Sự thật về kho báu của vua chúa Nguyễn

Sự thật về kho báu của vua chúa Nguyễn
Đầu tháng 4/2005, tại TP Huế rộ lên tin đồn, một gia đình ở Hương Long - nơi từng là vùng dinh phủ của các chúa Nguyễn - trong khi đào đất làm nhà đã phát hiện ra một khu tẩm lăng vua chúa có hình thù khác thường.

Chúng nằm cách mặt đất gần nửa mét, trong đó có nhiều đồ tùy táng kỳ lạ, kèm theo kho báu vô số bạc vàng, châu ngọc... (!) Lời đồn thổi về sự kỳ bí của di tích lan truyền nhanh chóng, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc...

Khi di tích mới được phát hiện, khu vườn của bà Nguyễn Thị Liên ở xóm Tây Thạnh (tên khác là xóm Bàu Chúa), thôn An Ninh Thượng - xã Hương Long từ sáng đến tối luôn nườm nượp những người hiếu kỳ trong và ngoài địa phương vào ra “tham quan”.

Thậm chí, cả khách du lịch từ nơi xa đến Huế, nghe dân chạy xích lô, xe ôm rỉ tai về sự kỳ bí của di tích này cũng vội vàng huỷ bỏ tour, tức tốc bắt xe lên Hương Long để thoả mãn tính tò mò.

Cả một vùng quê ven đô Huế từ trăm năm nay vốn yên ắng, thanh tĩnh, với những ngôi nhà rường ẩn mình giữa ngàn xanh cây trái, bỗng chốc bị đánh thức bởi sự ồn ã, huyên náo, mất trật tự suốt ngày đêm của hàng trăm người hiếu kỳ.

Để nhanh chóng ổn định tình hình trật tự địa phương, UBND xã Hương Long đã làm báo cáo đề nghị Sở VHTT can thiệp bằng các biện pháp nghiệp vụ. Sau 2 ngày khai quật (từ 8 - 10/4), đến nay những thông tin ban đầu về di tích lạ ở Hương Long đã được Bảo tàng Tổng hợp TT-Huế, các chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hoá... ghi nhận, đồng thời khẳng định đây không phải là khu tẩm lăng, kho báu của các vua chúa Nguyễn như những gì người ta đồn thổi.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều thú vị xung quanh di tích kỳ lạ này, bởi đến nay nó là loại công trình kiến trúc gì vẫn chưa được các chuyên gia xác định một cách đích xác và thuyết phục. Những ý kiến đưa ra phần lớn chỉ là giả định.

Theo quan sát của chúng tôi, di tích đúng là có kiến trúc kỳ lạ, khớp với những lời đồn của người dân. Công trình được xây dựng bằng vật liệu vôi vữa truyền thống, cát, gạch nung (kích cỡ 10 x 15 x 2cm); không có hình dạng cụ thể, nằm lộ thiên, nhưng đã bị phù sa vùi lấp. Phần đầu di tích được lợp bằng gạch tạo hình ngói múi.

Ở thân giữa sát tường xuất hiện những đống gạch bị đổ, phần chân có lớp gạch tạo bậc thềm lên xuống. Chiều dài công trình khoảng 8m, nơi rộng nhất trên 2m, cao gần 1 m, đáy dày 10cm... tạo nên một hình thể co duỗi khác thường, không vuông vức góc cạnh, hay bát giác như lối tổ chức kiến trúc thường thấy.

Có lẽ do hình thù kỳ quặc đó, nên sau khi hoàn tất khai quật di tích, ý kiến xác định của các chuyên gia về loại hình công trình kiến trúc vẫn chưa thống nhất.

Theo chuyên gia Bảo tàng Tổng hợp TT-Huế: Căn cứ vật liệu, các hợp chất xây dựng công trình kiến trúc, đây là công trình thuộc niên đại cuối triều Lê đầu thời chúa Nguyễn.

Với lịch sử hình thành thủ phủ Kim Long, từ năm 1636, cùng các khu mồ mả dành cho con cháu chúa Nguyễn, địa danh xung quanh di tích, bước đầu có thể xem đây không phải là kiến trúc dân gian mà là công trình tâm linh, tín ngưỡng của con người thời bấy giờ, kiểu dạng tựa nhà hậu thổ, nhà vãng sanh (nhà để quan tài chờ giờ tốt và làm các thủ tục tâm linh trước khi hạ huyệt) thường thấy tại các khu nghĩa trang ngày xưa ở TT-Huế. Theo giả thuyết, đây có thể là nhà vãng sanh dành cho thành viên thuộc  dòng họ chúa Nguyễn.

Các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lại có một ý kiến khá thú vị: Đây là loại công trình giống với dạng kiến trúc từng được các nhà khảo cổ, chuyên gia nghiên cứu phát hiện vào năm 1999 tại phía tây Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế); được xem là hệ thống bể cạn nằm trong các dinh phủ quan lại thời vua Gia Long. Còn các nhà nghiên cứu văn hoá thì cho rằng, đây là non bộ, giả sơn đồ sộ của các phủ đệ, dinh thự có niên đại cuối thời chúa Nguyễn, đầu triều Gia Long...

Các ý kiến hiện vẫn chưa đủ cơ sở rõ ràng để xác định đó là công trình gì. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, cơ quan văn hoá, những lời đồn nhảm về một khu lăng tẩm, kho báu của vua chúa Nguyễn nhanh chóng bị xoá bỏ, trật tự an ninh địa phương đã sớm được ổn định.

Sau khi hoàn tất khai quật và tiến hành đào thám sát, đến nay di tích đã được lấp đất trở lại. Nhưng câu trả lời cuối cùng cho một di tích có hình thù kỳ lạ, thuộc niên đại nào trong lịch sử của vùng đất Cố đô vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Bí ẩn của di tích đã nằm lại dưới lòng đất, nhưng một lần nữa cho thấy sự đa dạng về cách tổ chức kiến trúc và các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh của quá khứ lịch sử phong kiến vàng son Cố đô Huế. Điều đó cũng cho thấy, vẫn còn đó nhiều điều thú vị về lịch sử - văn hoá - kiến trúc chưa được khám phá hết trên vùng đất Kim Long - Phú Xuân từng là đế đô một thuở.

MỚI - NÓNG