang B xuống gặp phòng máy đèn. Từ phòng này đi xuống gặp ngay phòng của Ngô Đình Nhu và kế bên là phòng Ngô Đình Diệm với diện tích 17m2.

Phòng Ngô Đình Diệm đặt 1 chiếc bàn vuông, một cái bệ nhỏ và hệ thống thông tin liên lạc. Hầm có lối ra một lô cốt  hướng đường Nam kỳ khởi nghĩa và 6 lỗ thông gió, 2 lỗ thoát nước bẩn.

Do yêu cầu bí mật, các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng hầm trước ngày 11/11/1963 (ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ) đều tránh nêu từ “Hầm” mà chỉ là “Công tác xây cất ở Dinh Gia Long).

Hầm được xây trong thời gian gấp rút nên chưa trang bị các vật dụng tiện nghi. Thậm chí, đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, một hạng mục rất cần thiết có  trong dự trù vẫn chưa hoàn thành, đó là hệ thống máy quạt để điều hoà không khí dù máy quạt đã được nhập về để ở Sở Nội dịch.

Ngày 1/11/1963, quân đảo chính đã tấn công vào hầm. Tại đây còn một lá cờ trắng, một số tài liệu viết tay ghi lại những cuộc điện đàm tại phòng của Ngô Đình Diệm.

6 giờ 45 phút ngày 2/11/1963, Dinh Gia Long thất thủ. Đúng vào thời điểm này, Diệm và Nhu đang cầu kinh tại nhà thờ Francisco Xavier (Nhà thờ Cha Tam).

Do có mật báo nên vài phút sau đó, quân đảo chính đã cho chiếc M.113 đến nhà thờ Cha Tam. Diệm – Nhu bị trói đưa lên xe rồi bị đánh đập và bị bắn chết.  

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.