Thím Quyên

Thím Quyên
TP - Bao che cho tội lăng nhăng của một phụ nữ đã có chồng, có con, có lẽ, không bao giờ nên làm. Chưa kể, phụ nữ ấy còn là vợ của chú ruột tôi.

Thím Quyên bốn mươi. Trắng trẻo, nhỏ người, nên trông thím chỉ mới hơn ba mươi. Thím người thành phố, lấy chú tôi từ năm mười tám tuổi. Tình yêu đầu. Ðam mê vội. Cưới cũng vội.

Về nhà chồng rồi, thím mới phát hoảng vì những khác biệt. Thím không biết cấy cày. Thím sợ trâu bò, kinh hãi những con đỉa loe nghoe, loạy ngoạy dưới ruộng. Mùa đi cấy đầu tiên, thím vừa la hét vừa chạy khắp cánh đồng vì bị đỉa cắn.

Người làng lúc đầu còn cười, trêu thím là gái thành thị, không biết làm việc nhà nông. Về sau, họ chỉ thấy những hành động của thím là điệu vợi, vờ vĩnh, làm bộ làm tịch.

Từ một cô gái thành thị không phải đụng tay, đụng chân vào bất cứ việc gì, thím bắt đầu học làm mọi thứ. Thím học cách đong gạo nấu đủ ăn cho mọi người trong nhà chồng, học cách cắt tiết, làm thịt gà, rồi gieo mạ, gặt lúa, băm rau, nấu cám, cho lợn ăn, chăn trâu, cắt cỏ.

Tôi biết thím Quyên có quan hệ với người đàn ông đó nhưng không trách. Thay vì tức giận cho chú, tôi lại cảm thấy đó là chuyện đương nhiên. Với một người chồng cứ mở miệng ra là chửi bới, mai mỉa, sao có thể trách thím đi tìm sự an ủi ở một nơi khác.

Bà nội tôi nuông chiều con trai quá mức. Bất kể chú tôi sai trái như thế nào, bà cũng không màng. Không quan tâm lý lẽ. Không quan tâm phải quấy, luân lý, đạo đức. Trong bà chỉ có tình yêu thương vô hạn với con trai út.

Lúc mới lấy vợ về, chú tôi cũng thương yêu vợ, biết chăm lo, đỡ đần nhiều thứ. Sau khi sinh con trai đầu lòng tên Công, chú chí thú làm ăn.

Những tưởng cuộc sống cứ thế yên ả thì bỗng nhiên chú mê cờ bạc. Thím Quyên trách móc chồng, bà chặn họng: “Thế mỗi lần nó được bạc, đưa tiền cho, đứa nào cười phớ lớ? Cờ bạc thì lúc được, lúc không. Cứ muốn được mãi à?”.

***

Bình thường, bà nội rất hiền lành, dễ chịu. Nhưng hễ đụng đến con trai cưng là bà nổi đóa. Chửi mắng còn đỡ. Nhiều khi, bà dỗi, không thèm cơm cháo, chuyện trò, cứ khóc mếu, than thở hết ngày này sang ngày khác. Chú là con trai út trong nhà, hồi nhỏ lại hay ốm đau, bệnh tật. Bà chiều chuộng chú hết lòng. Chú muốn bỏ học từ khi chưa hết lớp ba, bà cũng không ép.

Chú chưa chơi bạc đến mức tán gia bại sản nhưng xui xẻo gặp tai nạn. Uống say với đám bạn cờ bạc, chú ngất ngưởng trèo lên chiếc honda, nhất định tự mình lái về rồi tông thẳng vào chiếc xe tải ngược chiều. Chú bị gãy xương đùi trái. Vai phải tổn thương nặng. Xương sườn cũng vỡ vài chiếc. May mà chú không quên đội mũ bảo hiểm chính hãng nên cái đầu vẫn an toàn.

Từ ngày liệt trên giường, vệ sinh cá nhân cũng phải do vợ đỡ đần. Vậy mà chú trở nên cáu gắt. Mặc thím Quyên bơ phờ ngược xuôi tiền sinh hoạt, tiền thuốc men, tiền cho con cái ăn học, chú chỉ thấy cái đau của riêng mình.

Nằm không mãi, chú gắt. Thuốc khó uống, gắt. Thím Quyên không kịp mang bô ngay khi chú gọi, gắt.  Bất cứ chuyện gì, dù lớn, dù nhỏ, chú gắt tuốt. Bà thương chú, tất tả ra vào, lấy cái này, bỏ cái kia. Chú cũng gắt. Ðến lượt bà gắt con dâu chậm chạp, không lo được cho chồng chu toàn.

Ngồi dậy được, chú lại lao vào bài bạc. Nhà lúc nào cũng có người đến tụ tập chơi bài. Thím nhắc nhở, chú chửi như hắt nước vào mặt. Bà cũng vào hùa. Chú không đi đâu được thì phải gọi bạn đến chơi. Bài bạc không tiền thì có gì vui. Mà người ta cũng trả tiền xâu cho thím, mỗi tiếng mười ngàn chứ ít gì. Ngay cả hàng họ trong quán tạp hóa của bà cũng nhờ đó mà bán được thêm ít nhiều.

Thím chảy nước mắt. Thằng Công thấy người ta bài bạc thì không ngừng láo liên, chỉ chực ngồi xuống chơi cùng. Người này mời. Người kia thách thức. Chú cũng không phản đối nó.

Không chịu vận động, lại thức đêm, hút thuốc nhiều, chú chưa khỏi những chấn thương do bị tai nạn đã thêm đủ thứ bệnh khác. Ruột gan, xương cốt, chỗ nào cũng thấy bệnh. Mỗi lần đi khám về lại thêm một vài bệnh mới.

