Tân sắc Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn đặc sắc

Tân sắc Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn đặc sắc
Ngày ngày sau những giờ cặm cụi trên bàn viết ông vẫn tự thưởng cho mình là guồng xe  đi dạo phố.

Nom cái dáng cong lưng, rạp người chân thoăn thoắt guồng pê - đan xe lao vun vút hết phố này đến phố khác tất bật, vội vã, người không biết tưởng đấy là một cuarơ đã nghỉ hưu còn nhớ đường đua, nhưng không phải, đấy chỉ là một ông già có cái thú đạp xe để bồi bổ sức giai bền của cơ thể, giảm thiểu cái sự ốm đau của tuổi già.

Ông đấy! Bùi Ngọc Tấn đấy! Người viết nên những thiên truyện hóm hỉnh giàu chất thơ, thấm đẫm tình yêu cuộc sống, yêu con người và quê hương. “Người biết chưng cất cái đau thành nụ cười, thành hy vọng…” (1)

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 ở làng Câu Tử Ngoại xã Hợp Thành huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng. Ông viết văn viết báo từ 1954. Có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông… Khi mới ngoài hai mươi tuổi.

Sau khi ở rừng Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội, Bùi Ngọc Tấn với bút  danh Tân Sắc về làm việc ở báo Tiền Phong. Thời kỳ này ông được đi nhiều xuống nông thôn, công trường, xí nghiệp để viết những bài báo phản ánh công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mới giải phóng.

Nhưng Bùi Ngọc Tấn vẫn mơ ước được trở về thành phố quê hương để sống và viết về đất và người nơi ông sinh ra, hy vọng  có “một tác phẩm của đời mình”.

Rồi Bùi Ngọc Tấn cũng được toại nguyện. Năm 1959 ông chuyển về báo Hải Phòng công tác. Ngoài viết báo, phóng sự, bút ký làm trường ca phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân thành phố chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ông còn viết sách.

Các tác phẩm: Mùa cưới, Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, Đêm tháng 10, Người gác đèn cửa Nam Triệu, Nhật ký xi măng, Nhằm thẳng quân thù mà bắn... lần lượt đến với độc giả.

Trong loạt  tác phẩm đầy chất vui sống  ấy đáng nhớ nhất của thời kỳ này là “Người gác đèn  Cửa Nam Triệu”  viết về anh  hùng Phùng Văn Bằng, người gắn bó với tháp đèn nơi đầu sóng ngọn gió ở vùng cửa biển xa xôi. Cuốn sách được in hàng vạn bản và được giải thưởng của Bộ Văn hóa.

Ngoài những cuốn đã in, Bùi Ngọc Tấn còn tích cóp vốn sống, kỷ niệm với đất người thành phố nơi ông sống. Ông hăm hở trút lên ngọn bút mình trong hơn ngàn trang bản thảo với những xúc động, tâm huyết hào hứng và hy vọng…

Nhưng rồi như một định mệnh, ông bị một tai nạn bất ngờ. Và hơn ngàn trang bản thảo kia cùng theo cái tai nạn ấy mà một đi không trở lại với chủ nhân của nó nữa.

Bùi Ngọc Tấn im lặng? Không, chỉ đứt quãng, vì ngặt nghèo số phận ngoài ý muốn. Tưởng rồi Bùi Ngọc Tấn không bao giờ viết nữa “trước thử thách của số mệnh vốn không phải là tội của tổ tông truyền” (2). Ông ngừng viết hơn 20 năm.

Nhưng tình yêu của ông với đất nước với con người thì không hề phôi phai, xao lãng, vơi cạn. Hay còn vì nghề văn vốn là cái nghiệp không dễ gì chối bỏ. Nó cứ riết róng thôi thúc ông cầm cái bút và viết. Sự dồn nén của cảm  xúc bấy lâu nay lại trỗi dậy, lại bừng lên trong con người bề ngoài tưởng lạnh lùng ấy.

Tác phẩm trình làng sau hai mươi năm im lặng của Bùi Ngọc Tấn là một bài viết nhỏ về nhà văn Nguyên Hồng – một người anh của nghiệp văn, một người bạn vong niên – mà ông thương kính  đăng trên tạp chí Cửa Biển. Qua bài viết ấy bạn bè thấy lại được bản ngã  và bút lực của Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn.

Song, qua tác phẩm nhỏ ấy ông thấy còn thiếu nhiều lắm những gì làm nên một nhà văn của những người dưới đáy thời trước cách mạng: Nguyên Hồng.

Và Bùi Ngọc Tấn bắt tay vào viết cuốn “Một thời để mất”– Cuốn sách nói lên được đầy đủ  những kỷ niệm, quan niệm, những tình cảm thân thương và cả sự đau xót  với những gì đã đến đã qua với Nguyên Hồng và tác giả. Cuốn sách ấy là một trong những hồi ức xuất sắc nhất viết về nhà văn lớn Nguyên Hồng.

