'Thần đồng' cũng phải chờ

Nghệ sỹ Phần Lan, Việt Nam cùng phiêu. Ảnh: CĐNT Hà Nội.
Nghệ sỹ Phần Lan, Việt Nam cùng phiêu. Ảnh: CĐNT Hà Nội.
TP - “Thần đồng” Nguyễn Đức Vĩnh khó có cửa học nghệ thuật chuyên nghiệp ngay, may ra thì vài năm nữa, khi có đề án đào tạo sớm tài năng trẻ.

Nhóm nghệ sỹ Phần Lan biểu diễn giao lưu, hội thảo với nghệ sỹ trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cuối tuần trước. Phô diễn kho tàng âm nhạc truyền thống mỗi nước rồi, phần trình diễn kết hợp nhạc cụ tây-ta được khán giả hưởng ứng- Tuuli se taivutti (Ngọn gió), Trống cơm, Bèo dạt mây trôi.

Sau đêm diễn, hỏi nghệ sỹ violin Piia Kleemola-Valimaki, giới trẻ Phần Lan có quan tâm nhạc truyền thống. “Họ không quan tâm lắm đâu. Ở đâu có giáo viên, người hướng dẫn nhiệt tình, hấp dẫn  may ra quan tâm hơn. Thanh niên thích nhạc Tây Âu hơn, họ cứ nghĩ dân ca, nhạc truyền thống dành cho người già. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước”, chị nói.

Piia Kleemola là chuyên gia âm nhạc truyền thống, chị thừa nhận theo đuổi âm nhạc truyền thống ở Phần Lan không dễ dàng. Marita Yleva là giáo viên kiêm nghệ sỹ chơi accordion loại truyền thống, cũng nói nghệ sỹ nhạc truyền thống “khó sống bằng nghề”.

Đến Việt Nam đối thoại bằng âm nhạc và chia sẻ kinh nghiệm, Piia Kleemola có phần lạc quan: “Tôi thấy với khán giả không hiểu nhiều âm nhạc, họ tỏ ra ngạc nhiên vì không nghĩ kho tàng nhạc truyền thống phong phú thế”. Âm nhạc truyền thống ở Phần Lan kỳ thực vẫn là nhạc cụ dễ thấy như guitar, violon, accordion. Chỉ khi nghệ sỹ cất lời hát, khán giả cảm nhận âm hưởng dân ca.

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, phóng viên hỏi về ca của Đức Vĩnh. Quán quân Vietnam’s got talent gây sốt không chỉ vì tài năng mà nhiều người băn khoăn về tương lai của cậu bé. Gia đình không lấy gì làm khấm khá, khả năng cho cậu theo đuổi nghệ thuật từ sớm e khó. NSƯT Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nói: “Với âm nhạc dân tộc, hiện nay Bộ VHTT&DL có chế độ giảm học phí cho các cháu, đặc biệt một số chuyên ngành như ca Huế, kịch hát. Với các trường hợp đặc biệt, nhà trường có đặc cách”.

“Đức Vĩnh khá thông minh nhưng mới 8 tuổi. Theo sân khấu chuyên nghiệp ngay cũng khó, không có lớp nào cho em. Các nhà hát truyền thống tuyển từ trung cấp, ít nhất phải học xong lớp 9. Tuổi còn nhỏ chưa thể xa gia đình, tôi nghĩ trước mắt địa phương nên có ưu đãi cho em nuôi ước mơ, theo các CLB, trung tâm quan họ”, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nói với Tiền Phong.

Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, học sinh từ 7-10 tuổi theo học tại đây khoảng 40 em. Tuy thế, xu hướng chung là bố mẹ muốn con em học guitar, piano, múa hát chứ rất ít theo âm nhạc truyền thống. Hơn nữa, các em còn quá nhỏ khó xa gia đình. Thanh Ngoan chia sẻ, theo kinh nghiệm của các nghệ sỹ sân khấu, dưới 10 tuổi nhiều em rất khá, đến 13-15 tuổi chưa chắc theo được nghề.

“8 tuổi, có năng khiếu nhưng thiên về bản năng hơn, đào tạo chuyên nghiệp đòi hỏi phải có nhận thức. Ngay lập tức đưa Vĩnh hay tài năng trẻ nào vào chuyên nghiệp ngay thì khó”. Được biết, Bộ VHTT&DL phối hợp một số nhà hát truyền thống như tuồng, chèo thực hiện đề án gom tài năng 12-13 tuổi để đào tạo sớm. Tuy nhiên, đề án vẫn trên giấy.

Ông Jarmo Anttila Giám đốc Viện Âm nhạc vùng Nam Ostrobothnia (Phần Lan) cho biết, Viện của ông không có lớp dành riêng cho thần đồng, tài năng trẻ. Tuy nhiên, nếu phát hiện tài năng xuất chúng trong khi đào tạo, Viện sẽ cử chuyên gia giỏi nhất dạy.

Chuyên gia âm nhạc truyền thống Piia Kleemola-Valimaki chia sẻ kinh nghiệm dạy nhạc dân tộc trong trường tiểu học, trung học: Soạn sách nhạc 10 bài dân ca vùng dễ hiểu, có phần hướng dẫn giáo viên. Thu đĩa CD 10 bài dân ca do ban nhạc chuyên nghiệp biểu diễn. Dùng điện thoại thông minh tải miễn phí tư liệu, video hướng dẫn sử dụng nhạc cụ. Đây là sách do Nhạc viện quốc gia Sibelius và mạng lưới âm nhạc dành cho thanh thiếu niên vùng Seinajoki, Louhimo xuất bản

MỚI - NÓNG