Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN bị từ chối, vì sao?

Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN bị từ chối, vì sao?
TP - Xung quanh Giải thưởng Hội nhà văn VN 2005 vừa công bố, có một số luồng ý kiến... Hôm 22/10, nhà thơ Ly Hoàng Ly đã gửi đến Hội nhà văn VN “Thư từ chối nhận giải Tặng thưởng dành cho tập thơ Lô Lô”.
Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN bị từ chối, vì sao? ảnh 1
Nhà thơ Ly Hoàng Ly (ảnh Tuổi Trẻ)

Nhận thấy đây là một vấn đề của đời sống văn học, Tiền phong đăng ý kiến của người trong cuộc về Giải thưởng Hội nhà văn năm nay.

“Không thấy sự nghiêm túc”

Thư của Ly Hoàng Ly gửi HNV VN viết:

“...Qua thông báo chính thức đăng trên một số tờ báo trong nước, tôi được biết Hội nhà văn Việt Nam quyết định “tặng thưởng” cho tập thơ Lô Lô của tôi. Một số đồng nghiệp và những người quen biết gọi điện chúc mừng tôi, nhưng cùng lúc tôi cũng được nghe những lời xì xầm về giải thưởng năm nay của Hội nhà văn Việt Nam.

Quả thật khi đó dù chưa hiểu thực hư thế nào, nhưng tôi có một cảm giác giải thưởng lần này có gì đó không ổn cho lắm, hơi gờn gợn. Vốn là người không bao giờ để cho những tin đồn (những gì không chính thức và bản thân không trực tiếp nhìn thấy) chi phối cuộc sống và cảm xúc của mình, nên dù có cảm giác hơi gờn gợn nhưng tôi cũng không thực sự cho đó là mối bận tâm.

Thiết nghĩ, môi trường làm nghệ thuật vốn là môi trường phức tạp với nhiều chính kiến, quan điểm khác nhau, mỗi người một ý, nên mâu thuẫn, không vừa ý nhau là chuyện thường tình. Trong khi bản thân tôi luôn thích cuộc sống khép kín, không giao du nhiều, không tranh cãi nhiều, để dành thời gian sức lực cho công việc sáng tác của mình. Những gì tôi muốn nói: quan điểm, phong cách, ý tưởng… sẽ được thể hiện và bày tỏ với đồng nghiệp, xã hội bằng chính các sáng tác của tôi.

Và tôi vẫn giữ nguyên thái độ im lặng của mình như vậy, cho đến khi đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, ủy viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, một trong những người trực tiếp chấm giải, trên tờ Thể thao & Văn hóa số 126 ngày thứ Bảy 21/10/2006.

Sau khi đọc những phát biểu của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, tôi chính thức tuyên bố xin từ chối “Tặng thưởng” mà Hội nhà văn Việt Nam định trao cho tôi. Tôi cũng chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang đã có những câu trả lời thật cởi mở và thành thực về giải thưởng, giúp tôi có được cái nhìn trực tiếp rõ ràng về bản chất sự việc.

Qua sự bày tỏ của nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang, tôi không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu.

Dù tuổi đời tôi còn trẻ, tuổi nghề tôi cũng chưa nhiều, nhưng từ trước đến giờ, tôi đeo đuổi con đường sáng tác nghệ thuật vì đó là niềm khao khát, đam mê, là lẽ sống của tôi. Con đường lắm chông gai, và người theo đuổi thì trong sáng và vô vụ lợi.

Mong ước của tôi là được chia sẻ tư tưởng, quan điểm, sáng tạo của mình với xã hội qua các tác phẩm của mình. Còn nhận định tác phẩm của tôi hay, dở ra sao, khen chê thế nào là quyền của người đọc, tôi luôn ghi nhận và trân trọng.

Tôi quan niệm: mong muốn sáng tạo là vô hạn, giải thưởng có cao quý đến đâu cũng là hữu hạn. Kỳ vọng vào bất kỳ giải thưởng nào là tự giới hạn mình. Tuy vậy, tôi cũng luôn rất trân trọng và hạnh phúc khi nhận được một giải thưởng mà một tổ chức nào đó có nhã ý tặng cho tôi (dù là giải thưởng nhỏ, tổ chức nhỏ), nếu quả thực họ thấy vui thích khi trao giải cho tôi, nhiệt tâm chia sẻ với sáng tạo của tôi, và bản thân họ cũng thấy mãn nguyện về giải thưởng mà họ trao (đó là điều tôi đã vinh hạnh được nhận ở giải Bút Mới của báo Tuổi Trẻ (giải Khuyến khích năm 1995 & giải Nhất năm 1996) và giải Mai Vàng của báo Người Lao Động (1999) cho tập thơ Cỏ trắng)...”.

