Tháng Giêng về quan họ tìm… chèo Chải hê

Tháng Giêng về quan họ tìm… chèo Chải hê
TP - Tháng Giêng, đã thành thói quen, hễ rảnh lại ngược về Kinh Bắc rong chơi để được đắm trong những lời ca tình tứ. Mấy chục năm đã vắng bóng, giờ đâu đó trong miền quan họ người ta lại bắt đầu nhắc tới ba chữ: Chèo Chải hê.

Chèo Chải hê là loại hình nghệ thuật (có thể tạm coi là) kịch hát dân gian mang tính tín ngưỡng độc đáo. Nếu quan họ với những lời ca mượt mà đằm thắm, để cho những liền anh liền chị say đắm nhau rồi “yêu” tâm hồn của nhau mà thành lệ “đến hẹn lại lên”, thì chèo Chải hê dành kể công lao cha mẹ dưỡng dục và nói về sự hiếu thảo của những người con. Chính vì thế nó còn có tên gọi khác là chèo Nhị thập tứ hiếu.

Tựa một sử thi đầy chất nhân văn, các cụ mượn những tích chuyện truyền miệng, những câu ca dao nổi tiếng để xây dựng nội dung, ví như: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

Hay chuyện vào rừng chặt gỗ đóng thuyền; cảm động nhất là chuyện mẹ ốm, nhà nghèo không có thức ăn, người con trai phải vào rừng kiếm măng về nấu cho mẹ.

Nhưng than ôi! Măng nào có thể đâm chồi giữa ngày đông lạnh giá? Thương mẹ, chàng trai chỉ còn biết than khóc, nước mắt chảy xuống thấm đẫm và ấm cả lòng đất khiến măng đâm chồi...

Chải hê chỉ có một nội dung duy nhất, lần diễn nào cũng phải đầy đủ, riêng phần Huê tình ở phía sau có thể thay đổi và kéo dài bao lâu tuỳ yêu cầu mỗi lần diễn.

Để “tích” thêm phần hấp dẫn, các cụ đã khéo sáng tạo ra phần “trò” với nhà cái và nhà con, chỉ toàn nam giới. Nhà cái có khoảng 4 người, là những giọng hát kinh nghiệm ngồi trên cao, có thể là một cái sập, vừa hát vừa chơi nhạc cụ.

Nhà con bắt buộc phải có 6 người, chia đều sang hai bên đứng ở phía trước vừa hát xô theo nhà cái vừa làm động tác minh hoạ, đạo cụ nhà con cầm là một chiếc gậy.

Sau này, có phường Chải hê đã cho thêm sự có mặt của nữ giới, gồm 10 cô mặc trang phục quan họ nhưng đầu không vấn khăn đứng ở sau mỗi nhà cái và nhà con nhưng chỉ múa phụ họa cho thêm sinh động chứ không hát.

Chèo Chải hê là nét rất đặc biệt của vùng văn hóa lúa nước, là hình thức diễn xướng cổ, tất cả động tác đơn giản gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần người Việt.

Về âm nhạc ,“đặc trưng riêng của Chải hê là điệu ai - buồn” (TS. Lê Văn Toàn - Phó viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết) và “làn điệu gần như trống quân nhưng phức tạp hơn một chút” (NS. Trọng Tĩnh - Hiệu phó Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh), bên cạnh đó nó còn phảng phất hơi thở của điệu La rằng (giọng Lề lối của Quan họ) nhưng đơn giản hơn.

Trên “bản đồ” quan họ cổ gồm 49 làng chỉ hai làng Lũng Giang (Lim) và Tam Sơn có chèo Chải hê. Đây chính là hai làng đã kết chạ (kết nghĩa anh em). Tương truyền, xưa ông quan Trần Thanh làng Đình Cả cho 12 xã của Tổng Nội Duệ (nay thuộc Tiên Du, Bắc Ninh) xây đình làng.

Các xã khác mua trước, bao nhiêu gỗ vừa vặn đều đã hết, Lũng Giang đến cuối phải ra tận cửa sông Tiêu Tương (ngày nay đã bị lấp) mua cây gỗ xoan thật to, khi trai tráng trong làng kéo về đến đoạn ngang qua Tam Sơn thì bị mắc cạn phải nhờ sự giúp sức của trai tráng Tam Sơn.

Từ đó 2 làng kết chạ. Chèo Chải hê cũng được bắt nguồn từ đây. Còn theo TS. Toàn “có khả năng đó còn là một trong những nguồn gốc của tục kết chạ quan họ”.

NS Thế Công cho biết, những năm 60 khi ông được Trưởng ty văn hóa Hà Bắc cũ cử phụ trách mảng quan họ, thời gian đó đã có biết chèo Chải hê, có trình lãnh đạo nhưng phải phục hồi quan họ trước. Mấy chục năm cuối thế kỷ 20 chèo Chải hê hoàn toàn vắng bóng.

