Thị trường mỹ thuật trông chờ đại gia?

Gallery tranh chép trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Gallery tranh chép trên phố Hàng Trống, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nhiều chuyên gia mỹ thuật cho rằng việc giải cứu thị trường mỹ thuật khỏi tình trạng đóng băng lâu nay sẽ nhờ vào các đại gia, tại hội thảo “Giải pháp phát triển mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế xã hội đương đại”, sáng 30/7 tại Bộ VHTTDL.

Chấm dứt chợ đen

Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông Vi Kiến Thành thừa nhận tình trạng chảy máu nghệ thuật, nếu nhìn xa sẽ tác động không nhỏ tới xã hội. Sở dĩ như vậy do thị trường mỹ thuật Việt Nam buôn bán, trao đổi tác phẩm lâu nay thông qua các nhà sưu tập, gallery rất tự phát, đơn lẻ. Chúng ta cũng có những nghệ sỹ và tác phẩm chất lượng, nhưng do người nước ngoài định giá và mua bán.

Họa sỹ Nguyễn Đức Hòa nhắc đến thực tế đáng buồn khác. Khá nhiều khách sạn từ lớn đến nhỏ của Việt Nam rất ít thấy hình ảnh về đất nước quê hương, lại thấy thác nước Thái Lan, núi non Trung Quốc, hoa tulip Hà Lan nở tưng bừng. Hình ảnh đẹp của Việt Nam có nhưng hơi hiếm, chưa nói đến tác phẩm mỹ thuật dù là bản sao cũng ít thấy.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo nói đến thực tế các bảo tàng không chịu mua tác phẩm tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các cuộc vận động sáng tác theo phong trào thường đẻ ra những bức tranh mà triển lãm xong lại quay về nhà họa sỹ vì không thể bán.

Quanh giải pháp phát triển thị trường cũng có nhiều ý kiến khác nhau. TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL cho rằng, nhất thiết giai đoạn đầu cần sự điều tiết của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách. Ông nói, thực tế thị trường hiện nay hoạt động theo kiểu chợ đen, hiếm hoi chú trọng đăng ký bản quyền, thẩm định. Một thị trường tranh nhái, tranh chép bùng nổ là điều dễ hiểu. Ông nhấn mạnh đến bàn tay của cơ quan quản lý trong việc lập hội đồng thẩm định, cơ quan đấu giá.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo nói: “Nhà nước không nên bảo trợ nghệ thuật bằng ngân sách mà nên kích thích thị trường bằng việc ưu đãi về thuế và các thủ tục khác đối với hoạt động đầu tư, bảo trợ nghệ thuật của các doanh nghiệp lớn. Muốn thị trường tranh phát triển và ngày một được nâng cao, tôi nghĩ phải có sự phối hợp của các bên, nhất là vai trò của các hội chủ quản”. Trao đổi bên lề hội thảo, ông Vi Kiến Thành nhắc lại các gallery ở Việt Nam hoạt động không minh bạch. Việt Nam chưa có hiệp hội gallery để trao đổi thông tin và bảo vệ quyền lợi của nhau, dù được vận động thành lập từ 30 năm nay.

Trông chờ đại gia?

Một trong những giải pháp mà nhiều đại biểu đưa ra là vận động các đại gia tham gia giải cứu thị trường mỹ thuật Việt Nam. Ông Vi Kiến Thành cho rằng không hoàn toàn đúng. “Bởi các đại gia hay doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ là một đối tượng để vận động nhằm thay đổi nhận thức để họ có được nhìn nhận đúng, ủng hộ mỹ thuật. Chúng ta phải hiểu xã hội hóa không phải là đưa tất cả những vấn đề về nhận thức, phát triển cho các doanh nghiệp, tư nhân, người dân làm. Mà mọi việc nhà nước vẫn phải là người nắm vai trò chủ đạo”, ông Thành nói.

Họa sỹ Nguyễn Đức Hòa là một trong số những người ủng hộ quan điểm cho rằng chính các đại gia sẽ cứu thị trường mỹ thuật Việt Nam. Ông kể rằng trước đây cũng “rách” thôi, nhưng khoảng 5 năm nay thì khác vì có vài ba đại gia tìm đến nhà hỏi mua tranh. “Họ đến vì có tiền, tò mò tại sao người ta bỏ nhiều tiền mua tranh. Họ đặt những câu hỏi tranh này đẹp ở chỗ nào, tại sao tranh phải vẽ nhiều chất liệu, tại sao tranh bé đắt hơn tranh to, tranh mấy mảng màu xanh đỏ tím vàng lại được khen là đẹp, tượng đồng đổ khuôn có được đổ hàng loạt không”, ông kể. Ông nói thêm, nhờ kiến thức giảng dạy về mỹ thuật mà ông bổ túc dần dần cho những đại gia này về mỹ thuật.

Có người nhắc đến chuyện mở lớp cho các đại gia, chỉ có điều phải biết có bao nhiêu đại gia có nhu cầu đó, trình độ đến đâu, nhu cầu ra sao để đáp ứng. Họa sỹ Hòa kể, chính bảo tàng Louvre khoảng những năm 1995 có tổ chức lớp hàng tuần cho các đại gia, người có nhu cầu về thời sự thị trường nghệ thuật, về giá cả tác phẩm đang buôn bán ở châu Âu. Thị trường mỹ thuật Việt sẽ khác nếu tương lai chúng ta làm được.

Không chỉ đặt vấn đề về nhận thức của đại gia, họa sỹ Đức Hòa nói đến nhận thức và kiến thức của lãnh đạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật và du lịch. Ông nhắc lại hai câu chuyện về việc ông Đức Minh và Lê Thành Khôi từng thất bại, bị từ chối khi muốn hiến tặng hai bộ sưu tập nghệ thuật lớn cho nhà nước, với điều kiện lập bảo tàng riêng. “Muốn thực hiện được những chính sách, trước hết các đại gia, các nhà lãnh đạo phải có những nhận thức, kiến thức tốt về những vấn đề chúng ta định làm”, ông Đức Hòa nói.

MỚI - NÓNG