Tiền bạc hao tán. Bạn bè cũng tan. Ăn uống chạy từng ngày. Chú lười làm nhưng lại ham than trách. Hết trách đời bạc lại đến trách anh em, bạn bè. Bất cứ ai không cho chú vay mượn đều là kẻ thù.

***

Thím xin đi làm công nhân và gặp người đó ở nhà máy. Người đó là nhân viên văn phòng, ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng.

 Làng xì xầm bàn tán. Tiếng lúc đầu nhỏ, sau loang rộng dần. Bà biết tin, ra cổng gào khóc, kêu trời trách đất hết một ngày. Chú không chửi thím như mọi lần mà kháy, “Tui bệnh tật thế này sao dám giữ chân cô? Muốn đi thì cứ đi. Xem có thằng nào ngoài thằng này thèm rước thì cứ việc theo nó”.

Chú không thèm nhìn mặt thím. Cơm nước thím nấu xong, dọn lên, chú đem đổ hết cho chó ăn. Bà đun nước, pha mỳ tôm, vừa làm vừa lầm bầm “Mẹ con tôi ăn mỳ mà sống cũng được, chả phiền đến cô lo”. Thằng Công cũng khinh thím, thấy mặt không thèm chào hỏi. Càng lớn, nó lại càng giống cái tính hợm hĩnh của cha nó.

Ngày nào cũng vậy, cứ nhìn thấy thím là chú bắt đầu bài diễn văn kể khổ. Chú kể lể cả đời chú vì vợ, vì con, lúc nào cũng một lòng lo lắng cho con, cho vợ. Chú bệnh tật như bây giờ cũng bởi những tháng ngày vất vả, lao lực. Không có sức khỏe, không kiếm ra tiền, sao dám giữ ai đó ở cạnh mình.

Bà ngồi cạnh chú, điểm thêm chi tiết cho bài kể khổ có trọng lượng.

***

Chán xoáy rồi chú quay sang chửi. Chú chửi đời khốn nạn, chửi số phận không may, chửi thần nghèo đeo đuổi, chửi bạn bè bất nghĩa, chửi anh em vô tâm, chỉ biết bo bo giữ của cho riêng mình. Chú chửi từng sống như thế nào,  từng vì mọi người ra sao, từng giúp đỡ bao nhiêu kẻ khốn khó. Ông trời đúng là không có mắt.

Thím Quyên ảnh 1

Trốn khỏi những bức bối, thím tìm đến người đó nhiều hơn. Lửa gần rơm. Vết bỏng ngày càng loang rộng. Ðến khi thím nhận ra thì cơn cảm nắng đã quá sâu.

Người làng lời ra tiếng vào. Người chê trách thím không chung thủy, vừa thấy khốn khó đã muốn bỏ chồng. Người chửi thím lăng loàn. Nhiều người còn đe dọa đánh đập, gọt đầu bôi vôi, trói vào bè thả trôi sông như ngày xưa các cụ trừng phạt đàn bà bất chính.

Về nhà, thím đối mặt với sự hờ hững của chồng, sự ghẻ lạnh của mẹ chồng và sự lạnh lùng của con trai. Ra đường, thím không tránh nổi những đôi mắt dò xét, khinh thị.

Trốn khỏi những bức bối, thím tìm đến người đó nhiều hơn. Lửa gần rơm. Vết bỏng ngày càng loang rộng. Ðến khi thím nhận ra thì cơn cảm nắng đã quá sâu. Thím li hôn.

Ðứng trước tờ đơn li dị, chú không chịu ký. Mượn rượu, chú tiếp tục chửi. Khi cơn say choáng hết tâm trí, chú khóc, van xin thím đừng bỏ chú. Thím yêu người đó cũng được thôi. Thím có thể làm bất cứ điều gì thím muốn. Chỉ cần không bỏ chú. Chú đau ốm, bệnh tật thế này. Thằng Công thì vẫn chưa trưởng thành. Thím bỏ đi, hai cha con chỉ còn nước chết đói. Dầu gì cũng là nghĩa phu thê, phận mẫu tử.

Thấy cha mẹ đòi bỏ nhau, thằng Công thấp thỏm đứng ngồi không yên. Mai này ăn đâu, ngủ đâu, áo quần ai giặt giũ, tiền tiêu xài ai cho?

***

Bà trao quán tạp hóa cho thím toàn quyền quyết định. Bà đã tám mươi, minh mẫn chẳng còn là bao, cũng không biết về đất lúc nào. Chuyện buôn bán sau này, cả con cháu của bà, bà xin nhờ cả vào con dâu.

Thím biết, bà làm thế chỉ vì muốn giữ chân thím.

Quán của bà không lớn nhưng cũng khá. Thím có thể bỏ việc công nhân, trở thành người buôn bán. Nhưng thím vẫn lén lút đi gặp tình nhân. Thỉnh thoảng, thím rủ tôi đi cùng một đoạn đường, chắc muốn che mắt thiên hạ. Mà, còn che với giấu để làm gì. Có ai là người không biết nữa đâu. Thế nhưng, thím vẫn cứ rụt rè, ngó trước, nhìn sau.

Tôi hỏi thím sao không dứt khoát bỏ chú cho rồi. Thím còn đẹp, đôi mắt vẫn tình, dáng người cũng nuột và người ấy chắc chắn là yêu thật lòng. Thím cười buồn, “Không phải cứ nói vứt bỏ là vứt bỏ được ngay”.

“Vậy, còn tình yêu của thím thì sao?”

Thím nhấp một ngụm cà phê, nhìn xa “Say đắm nào cũng không quá ba năm”.

Nếu chỉ ba năm, sao thím có thể sống với chú đến bây giờ? Chỉ trách thím làm tan vỡ giấc mơ tôi.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.