Tây Sơn kỳ dị

Tây Sơn kỳ dị
TP - Tây Sơn - mảnh đất oai hùng một thuở vang tiếng với những hào kiệt lẫy lừng đến nay vẫn còn không ít kỳ nhân mà nhờ những cơ may trong đời, trong nghề, tôi đã được quen, được thân hoặc nghe những huyền tích về họ.
Tây Sơn kỳ dị ảnh 1
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở thành phố Qui Nhơn

“Nhân có thằng  Quảng Nam vào, ta mổ con nghé, làm tô dé nhậu chơi”. Giọng Tư Lương vang lên, cả bàn cười to. Dé là đoạn ruột non của con nghé, bỏ vào nồi nấu chung với lá giang, rau tập tàng, sùng sục sôi, chua chua, bùi bùi,  đăng đắng, gắp một miếng, tợp một ly Bầu Đá chính hiệu, trời mùa hè mà trong người như sông Côn mùa lũ.

Thay vì phải hạ con nghé, anh em dẫn tôi vào quán “hai sống một chín” gần ngã ba sông Côn, sát cây cầu  bắc qua sông. Hai bánh tráng sống, kẹp giữa một bánh tráng đã nướng chín, trải ra, bỏ trong đó là một quả trứng vịt, một xiên thịt nướng, rau sống, hai cuốn ram, một lát đậu khuôn to chiên giòn, xong,  bẻ hai đầu vào như gói bánh tét, cuốn lại. Nó không còn là cái bánh nữa mà  như cái chày.

Mỗi người một cái, chấm nước mắm. Sức tôi chỉ đủ nuốt trôi một cái, cứng bụng. Anh em bảo: “Thứ này chỉ có ở Tây Sơn. Ngày trước khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, nó là thức ăn của những lục lâm thảo khấu ở Trường Trầu, vốn ưa thứ gì làm nhanh mà mau no”.

Tôi đọc qua lịch quay phim “Tây Sơn hào kiệt”, thấy có phân cảnh chuẩn bị 60 sọt đựng bánh tráng để nghĩa quân làm lương thực trên đường đánh ra Bắc. Bánh tráng, thức ăn muôn đời.

Bốn năm trước, tôi ghé Tây Sơn thăm ông Tư Lương, lần này quay lại, xem ra ông già vẫn vậy, nhưng có khác một tí “tao bị tăng xông, không uống được”. Anh Trần Viết Dũng bảo, ổng là… Cái gì vật chứ nhân vật chi ổng, ai mà chịu cho thấu. Tôi nói “Anh coi bộ về già cũng như ổng thôi”.

Anh Dũng làm thơ, bảo “không làm nữa, thơ cách tân chạy theo mệt quá”.  Nuôi bò, ong, mở quán cà phê, bây giờ chuyển sang nấu rượu. “Rượu tao không đụng hàng. Bầu Đá ngâm với ong toàn tính, uống ngon, không đau đầu, năm ngoái nhà thơ Nguyễn Duy qua đây, bảo “thiên hạ đệ nhất rượu”.  Tau chế được 13 thứ rượu rồi, sẽ ráng lên cho đủ “thập bát ban võ nghệ”. Dân miền tây khoái rượu này lắm. Đó là thứ rẻ nhất hiện nay, nhưng đảm bảo chất lượng, không có chuyện bậy bạ, nhiễm độc đâu. Miền Trung và Tây Nguyên rồi đây tau tính đường ‘phủ sóng”. 

Căn nhà nhỏ, thấp và ám đen cũ mèm nằm trên đường Quang Trung của thị trấn Phú Phong. Vẫn la liệt gốm Gò Sành. Mấy bức tranh. Tủ sách cũ. Hai dãy bàn học trò. Cây cảnh. Ông Tư Lương đang nằm đọc báo Văn nghệ. Nhà chỉ có hai vợ chồng già. “Còn làm thơ không chú ?”. “Còn. Càng ngày làm càng dở. Mà sao lạ quá mày, “bia rượu nhiều nóng người, hãy uống trà Dr Thanh” mà tụi nó hát cũng được, thơ trong nhạc, nhạc trong thơ à?”.

Năm đó ông bảo “thơ tau, đủ  trả tiền điện”. Gom hết lại, ông ra tập “Cỏ lấm bụi đường”, giọng của người lúc như sống đủ, lúc như ngơ ngác ở đời: “Một sân một chiếu một chai - Một mình một bóng lai rai một chiều - Uống say quăng chén nằm queo - Mất người mất bóng mất chiều mất chai” (Rượu chiều); “Lên chùa con có đốt nhang - Cúng dường Bồ tát Vu lan rằm này - Chắp tay kính bạch sư thầy - Làm sao nghe được tiếng chày nện chuông” (Lên chùa lễ Phật). 

