Thắp nén hương lòng dâng tặng anh

Thắp nén hương lòng dâng tặng anh
TP - Bây giờ sau đúng mười năm nhà thơ Tố Hữu “Tạm biệt đời mà ta yêu quý nhất”, còn lại một mình, bà Vũ Thị Thanh - người vợ của nhà thơ Tố Hữu ngồi viết Ký ức người ở lại với tâm nguyện “Thắp nén hương lòng dâng tặng anh”.

Ký ức Người ở lại - Hồi ký của bà Vũ Thị Thanh, phu nhân nhà thơ Tố Hữu:

Thắp nén hương lòng dâng tặng anh

>Đêm thơ Quê mẹ

Cuốn sách dày trên 300 trang dành nói về chuyện đời chuyện tình của họ, nhưng đọng lại ở bên trong những mẩu đời riêng là những sự kiện, nhân vật lịch sử Việt Nam một thời đáng nhớ...

1. Lần thứ nhất tôi đến thăm bà Vũ Thị Thanh lúc bà đã chuyển về ngôi nhà ở làng quốc tế Thăng Long. Lúc tôi đến có chị Thanh Hoa con gái đầu lòng của ông bà từ bên Đức về thăm mẹ. Bà ngồi đó trong căn phòng tĩnh lặng với những trang hồi ký đang viết dở. Câu chuyện với bà hôm ấy cũng chỉ xoay quanh cuộc đời và chuyện riêng của hai người với bao nhiêu kỷ niệm suốt 60 năm tròn. Bà tiết lộ nhiều chi tiết chưa từng công bố về anh Lành - Tố Hữu, như chuyện họ đến với nhau không phải do Bác Hồ làm mối như lâu nay nhiều người vẫn tưởng. Bà bảo thực ra Bác có làm mai cho anh Tố Hữu một cô gái con ông lang Mường khá nổi tiếng những mong kết nối sự hòa hợp kinh thượng, tập hợp lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, nhưng rồi hình như thời thế không cho phép sau đó
lại thôi…

Kể chuyện về người chồng, người bạn đời thủy chung trong sáng và lớn lao của mình bà như thấy tự hào được đi bên cạnh đời ông. Bà bảo khi đến với nhau cũng là vì cảm mến và tình yêu nảy nở bắt đầu từ sự mến mộ một con người tài hoa bộc lộ từ rất sớm, cả tài thơ ca và khả năng hoạt động chính trị. Nhất là cảm mến lòng yêu nước lớn lao từ những bài thơ đầu tiên anh đứng về phía nhân dân nghèo khổ bị áp bức bất công. Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm cù bất cù bơ… Đọc nhưng câu thơ như vậy ai mà không xúc động và hướng đời mình vào con đường tranh đấu cho đồng
bào mình…

Vì cuốn sách đương viết nên tôi không tiện hỏi sâu vào nội dung sẽ bất tiện cho việc công bố sau này. Khi tôi nói sẽ tìm một nhà xuất bản nào họ muốn in thì bà bảo nhiều nhà văn, NXB muốn xin đưa in nhưng tôi bảo đang viết, với lại phải đợi công bố lúc tưởng niệm 10 năm anh mất sẽ ý nghĩa hơn…

Cuốn sách
Cuốn sách "Ký ức người ở lại".

2. Lần này thì chính bà và chị Thanh Hoa gọi cho tôi thông báo bà và hai người con gái vừa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, mời đến để bà tặng một cuốn Ký ức… mới ra xong.