“Từ chối là quyền của họ”

Tặng thưởng của Hội Nhà văn VN bị từ chối, vì sao? ảnh 2
Bìa tập thơ Lô Lô

Theo như bài báo mà Ly Hoàng Ly đã dẫn, thì nhà văn Phan Hồng Giang- ủy viên Hội đồng chung khảo đã nhận xét các tác phẩm được Giải thưởng và Tặng thưởng thơ năm nay như sau:

“Nói một cách công bằng, tập Thương lượng với thời gian của Hữu Thỉnh được sự nhất trí cao của các thành viên trong hội đồng, tất nhiên những mối quan hệ ngoài văn chương cũng rất khó tách bạch. Song cũng nên ghi nhận Thương lượng với thời gian là một bước tiến trong thơ Hữu Thỉnh so với chính ông ấy. Còn nếu so với mặt bằng thơ ca thì cũng không có gì quá nổi trội, kể cả Lô Lô (Ly Hoàng Ly) cũng không khiến Ban chung khảo phải ồ lên vì trầm trồ... Những tác phẩm được Giải thưởng và Tặng thưởng ít nhất cũng đạt được những tiêu chí của giải là: có giá trị văn học, có tìm tòi phát hiện ở những mức độ khác nhau...”.

Về việc nhà văn Thuận  (Việt kiều, sống tại Paris- Pháp) phát biểu (trên báo) khi nghe tin chị được Tặng thưởng, đại ý rằng một vị trí “ngoài lề” có lẽ thích hợp với chị hơn cả, phóng viên đặt câu hỏi cho một thành viên Hội đồng chung khảo: “Trao tặng cho nhà văn hải ngoại là nét mới (dù không phải lần đầu) nhưng trước khi trao tặng, Hội đồng không cẩn tắc vô ưu hỏi ý kiến tác giả trước đã?”.

"Khi được giải rồi, tác giả có quyền từ chối giải thưởng, từ chối vinh quang. Nhưng khi người ta đang chấm, anh không có quyền nói rằng tôi không cho phép các anh chấm tôi. Vì tác phẩm của anh để trong ngăn kéo thì là của riêng anh, không ai xâm phạm và cũng không ai định giá làm gì. Nhưng nếu anh đã xuất bản thì nó trở thành sản phẩm xã hội, mà đã là sản phẩm xã hội thì phải chịu sự định giá của xã hội.

Có một số người hiểu sai nên nói: “Tôi không tham gia, tôi có thi cử gì đâu”. Đây không phải là một cuộc thi tiểu thuyết hay thi thơ đòi hỏi sự tự nguyện hay không, mà là cuộc đánh giá hàng năm, do xã hội trao cho Hội nhà văn, phải có cặp mắt xanh, có đủ trình độ để phát hiện tác phẩm tốt dù nó có lẩn khuất, có trốn ở đâu...”. “Anh nghĩ gì trước sự việc: bên cạnh tác phẩm được trao “Giải thưởng” thì bị dư luận đánh giá là có vấn đề, còn tác giả khác từ chối thẳng thừng hoặc chối khéo?” “Trong xã hội văn minh, chuyện từ chối giải này giải nọ là bình thường. Người chấm chỉ cần yên tâm là mình đã không bỏ sót”.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2005:

Giải thưởng: Thương lượng với thời gian (Tập thơ của Hữu Thỉnh); Cánh đồng bất tận (Hiện tượng văn học trong năm-Truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư).

Tặng thưởng: Gia đình bé mọn (Tiểu thuyết của Dạ Ngân); Paris 11 tháng Tám (Tiểu thuyết của Thuận); Thượng Đức (Tiểu thuyết của Nguyễn Bảo Trường Giang), Lô Lô (Tập thơ của Ly Hoàng Ly).

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.