Cuộc gặp gỡ tái sinh chèo Chải hê

Thập niên 60 thế kỷ trước có nhà nghiên cứu tìm tới một nghệ nhân Chải hê Lũng Giang, tới đầu làng hỏi bà cụ bán quán nước chè chẳng kịp hết câu cụ đã cất giọng: Chèo mà là chèo Chải hê... sau đó mới chỉ tay về hướng nhà được hỏi.

Mấy chục năm sau, 2003, câu chuyện lặp lại với TS. Lê Văn Toàn. Vừa bước chân tới cửa nhà nghệ nhân Nguyễn Năng Địch - một người quen cũ, TS. Toàn đã được nghe bạn cất lên một câu Chải hê dài dằng dặc: Đi đâu từ tối đến giờ/Để cho tin đợi tin chờ tin mong...

TS Toàn cất lên: Đây đúng là Chải hê rồi. Ông kể: Thời trẻ công tác ở đoàn Quan họ, về Lũng Giang học hát, các cụ hỏi có học Chải hê không, nhưng lúc đó trẻ quá, chẳng ai chịu học.

Sau này hoạt động nghiên cứu âm nhạc, TS. Toàn lục tìm trong kho tư liệu của Viện. Thật may còn lưu băng thu âm chèo Chải hê, tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu ở một số nơi khác cuối cùng TS. Toàn đã có trong tay bộ tư liệu một cuộc hát xưa.

Trong đó phải kể tới cả tập sách của một nghệ nhân Chải hê. Thời gian sau, loại hình này nằm trong chương trình cấp quốc gia về sưu tầm bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc do Viện thực hiện. TS. Toàn tìm về Lũng Giang, gặp được vài nghệ nhân nhưng các cụ rất già và hầu như đã quên, thật may TS Toàn và nghệ nhân Địch đã gặp nhau.

Xưa làng Lũng Giang có tới vài phường chèo Chải hê, cộng cả bên Tam Sơn, hàng năm cứ xuân về các phường lại diễn, trong không ít lần diễn ra Hội Lim cũng có sự góp mặt của các phường chèo Chải hê, vào mùa xuân thì hát nhiều Huê tình, nhưng diễn nhiều nhất là vào các dịp lễ rằm tháng Bảy, mừng thọ, hay trong các đám hiếu... tại đình, đền, chùa hay tư gia.

Vừa bước vào tuổi 60, chưa một lần diễn chính nhưng gia đình nghệ nhân Địch có nhiều đời nhiều người hát quan họ và chèo Chải hê. Ngày nhỏ ông thường có mặt trong suốt các cuộc hát để phục vụ nước và những việc vặt cho các nghệ nhân, cũng là các bác ruột của mình.

Những cuộc diễn như thế giờ vẫn in đậm trong ông. Chính vì vậy bên cạnh tư liệu TS. Toàn cung cấp ông cũng “dần nhớ được lại khoảng 60% làn điệu và động tác” - Ông Địch cho biết.

Nhưng việc phục hồi chẳng vì thế mà “thuận đường”, Lũng Giang có truyền thống buôn bán giờ thời kinh tế thị trường thanh niên còn mải mê làm giàu nên thật khó tập hợp tới hơn 20 người để phục dựng. Cuối cùng trong số những người muốn làm sống lại chèo Chải hê có thêm NS Trọng Tĩnh.

Sau nhiều ngày cử học sinh trường tới nhà nghệ nhân Địch học hát và múa, cộng thêm bàn tay biên đạo của NSND Trần Minh, cuối cùng một phần nhỏ của chèo Chải hê sống lại, nhưng đã được chuyên nghiệp hóa với sự trình diễn của các em học sinh Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh để phù hợp với sân khấu biểu diễn.

* * *

Nghệ nhân Địch vẫn chưa thực sự hài lòng vì chưa phục dựng đầy đủ một cuộc diễn chèo Chải hê. Dù vậy thì sự trở lại của loại hình nghệ thuật này thật đáng mừng.

Nhà sử học, TS. Trần Đình Luyện, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin  Bắc Ninh tin tưởng: “Chèo Chải hê mang yếu tố của Quan họ lại chứa giá trị nhân văn sâu sắc nên khi môi trường văn hóa ở đó (chỉ Lũng Giang, Tam Sơn) vẫn còn thì nó có cơ sở tồn tại”.

Tiếc một điều từ đó đến nay, đã mấy năm, chèo Chải hê vẫn chưa nhích thêm bước nào. Làm sao để di sản quý này lại tiếp tục sống trong lòng chính nơi đã sinh nó còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của địa phương, từ cấp tỉnh đến huyện, xã và người dân Lũng Giang, Tam Sơn.

MỚI - NÓNG