Tầm này, học trò chắc cũng mới vừa tan học. Sáng, ông  dạy Anh văn, sau khi đã  bán  cà phê đến 8 giờ. Chiều dạy con nít lớp 1.  Ông bị thương, hư một mắt, nhưng nạt bọn con nít “ngày xưa tao lười học, bị thầy đâm thủng một mắt, tụi mày coi đó mà học”.

Phụ huynh quanh vùng quý ông, ai cũng thích gởi con. Nhưng ông xuất thân không phải là giáo viên, mà là hoạ sĩ trình bày báo Bình Định. Trước 1975,  tranh của ông đã 3 lần làm bìa cho tạp chí Văn nổi tiếng. Bà vợ buôn bán vặt. Con gái ông là Nguyễn Thị Tố Trân, là tiến sĩ nông học đầu tiên của tỉnh Bình Định. Đứa con trai sau là kiến trúc sư.

“Mọi chuyện rồi cũng qua hết, mày ơi”. Ông cười hào sảng, như không cần thuật lại những ngày tháng cực nhọc nuôi con, dẫn tôi đến trước bức tranh vừa vẽ. “Thằng cháu tuổi Hợi, cưới con vợ tuổi Sửu, tao chẳng có gì làm quà, cho nó tiền thì cũng tiêu hết, nên vẽ bức tranh lợn cưỡi trâu, tặng chơi”.

“Chơi dzậy mới chơi”, anh Dũng đế vào. “Tao nghĩ, đất Tây Sơn chủ yếu là chơi thôi mà chơi là chơi ngon nghen. Chúng mày nhớ chuyện Tản Đà đi thăm Bình Định năm 1936, nghe con hát tuồng ở rạp Phú Phong tại đây hát hay, bèn thưởng tiền không?

Ông nội tao là chủ rạp hát đó. Rồi ổng đi thăm đình Tây Sơn ở làng Kiên Mỹ, bị xã bắt vì không biết Tản Đà là ai, dẫn lên quan huyện, mà quan huyện là bạn ổng, cũng tại vùng này. Ăn uống kiểu đây cũng là cách chơi không giống ai.

Tây Sơn kỳ dị ảnh 2
Ông Nguyễn Đình Lương và bức tranh tặng cháu

Tây Sơn cục mịch lắm, văn vẻ có gì đâu, may mà đẻ ra ông nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tao mà dị kỳ cái gì, tụi mày sang hỏi ông già Mười, ổng kể chuyện “tề gia” cho mà nghe, thằng cha đó mới “độc nhất vô nhị”.

Ông Mười lớn hơn ông Tư Lương mấy tuổi, nhà cũng gần đó, kể: “Có ông tên Giá, tuổi ông già tao, thiệt lạ, nhà ổng xài toàn đồ tre, từ cái vá múc cơm đến đôi dép, tre hết. Vườn nhà ổng, sạch như lau. Cây cối trong vườn đủ loại, nhưng khi thu hoạch, mỗi thứ đều có một lọ đựng tiền bằng tre, để riêng, không lẫn lộn.

Ông này tuyệt đối không đi ăn đám chạp, kỵ, giỗ ở đâu. Nếu làng có việc, ông sai con đến xem người ta đi đám bao nhiêu tiền, về báo lại, ổng đưa tiền ra, sai con đến  gởi và thưa “ba tôi bị đau”. Bữa ăn, mỗi người chỉ ăn 2 chén. Vườn, sai 3 con trai thay phiên nhau đuổi gà, đứa  nào để gà phá gãy một cây, là bị trừ nửa chén cơm. Nhưng chuyện đi tiêu nhà ổng mới độc.

Không có cầu tiêu, cầu xí gì hết, cứ ra vườn mà đào hục, xong, lấp lại, nhưng phải thẳng hàng, không lung tung, bằng cách ông cho giăng một dây thẳng, cứ thế mà lần lượt. Chẳng hiểu được.

Ổng đi cày, thằng con dắt bò, vợ vác cày, ổng mặc bộ đồ trắng, tay cầm roi và một bình nước, gói theo miếng bánh dầu nướng chín và ít muối. Đến ruộng, cởi đồ ra, gấp lại, cày xong, vợ con đến lùa bò và vác cày về, ông ăn xong miếng bánh, mặc đồ vào, lại như đi chơi.