Nâng tập sách đẹp trên tay bà rưng rưng xúc động. Hẳn đây là lời viết ra từ tấm chân tình của người con gái xứ Thanh một thời là nữ sinh Đồng Khánh Huế, gửi nhà thơ lớn của cách mạng thế kỷ XX. Vâng! Bà đã gói trọn tình yêu của mình hơn nửa thế kỷ với ông vào một tập sách, như một lần dâng tặng người ra đi…

Bà tâm sự: “Tôi nghĩ nên chăng ghi lại những kỷ niệm của tôi với anh. Nhiều bạn bè, người thân và đồng chí cũng khích lệ tôi viết về anh, như của một người vợ, một người bạn thủy chung theo anh suốt đời”. Cuốn sách là hồi ký tình yêu của bác phải không ạ! - Tôi hỏi vui. Bà cười, cái cười tươi vui của người phụ nữ đã ngoại 90 xuân: “Gọi là hồi ký thì đúng hơn. Tôi chỉ viết ký ức của tôi và Anh. Không bàn đến việc đời, việc Đảng, dù đó là một công việc mà anh đã phụng sự đến suốt đời”.

Cuốn sách đưa người đọc trở về Thanh Hóa những ngày họ cùng nhau tham gia hoạt động cách mạng và bắt đầu quen nhau. Phải nói đó là quãng đời đẹp nhất của mỗi đời người khi anh là thi sĩ xứ Huế được Đảng tin tưởng giao trọng trách là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa còn chị là một cán bộ phụ vận vừa rời trường nữ trung học phổ thông Đồng Khánh để bắt đầu cuộc đời hoạt động. Hai con người ấy, tuổi ngoài đôi mươi hăm hở với công việc cách mạng nhưng vẫn dành thương nhớ về nhau. Bà đã viết về tình cảm ấy của mình với tất cả sự chân thành…

Rời xứ Thanh, nhà thơ được Đảng điều động lên Việt Bắc làm công tác lãnh đạo văn hóa văn nghệ, lại những ngày vợ chồng sống trong xa cách nhớ mong. “Cả đoàn đang lếch thếch trên đường qua ấp Đồi Cháy, Yên Thế, Bắc Giang thì tôi bất ngờ được gặp anh ở chân đồi đang ngồi nghỉ đôi dép râu màu đen. Tôi mừng quýnh không kìm được. Cũng không kịp giữ ý tứ với các chị xung quanh, chạy đến ôm lấy anh: Đã gần một tháng nay không thấy anh, cũng không được tin tức gì của anh, em nhớ quá, lo quá!”. Ngấn nước mắt trào lên tôi vừa chạy theo đoàn vừa lau mắt”…

Tình yêu thương đã chắp cánh cho họ vững đôi chân cùng nhau trên những chặng đường công tác suốt dằng dặc chiến khu kháng chiến. Bà nhắc đến Tố Hữu với đằm thắm những câu thơ tặng người vợ, người đồng chí yêu quý của mình: “Chiều nay heo hút rừng sâu/ Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm…”. Hai tâm hồn lãng mạn cách mạng gặp nhau và luôn hướng về nhau. Khi đã là vợ chồng, ông vẫn làm thơ thương nhớ tặng bà. Bài Mưa rơi là một bài như thế. Bà viết rằng: “Anh cũng vậy. Thỉnh thoảng anh cuốc bộ cả ngày đến thăm tôi”. Anh gọi vợ ra ngoài và món quà dúi vào tay người đẹp đâu có gì ngoài bài thơ. “Mưa rơi dầm lá cọ/Mái tóc em ướt rồi…” - bà cho tôi xem bút tích bài thơ Mưa rơi. Cả trang giấy chữ li ti, gạch xóa sửa chữa nhiều nhưng đặc biệt bên cạnh có tranh vẽ một người đàn bà khoác tay nải đội nón bước đi. Nét vẽ ấy như một bức ký họa chuyên nghiệp…