Một tặng thưởng của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã trao cho Bùi Ngọc Tấn. Một phần thưởng tự nó chẳng nói lên gì nhiều trong một đời văn. Nhưng với Bùi Ngọc Tấn đó là một minh chứng cho những tháng năm quật quã trải nghiệm đầy bản lĩnh, trước những oan nghiệt của cái nghiệp văn chương: Buồn vui và cay đắng. Có lẽ đây là chút hạnh phúc sau những gì đã đi qua đời ông.

Sau “Một thời để mất” là tiểu thuyết và hàng loạt truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn lần lượt xuất hiện trên các báo trung ương và địa phương. Sau này các truyện ngắn được ông tập hợp lại trong hai cuốn: “Những người rách việc” và “Một ngày dài đằng đẵng”.

Đọc truyện nào cũng đầy ắp vốn sống, ngồn ngộn chi tiết và lấp lánh tài hoa, gợi mở. Bùi Ngọc Tấn có lối viết rất lạ. Văn Bùi Ngọc Tấn dung dị mà hiện đại, không uốn éo làm duyên hay phô diễn khoa trương.

Ông viết về những con người bình thường với sự trân trọng, thương xót. Dù có phê phán thì cũng là sự phê phán bao dung, rộng rãi của người có lòng vị tha trung thực.

Tôi thích nhiều truyện của ông: Trung sĩ, Người ở cực bên kia, Cún, Người chăn kiến, Đồng hương… Truyện nào của ông cũng xúc động. Tôi thấy đó là một văn tài đặc sắc. Đặc sắc của cái chất hóm hỉnh đôi khi trào lộng rất riêng không giống ai của Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn.

Bùi Ngọc Tấn còn là người rất khéo trong việc đặt tên cho mỗi tác phẩm của mình.

Có lần tôi cầm cuốn sách ông tặng với cái tên: “Một ngày dài đằng đẵng”. Sao mà nặng nề! Về nhà mở sách ra đọc phần mục lục. Trời! Có khối cái tên hay, gọn, gợi sao ông lại không đặt ngoài bìa sách của mình.  Tôi thắc mắc, tò mò lao vào đọc một mạch.

Đọc xong tôi thấy ông đưa cái tên truyện ấy ra ngoài bìa sách thì thật khéo và hóm lắm. Ngẫm lại tên của từng tác phẩm ông đã đặt thì thấy cái tên nào cũng thật ôm trùm, đắc địa và rất hợp lý với những gì được dung nạp ở bên trong.

Tôi đem chuyện đó nói với ông. Ông cười tủm tỉm: Có gì đâu! Có gì đâu mà…

Khiêm nhường, kiệm lời nhưng đôi lúc ông cũng hay vui tếu có lẽ đó là cái nết của nhà văn Bùi Ngọc Tấn?

Một chiều đông trời gió rét căm căm tôi gặp ông ở ngã Sáu. Ông bảo: Khỏi vào nhà mình leo gác khó. Ông chỉ tay mời tôi vào một quán bia.

Tôi rùng mình: ấy chết, rét này mà uống bia như bác ?

- Cho biết thêm cái mùi vị của rét thì đã sao, cứ uống.

Và chúng tôi uống. Uống xong ông nhất định trả tiền. Tôi bảo: Thằng em phải đãi ông anh chứ ai lại…

Ông bảo: Không được, tao trả.

Tôi ớ người: Vì sao ạ?

Đã bảo thế rồi đừng có băn khoăn nữa.

Về sau tôi mới biết trước đó mấy hôm ông vừa lĩnh ối là tiền thưởng cuốn Rừng xưa xanh lá của thành phố Hải Phòng và Hội Nhà văn Việt Nam. Mà tôi nhớ ra rồi, sách của ông gần đây vẫn tái bản xoành xoạch. Thôi kệ cho ông trả tiền vậy.

Con người thường nhật của Bùi Ngọc Tấn là thế. Giản dị, cởi mở và đôi lúc cũng rất hay đùa. Chẳng trách nhà văn Dương Tường bạn ông trong một lần đã viết: “Cái lớn lao của Bùi Ngọc Tấn là ở chỗ tất cả những vùi dập cay nghiệt của số mệnh không hề làm anh hằn học, chua chát mà chỉ thêm bao dung. Phải là một tâm hồn quảng đại mới có thể nói về những nghiệm sinh ê chề của mình với chất U-mua độ lượng và lạc quan đến thế”. (báo Văn nghệ số 49 ngày 4/12/1999).

Chúng ta hãy đón đợi những trang đã và đang viết của Bùi Ngọc Tấn. Đúng hơn phải nói hết cái tên ghép của ông: Tân Sắc Bùi Ngọc Tấn. Ông nhà văn này đang còn viết hăng lắm.

Kiến An, 2000 – 2005

_____

(1,2): Chữ của Dương Tường

MỚI - NÓNG