Vợ làm trái ý, tối, ổng lấy roi cày đánh vợ, nhưng cấm vợ kêu la vì  hàng xóm sẽ biết, con cái không ngủ được, sáng ra vợ bảo con xắn áo lên, xoa dầu, con ngạc nhiên vì sao, bà bảo đêm qua ba mày đánh tao.

Nhà ông có 6 người thì có 6 cái vỉ đập ruồi, hễ ăn cơm có con ruồi bay qua là đồng loạt 6 cái vỉ vung lên, ruồi nào thoát được. Có người hàng xóm biết ông kỹ tính, bèn sai con qua mua nửa quả cam. Ông gật, dẫn ra vườn, cắt nửa quả, còn nửa quả lủng lẳng lên cành, lấy giấy bọc lại.

Thế mà, lúc sắp mất, ổng sai con đến mời ông già tao, viết cho mấy chục bức thư, nội dung như nhau, rằng tôi biết khi còn sống, tôi đã làm phật lòng nhiều người, nay mong mọi người bỏ qua cho, xong  sai con đi gởi quanh làng. Bà con gọi ông là ông “tề gia”. Tề gia, tu thân kiểu này thì Khổng Tử sống dậy cũng phải chắp tay gọi là cụ”.

Ông Mười, lúc còn thanh niên cũng từng thượng đài đấu võ. “Chuyện võ Tây Sơn, nói cả đời không hết. Tao cho rằng tinh hoa võ Tây Sơn đã mất đi 90 phần trăm rồi. Vì sao?  Ai học nấy biết, không dạy tràn lan, rồi vì nó quá hiểm nên người ta không dám dạy, cha chưa chắc dạy cho con.

Thời đó sao có nhiều người sức khỏe vô địch, võ nghệ siêu quần, giỏi đến mức không tưởng tượng nổi. Có chuyện là ông kia biết mình đánh không hơn ông này vì mấy đòn đá, bèn chọn đêm trăng sáng, mời đến nhà chơi, rượu vào, mời ra cùng ổng dzợt mấy đường chơi. Dưới nền sân, ổng đã rải đầy tro. Đánh xong, sáng ra ổng xem kỹ bước chân ông kia in dưới nền, từ đó nghĩ ra cách phá thế. Tài thật”.

Chúng tôi xen vào: Khác nào chuyện Đoàn Dự đi “Lăng ba vi bộ” trong chưởng Kim Dung! Ông Mười gật đầu: “Một thời đã qua rồi. Từ võ mới sinh ra nhiều chuyện kỳ lạ lắm. Võ bây giờ ăn thua gì so với hồi đó, hai tay bốc hai người ném là chuyện thường. Thế sự đổi thay,  bây giờ tứ tung cả rồi…”.

Sông Côn từ hạ đạo nhìn lên, chiều xuống, núi như đại đao in hẳn lên trời. Ở đó có mấy ngọn Hoành Sơn, Nghiêng Sơn và Trương Bút. Hoành Sơn là chỗ táng mộ cha của anh em Tây Sơn Tam Kiệt. Con sông đi qua những làng quê trung du bát ngát tiếng gà, mà ven sông là những làng võ danh trấn: Thuận Truyền, An Thái, An Vinh, với những võ sư mà tên tuổi nhuốm màu huyền thoại. Xóm làng cũng mang trong mình những cái tên chân chất: Xóm bún, xóm giá, xóm đậu, trường trầu…

Bữa tôi sang chiếc cầu cũ, hỏi một bà già đi chợ về, bà đáp “Ừ bên đó là quê ông Huệ”. Những điều kỳ dị, tôn nghiêm, đã hóa thành điều bình thường trong tâm thức người dân, những nông dân hiền lành, hào sảng.

Đi qua thương hải tang điền, tâm thức của Tây Sơn một thời hào kiệt còn vang vọng trong bao lớp người, nên khi đoàn làm phim Lý Huỳnh về đóng “Tây Sơn hào kiệt”, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con nơi đây, như là ý nguyện muốn sống lại chuyện xưa, giờ đang là như cổ vật buồn…

Đi qua thương hải tang điền, tâm thức của Tây Sơn một thời hào kiệt còn vang vọng trong bao lớp người, nên khi đoàn làm phim Lý Huỳnh về đóng “Tây Sơn hào kiệt”, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bà con nơi đây, như là ý nguyện muốn sống lại chuyện xưa, giờ đang là như cổ vật buồn…
MỚI - NÓNG