Tên anh đã thành tên đất nước

NSND Trần Hiếu và nhóm MTV Cùng anh tiến quân trên đường dài...Ảnh: GĐTH.
NSND Trần Hiếu và nhóm MTV Cùng anh tiến quân trên đường dài...Ảnh: GĐTH.
TP - Mỗi năm vào dịp 27/7 có rất nhiều chương trình ca nhạc tôn xưng và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Giai điệu Tự hào mới thêm vào một cách làm chương trình tưởng niệm hấp dẫn, gây xúc động với nhiều câu chuyện đích đáng.

Số tháng Bảy “Tên anh đã thành tên đất nước” giới thiệu 6 bài hát tuyển chọn trong kho tàng anh hùng ca vô cùng phong phú của Việt Nam qua hai kỳ kháng chiến.

Để đọng lại trong tâm khảm người nghe đến hôm nay, 6 ca khúc này không chỉ “cạnh tranh” với nhiều bản anh hùng ca khác mà còn phải vượt qua được những “đối thủ” ca ngợi cùng một nhân vật giống mình. Đơn cử, bên cạnh Cùng anh tiến quân trên đường dài viết về Nguyễn Viết Xuân còn có bài thiên về trữ tình của Nguyễn Đức Toàn hay Đỗ Dũng phổ thơ Phan Cung Việt hùng tráng. “Bài của Huy Du phổ thơ Xuân Sách kết hợp được cả hai tính chất này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha nhận định.

Các chương trình kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ kiểu “đến hẹn lại lên” đương nhiên vẫn làm mới những ca khúc truyền thống. Nhưng vào tay ê-kíp Giai điệu Tự hào, sự làm mới được nâng lên mức sáng tạo. Hầu hết các bài hát trong chương trình đều được gửi gắm những nhạc sĩ phối khí tài năng và những giọng ca gây bất ngờ. Sự bất ngờ còn nằm ở con số bình chọn tròn trĩnh 100% khán giả lớn tuổi trong trường quay bình chọn cho bài mở màn Cùng anh tiến quân trên đường dài và bài hạ màn Dáng đứng Việt Nam. Một điều chưa từng xảy ra là tỷ lệ bình chọn của cả khán giả lớn và trẻ tuổi dành cho Hát mừng anh hùng Núp chung một con số: 97,3%. Nguyễn Thụy Kha cho rằng, qua trình diễn của ban Ngũ Cung, Hát mừng anh hùng Núp đã đi tới tận cùng phong cách của chính nó: “Bản phối mới mở khóa được rock giấu trong giai điệu bài hát từ lâu”.

Cùng anh tiến quân trên đường dài được đặt vào một không gian âm nhạc có thể nói đúng chất thời thượng, có tính giải trí và rất thú vị là vẫn được khán giả lớn tuổi chấp nhận (thể hiện qua lượng bình chọn). Bài hát được biết đến qua cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thanh niên do Trung ương Đoàn tổ chức năm 1967 đã thực sự đi vào lòng người.

Nhà báo Lê Bá Dương nói: “Cùng anh tiến quân trên đường dài đã dồn bước chúng tôi đi vào chiến trường năm 1968 khi tôi mới 15 tuổi đi bộ từ Thanh Hóa vào Quảng Trị nghe bài hát dọc triền đồi trung du. Giai điệu cứ thôi thúc người nọ níu vai người kia bước lên phía trước, dù biết phía trước là bom đạn, hy sinh…”. Người dẫn chương trình Phùng Huy Thịnh cũng chứng thực lời hát “Đường dài tiến quân rộn ràng có Hồng Gấm cùng đi” khi vào năm 1971, ông và đồng đội đã hát Những cánh chim Hồng Gấm của Phạm Tuyên dọc đường hành quân. Liên hệ với hiện tại, đạo diễn Phạm Việt Thanh đặt câu hỏi, ngày nay có bài hát gì khiến chúng ta lẩm nhẩm hát theo để cùng chống tham nhũng?!

Những tượng đài bằng âm nhạc vượt thời gian đặt đúng nơi đúng người có khả năng phá vỡ khoảng cách tuổi tác. Người đẹp Lan Khuê hay nhạc sĩ Nguyễn Cường đều chung cảm xúc “thắt lại, cuộn lên” hay “gai gai rưng rưng” khi nghe lại Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Nguyễn Cường nhận định ca khúc này là một bài hát ru xuất sắc của âm nhạc Việt Nam. Viết nhạc cổ động mà như ru - các nhạc sĩ ngày xưa quả là những bậc đại tài!

Bài hát kết thúc làm bật ra những trăn trở thời cuộc về “dáng đứng Việt Nam” hôm nay. Đại diện cho quân đội, thiếu tá, nhà thơ Nguyễn Minh Cường phát biểu: “Chúng tôi là những người chiến sĩ của ngày hôm nay sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, nhưng không mong mình trở thành tên đất nước. Chúng tôi mong rất nhiều con người khác nữa đang đóng góp vào công cuộc dựng xây của chúng ta trở thành tên đất nước, để Việt Nam thực sự rạng rỡ trong thế kỷ XXI này và mãi mãi về sau”. 

Nếu giới trẻ ngày nay rủ nhau hát theo những bài hát mới trên bảng xếp hạng Anh, Mỹ thì Hát mừng anh hùng Núp ngày mới ra đời cũng được giới trẻ đón nhận tương tự. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai kể khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, các chị lựa chọn bài này đầu tiên để hát mỗi lần tụ tập cùng nhau ở trường vì chất nhạc Tây Nguyên lúc bấy giờ là rất mới mẻ. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.