Tam Quốc Chí - Chính sử về thời Tam Quốc

Tam Quốc Chí - Chính sử về thời Tam Quốc
Lần đầu tiên, pho chính sử về thời Tam Quốc, do Trần Thọ biên và Bùi Tùng Chi chú giải, được chuyển ngữ trọn vẹn sang tiếng Việt. Cũng có lẽ là lần đầu tiên, một bộ sách nghiêm túc như vậy lại được thực hiện bởi một nhóm biên dịch không chuyên.   

Xin đừng nhầm lẫn với Tam Quốc Diễn Nghĩa – bộ tiểu thuyết chương hồi lừng lẫy, một trong Tứ đại danh tác Trung Hoa cổ, từng mê hoặc không biết bao nhiêu thế hệ độc giả. Cơ sở dữ liệu lịch sử để La Quán Trung làm nên kiệt tác ấy chính là bộ Tam Quốc chí (bản Trần chí – Bùi chú) này, một trong 24 bộ sử chính thống của Trung Quốc.

"Là một người yêu thích Tam Quốc, với bất kỳ lý do gì cũng đủ để tôi không kiềm chế được sự vui mừng khi nhìn thấy bộ sách này.

Tam Quốc Chí xứng đáng được dành ở một nơi trang trọng trên kệ sách, không chỉ vì giá trị của một bộ sách chính sử, mà còn cả tấm lòng của những người mê Tam Quốc", Trần Tiến - Admin page Hỏa Phụng Liêu Nguyên.

Nếu đã từng đam mê Tam Quốc, hẳn không ít độc giả cũng đã từng băn khoăn với khá nhiều những “khoảng mờ” trong tính cách và cuộc đời của một số nhân vật. Đồng thời, có lẽ cũng đã từng tự đặt ra cho mình những câu hỏi: Tào Tháo có thực sự đáng căm ghét như thế không? Lưu Bị phải chăng thực sự bất tài vô dụng? Khổng Minh liệu có thật “tài kinh quỷ thần” như thế?...

Những câu trả lời, phần lớn sẽ được hé lộ với Tam Quốc Chí – bản dịch của dịch giả Bùi Thông và Phạm Thành Long hiệu đính, do NXB Văn học liên kết với Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam phối hợp xuất bản.

Ở Tam Quốc Chí, chân diện mục của cả một thời kỳ chiến loạn hấp dẫn bậc nhất lịch sử thế giới được lột tả tương đối chân thực.

Những băn khoăn về khác biệt giữa lịch sử và tiểu thuyết, về những “khoảng mờ” nói trên cũng chính là lý do để bộ sách ra đời. Từ những câu chuyện “trà dư tửu hậu” phiếm đàm, một nhóm bạn bè trên mạng ảo đã cố gắng đi trọn vẹn con đường. Một hành trình rất dài, đầy gian nan và thách thức, nhưng cuối cùng cũng đã đến đích, với tất cả sự cẩn trọng và tỉ mỉ của một thứ “thú chơi”.

Tam Quốc Chí - Chính sử về thời Tam Quốc ảnh 1

Trước khi bộ sách này hoàn tất, những phần lẻ của bản dịch thô đã trôi nổi khá lâu trên mạng. Dù còn khá nhiều thiếu sót, nhưng dù sao, cũng đã trở thành cơ sở lập luận cho không ít độc giả muốn tìm hiểu sự thật về thời kỳ này. Và hiện tại, toàn bộ khối lượng đồ sộ của pho sử đã được hoàn thiện, hy vọng có thể tiếp tục đóng góp cho quá trình nghiên cứu, chiêm nghiệm của những độc giả yêu thích Tam Quốc.  

Bản dịch do dịch giả Bùi Thông chuyển ngữ và Phạm Thành Long hiệu đính, được hoàn thiện thông qua quá trình đối soát và biên tập chỉn chu, tỉ mỉ từng chi tiết suốt 2400 trang sách. Pho chính sử kinh điển - một trong Nhị Thập Tứ Sử của Trung Quốc - này hy vọng sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu nghiêm túc, để có được một vị trí xứng đáng trong tủ sách của những độc giả yêu thích Tam Quốc.

"Là một người yêu Tam Quốc, tôi háo hức và chờ mong sự ra đời của bộ sách. Là một hậu bối ngắm nhìn thành quả của những người anh, người thầy, tôi hạnh phúc và hãnh diện. Còn giờ đây, là một người thích đọc sách và có nhiều bạn bè có cùng sở thích, tôi vinh dự được giới thiệu với các bạn thông tin chính thức về bộ TAM QUỐC CHÍ - một bộ sử rất quan trọng trong số Nhị thập tứ sử của Trung Quốc, và cũng là tài liệu không thể bỏ qua cho những ai yêu thích và muốn tìm hiểu chân diện mục của thời kỳ Tam Quốc", Nguyễn Đỗ  Thuyên-Admin page Tam Quốc Diễn Nghĩa.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.