Họ đã có nhau, sát cánh bên nhau những ngày gian khổ Việt Bắc. Nhưng đó là những tháng năm oanh liệt và lớn lao nhất cuộc đời hoạt động. Hai người cùng được về cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương, được cận kề những nhân vật lịch sử, những nhà lãnh đạo tài ba của cách mạng, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… và đặc biệt được gần gụi chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và tình yêu đã làm thăng hoa hồn thơ Tố Hữu, để từ đó những tác phẩm thơ nổi tiếng ra đời. Bài thơ lớn Việt Bắc in trên báo được Tố Hữu tặng người bạn đời như là một món quà, một sự kiện lớn trong đời bà… Có những chuyện bây giờ mới kể. Họ đã sống bên nhau 8 năm không có con ngỡ thất vọng nhưng rồi sau ngày về lại Thủ đô, con gái đầu lòng của họ chào đời trong niềm vui khôn tả của họ hàng gia đình bè bạn. Cảm động nhất là chuyện Bác Hồ gửi quà mừng hai người sinh con đầu lòng bằng một tấm lụa đẹp - món quà từ Triều Tiên gửi sang. Món quà ấy được bà gìn giữ như vật gia bảo… Có những chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử như việc Bác Hồ nhiều lần cho mời Tố Hữu vào Phủ chủ tịch dùng cơm rồi đàm đạo chuyện riêng chung. Hay Bác thường ghé thăm nhà thơ ở 76 Phan Đình Phùng… Đặc biệt bà chia sẻ những công việc nặng nề mà ông nhận lãnh trước Đảng và xem đó là công việc Đảng giao dẫu thành công hay chưa thành công thì cũng là bài học cho đời. Mỗi sự kiện, mỗi tâm tư Tố Hữu đều gửi vào thơ như để sẻ chia với người bạn đời yêu dấu. Bài thơ Đêm cuối năm như một lời trần tình cho những tháng năm Đảng điều ông vào Phủ thủ tướng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng làm kinh tế: “Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn/ Dở hay khôn dại những chê khen/ Làm ăn hai chữ quen mà lạ/ Thế cuộc nhân tình rõ trắng đen”.

Bà Vũ Thị Thanh
Bà Vũ Thị Thanh.

Chương VI của tập sách của đời mình, bà dành để kể câu chuyện tình của mình với nhà thơ với tiêu đề Làm bạn với nhà thơ. Bà không chỉ là người bạn đời, mà còn là người đồng chí, cùng chung lý tưởng cách mạng và hơn thế, một người bạn tâm giao nâng giấc cho những tác phẩm thơ ông. Những vui buồn trong cuộc đời ông trong thơ ông đều có sự chứng kiến sẻ chia của bà. Chuyện cảm động về bài thơ Theo chân Bác. Ngày ấy Tố Hữu bị trọng bệnh ngỡ khó qua khỏi ông đã dồn tâm sức viết trường ca coi như cuối cùng của mình, nhưng kỳ lạ thay, bài thơ vừa xong thì bệnh tình cũng qua đi và ông khỏe lại. Thơ ca như có phép mầu nhiệm nào đó chăng? Bà còn kể chuyện tình bạn, quan hệ thân thiết giữa Tố Hữu và Lê Duẩn, đặc biệt với người bạn lớn, người đồng hương Nguyễn Chí Thanh… Có nhiều câu chuyện đời thường cảm động bây giờ mới được kể. Thì ra trong con người nhà thơ, nhà cách mạng ấy có một tâm hồn nồng hậu, thủy chung, một tâm hồn nghệ sĩ đích thực…

Bà hạnh phúc được đi bên cạnh đời ông. “Được làm vợ anh, mình rất hạnh phúc. Bên cạnh bổn phận của một người vợ, mình còn có may mắn được làm một người bạn, một độc giả yêu anh và yêu thơ anh” Bà có lần trả lời một người bạn như vậy. “Nay viết cuốn hồi ký Ký ức người ở lại”, tôi muốn thắp nén hương lòng dâng tặng anh…”.

Ký ức người ở lại, tập hồi ký của vợ nhà thơ nhưng bà cũng là một đồng chí của ông vì vậy, chúng ta được biết thêm nhiều điều về đất nước một thời cách mạng, kháng chiến và cả những ngày đầu xây dựng hòa bình đầy khó khăn…

HN ngày 7-4-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG