Tân Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc nói về...

Tân Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc nói về...
TP - Thiết Ngưng sinh ra ở Bắc Kinh, trong một gia đình làm nghệ thuật, cha là hoạ sĩ, mẹ là nhạc sĩ, theo cha mẹ sống lâu dài ở tỉnh Hà Bắc.
Tân Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc nói về... ảnh 1
Nữ văn sĩ Thiết Ngưng CT Hội nhà văn Trung Quốc

Sau khi học hết cao trung (bậc trung học phổ thông), bà đi về nông thôn lao động và sáng tác, xuất hiện trên văn đàn vào đầu những năm 1980 bằng truyện ngắn “Ôi, tuyết thơm”.

Một nhà biên tập lão thành đánh giá, nếu chọn truyện ngắn hay nhất trong số mười truyện ngắn hay nhất từ thời kì đổi mới trở lại đây thì ông sẽ chọn truyện “Ôi, tuyết thơm”. Các nhà văn lớn Băng Tâm, Mao Thuẫn, Ba Kim đã trực tiếp chỉ dẫn giúp đỡ Thiết Ngưng viết văn.

Thiết Ngưng đã ba lần nhận giải thưởng toàn quốc về truyện ngắn, truyện vừa, hai lần liên tiếp nhận giải thưởng văn học Lỗ Tấn, trở thành một trong các nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

49 tuổi, Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, là vị Chủ tịch thứ 3 sau Mao Thuẫn, Ba Kim. Bà còn là Uỷ viên dự khuyết BCH trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Khi Thiết Ngưng được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, nhà văn Tôn Vân Hiểu đã viết, thời đại của các bậc vĩ nhân trong văn đàn Trung Quốc đã kết thúc, thời đại của những người bình thường (các nhà văn) đã bắt đầu.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Thiết Ngưng đã rất thoải mái và thẳng thắn. Dưới đây là những câu hỏi và trả lời.

Hỏi: Chị đánh giá thế nào về vị trí xã hội và vị trí văn học của hai vị chủ tịch tiền nhiệm Mao Thuẫn và Ba Kim?

Trả lời: Thời đại của các bậc thầy đã qua rồi. Bây giờ không phải là thời của các bậc thầy.

Tôi rất kính trọng đối với họ. Họ là những bậc thầy chân chính, có tầm tư tưởng rất cao, có học thức và sự tu dưỡng nghệ thuật sâu sắc. Họ đặc biệt quan tâm giúp đỡ các nhà văn trẻ. Họ thuộc thế hệ các nhà văn để chúng ta học tập, noi theo.

Hỏi: Chị thường đề cập đến hai vấn đề khi còn làm Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hà Bắc: Hội nhà văn có thể làm gì cho nhà văn? Nhà văn có thể làm gì cho xã hội? Vậy chị nghĩ thế nào về hai vấn đề này?

Trả lời: Hội nhà văn là sợi dây, là chiếc cầu nối giữa giới nhà văn với Đảng và Chính phủ, chức năng là đoàn kết, là hiệp thương, là phục vụ, tôi hi vọng mình có thể tận tâm tận lực làm tốt ba công việc này. Đồng thời là nhà văn thì mình phải làm gì cho xã hội?

Ngoài việc sáng tác cá nhân, nhà văn còn là đại biểu của lương tâm của một xã hội, vì thế có những vấn đề phải quan tâm, có những việc phải trả giá, nhưng cuối cùng nhà văn phải có tác phẩm.

Tôi rất thích một câu của Ba Kim, tác phẩm văn học có thể đem đến cho con người ánh sáng và nhiệt lượng, làm cho con người ta trở nên lương thiện... Tôi nghĩ, để tác phẩm có thể phát sáng và toả nhiệt, trái tim nhà văn phải trong sáng và ấm nóng.

Hỏi: Chị đã từng nói, tôi thích được làm quan, vì làm quan có thể giúp được rất nhiều người. Nhưng quyền lực là một con dao hai lưỡi, chị làm sao tránh được tác dụng phụ của quyền lực?

Trả lời: Chủ tịch Hội nhà văn thì cũng có gì đáng gọi là quan, không phải là một thứ quyền lực. Có thể phải chạy khắp nơi xin người ta chứ không phải là nơi người ta chạy đến xin mình.

Nếu coi đó là một vị quan của Hội nhà văn, thì việc làm hàng ngày là cũng chỉ xử lí những việc có liên quan đến nhà văn, giúp đồng nghiệp giải quyết khó khăn, giúp cho họ điều kiện sáng tác tốt hơn, đó là những việc về thực chất có liên quan đến văn học.

Hỏi: Chế độ nhà văn chuyên nghiệp và nhà văn hợp đồng là một đề tài nóng bỏng trong đại hội nhà văn, chị nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đáp: Đó là vấn đề đòi hỏi cải cách thể chế. Khi làm Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hà Bắc tôi đã kiên trì chế độ hợp đồng. Đó chẳng qua là một cơ chế cạnh tranh, nó không những kích thích đào tạo nhân tài, mà còn kích thích khả năng sáng tạo của các nhà văn hợp đồng.

Hỏi: Một ít quan niệm về viết tiểu thuyết của chị?

Trả lời: Tiểu thuyết là nghệ thuật kể chuyện, là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ được tôi luyện sẽ giải phóng vần điệu. Có thể nói người thầy đầu tiên về mặt này của tôi là nhà văn Tôn Lợi. Tôi học tập thơ, từ, tản văn Trung Quốc cổ điển khi sáng tác.

Hỏi: Chị tâm niệm điều gì khi được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc?

Trả lời: Những vị chủ tịch tiền nhiệm đều là những vị tiền bối, những nhà văn tiêu biểu mà tôi không thể so sánh được. Vì vậy tôi có năm điều tâm niệm.

Một là không được quên, mình là ai. Thứ hai là không thể quên tài sản văn học do các thế hệ nhà văn lớp trước dùng tài năng và trí tuệ tạo nên. Thứ ba là không thể quên học hỏi, học hỏi ở các đồng nghiệp ưu tú, học hỏi ở cuộc sống, nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao trình độ của mình, đó là việc của cả đời.

Thứ tư là không thể quên trách nhiệm, Hãy bắt đầu từ mỗi cá nhân, mỗi cá nhân hãy làm hết trách nhiệm của mình.

Thứ năm là không quên gốc, tức không quên sáng tác, là nhà văn chúng ta không được quên, sáng tác là gốc.

Hỏi: Chị sống độc thân khiến các giới khác hiếu kì, quan niệm của chị về vấn đề tình cảm này?

Trả lời: Cũng chẳng có gì đặc biệt. Thứ nhất tôi không phải là người theo chủ nghĩa độc thân, tôi cũng không muốn giương lên một ngọn cờ. Nếu như trước đây, chẳng hạn lúc mười tám mười chín hoặc hai mươi mấy tuổi, tôi đã lập gia đình thì không phải như bây giờ.

Đương nhiên lịch sử không thể giả định, tôi cũng có những chuyện tình cảm cá nhân, nhưng tôi không có gì phải ân hận hoặc thù hận, bởi vì mọi sự từng trải đều có giá trị của nó, làm phong phú đời sống của tôi, đem lại cho tôi rất nhiều điều tốt...

Còn về chuyện hôn nhân, đến tuổi này rồi, tôi cảm thấy trước hết, tôi là một người độc lập, độc lập về kinh tế, có nghề nghiệp đàng hoàng. Tất nhiên tôi vẫn kì vọng vào hôn nhân, tôi muốn nói là tôi vẫn còn hi vọng.

Nhưng tôi muốn nói một câu khác, từ trước đến nay tôi luôn sẵn sàng đón nhận thất vọng, bởi vì khi chuẩn bị sẵn sàng đón nhận thất vọng thì bạn mới có khả năng đón nhận hi vọng.

Hà Phạm Phú
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc

MỚI - NÓNG