Thơ Phan Nhiên Hạo và những suy tư thâm trầm

Thơ Phan Nhiên Hạo và những suy tư thâm trầm
Với nhiều độc giả Việt Nam, cụm từ “chế tạo thơ ca” còn có thể bị nghi kỵ hơn nữa, bởi lẽ nó ngược lại với quan niệm phổ biến cho rằng thơ ca đơn thuần là tình cảm, là những giây phút thăng hoa.

“Chế tạo” khiến người ta nghĩ đến một ngành công nghiệp cơ khí. Nhưng tập thơ của Phan Nhiên Hạo không phải như vậy...

I. Thoạt đầu cái tên Chế Tạo Thơ Ca gây cho tôi đôi chút nghi ngại. Một phần vì nó gợi nhớ đến OULIPO (Ouvroir de littérature potentielle) hay xa hơn nữa là các nhà Hình thức chủ nghĩa Nga, nhưng chủ yếu vì tôi đã quá mệt mỏi với các loại thơ cách tân kiểu bắt chước dễ dãi.

Phan Nhiên Hạo sinh tại Kon Tum, Việt Nam, sống ở Hoa Kỳ từ 1991. Học khoa Văn, ĐH Sư phạm, Sài Gòn, 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mỹ, 1998 và Cao học Thư viện - Thông tin, 2000 tại University of California-Los Angeles (UCLA). Hiện sống ở Los Angeles. Tác phẩm: Thiên Đường Chuông Giấy (Thơ, 1998), Chế Tạo Thơ Ca (Thơ, 2004), và nhiều sáng tác thơ, truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận và dịch thuật. Một số bài thơ của Phan Nhiên Hạo được dịch sang tiếng Anh trong các tuyển tập Of Vietnam Identities in Dialogue (Palgrave, 2001), Three Vietnamese Poets (Tinfish, 2001) và các tạp chí: The Literary Review, Manoa,  Filling Station. Anh cũng tham gia dịch tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ hai mươi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2004.

 Tục cũng được, dâm cũng được, vô nghĩa cũng được, nhưng phải là thứ tục, dâm và vô nghĩa mà để làm ra được cần phải có tài năng, văn hoá, lao động và rất nhiều thứ khác, những thứ khiến nhà thơ thành nhà thơ. Thậm chí nếu định đốt đền thì cũng phải là đốt đền thật, chứ không phải là đốt một túp lều tranh! Với nhiều độc giả Việt Nam, cụm từ “chế tạo thơ ca” còn có thể bị nghi kỵ hơn nữa, bởi lẽ nó ngược lại với quan niệm phổ biến cho rằng thơ ca đơn thuần là tình cảm, là những giây phút thăng hoa. “Chế tạo” khiến người ta nghĩ đến một ngành công nghiệp cơ khí. 

Nhưng tập thơ của Phan Nhiên Hạo không phải như vậy. Anh là một nhà thơ với từ ngữ trau chuốt, liên tưởng độc đáo và những suy tư thâm trầm. Có những bài thơ thật hay, như bài ở nhà một người câu cá, gieo vào lòng ta vẻ đẹp u tịch mang phong vị cổ điển:

Tôi thức dậy hai lần giữa đêm, một lần đi tiểu và một lần đứng ngắm

Các vì sao trên trời

Những con mắt không cần mặt

Tôi ngủ dậy trễ người câu cá đã đi xuống đồi chỉ còn tôi với những túi rong khô

Và mặt vịnh xanh biếc

Không có con quạ nào

Tuy nhiên, nhiều bài thơ trong tập vẫn hiện đại nhờ một thủ pháp mà tôi muốn bàn trong bài viết này.

Có thể chính anh cũng không thực sự dụng công, nhưng Chế Tạo Thơ Ca là một cái tên thành công cho tập thơ khá thành công này, mặc dù, theo tôi, bản thân bài Chế Tạo Thơ Ca không phải là một bài thơ xuất sắc. Hơn thế nữa, nếu theo dõi một cách hệ thống các sáng tác của Phan Nhiên Hạo, ta thấy dường như Chế Tạo Thơ Ca đang dần trở thành phong cách chủ đạo của anh. 

II. Việc chia tập thơ thành hai phần, vì thế, theo tôi không thật thích hợp. Trong cả tập, thủ pháp chính của Phan Nhiên Hạo là cắt dán, dù đối tượng cắt dán của anh là cuộc đời hay sách vở. Thủ pháp này cũng đã thấp thoáng ở tập thơ trước của anh, Thiên Đường Chuông Giấy, như trong bài Cắt dán từ lớp học lịch sử:

Tiến đến cuộc nội chiến

Những người da đen bỏ trốn lên miền Bắc và bị săn đuổi

Bởi những súng dài trong buổi sáng mù sương

Suốt thời gian đó những cánh đồng bông có phần trễ nải

Nhưng ở tập thơ thứ hai, nhất là phần thứ hai của nó, anh sử dụng thủ pháp này thường xuyên và dường như có ý thức hơn:

Chiếc xe điện mạ đồng

Chạy bằng nắng phát ra những tiếng chuông của biển

ở San Francisco thỉnh thoảng có những con chim xám bị cán chết trên đường ray

Sáng nay tôi đi ra từ căn phòng rất nhỏ có lần em nói giống như khám tù

Mỗi tối tôi tự tra tấn mình bằng bốn mươi bảy kênh Tivi

(Xe điện mạ đồng)

Giống như một nghệ sĩ nhạc Jazz, anh lược bớt một số âm ba, thêm vào những âm bảy và liên tục có những cú đảo phách bất ngờ. Kết quả là không gian thơ của anh được mở rộng hơn và linh hoạt hơn. Nó dành lại nhiều chỗ cho người đọc. Chính điều đó khiến nó có màu sắc hiện đại: nếu như thơ điển là một thứ sản phẩm đã hoàn thiện để người đọc chiêm ngưỡng, thì thơ hiện đại là những gợi ý để người đọc triển khai. Thơ hiện đại, vì thế, là thứ thơ dân chủ.

III.Thực ra thì thủ pháp cắt dán không phải là một phát minh của Phan Nhiên Hạo. Nó cũng không phải là phát minh của phương Tây. Việc cắt ghép các hình ảnh và sự kiện rời rạc để tạo ra các cảm giác phi thời gian có thể thấy ở bất kỳ nền thơ nào. Chẳng hạn trong bài ca dao Việt Nam nổi tiếng mà tôi đã hơn một lần trích dẫn:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em lấy chồng anh tiếc lắm thay

Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không

Các nhà thơ tiền bối như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi cũng sử dụng thành công thủ pháp này. Nhưng thủ pháp này đặc biệt thích hợp để mô tả cảm giác của con người hiện đại, khi mà mọi lô gíc dường như bị chìm đi, hay thậm chí bị giết chết bởi cơn lũ các sự kiện, thông tin và kiến giải khác nhau, khi công nghệ hiện đại xoá bỏ các ý niệm truyền thống về thời gian, không gian, bản gốc và bản sao, cái thật cái giả, lợi ích và tác hại...

Trong một xã hội như thế, con người ngày càng trở thành một thứ sinh vật thụ động. Nếu như trước đây, vật chất được tạo ra để phục vụ con người, thì ngày nay, dường như chính con người được tạo ra để phục vụ cho vật chất: phục vụ bằng cách trở thành người tiêu thụ. Tiêu thụ cả những thứ chúng ta không cần tiêu thụ. Trong xã hội ấy, cái duy nhất con người chắc chắn có thể làm được là nhìn. Sự cắt dán của Phan Nhiên Hạo chính là một cách nhìn như thế.

Cách nhìn biến một đoạn tài liệu tầm thường thành những câu thơ đa nghĩa:

Vuốt Ve Thóc” là nghi lễ hôn nhân. Bố vợ

mời con rể tương lai lên xem vựa thóc nhà mình.

Người chồng dùng gậy chọc lỗ người vợ

Gieo hạt giống xuống.

(Sau cái chết xấu)

Cách nhìn tạo ra chất thơ nhiều vị đắng của Hà Nội:

Chúng ta có bao giờ để ý,

rằng vẻ đẹp của Hà Nội một phần lớn nhờ vào hằng hà sa số xe đạp xe máy

dày đặc xen nhau trong bụi bặm

giống như đàn cá khổng lồ đoàn kết chặt chẽ

(Hà Nội 1)

Cách nhìn cũng có thể làm sống lại lịch sử nhiều hơn những tập tư liệu dày cộp. Tôi đặc biệt thích bài thơ mà tôi xin chép nguyên văn dưới đây:

1858

Máy quay phim tìm cách quay khuôn mặt

của núi. ánh sáng nhân tạo phóng ra

từ họng đại bác chiến hạm

đậu trong vịnh Tourane

làm dơi trên trần Đại Điện rụng xuống

và máu bắt đầu chảy đỏ sông Hương.

Vị trí của máy được đặt không phải tình cờ

vào năm 1858 nó nhằm khai hoá

dân tộc này cách làm Nghệ Thuật Thứ Bảy.

146 năm sau, chúng ta hãy còn đang đóng

những bộ phim X nhiều tập.

Rất nhiều chi tiết, rất nhiều sự kiện, nhưng bài thơ là một cái gì khác hẳn. Vẻ đẹp của nó khiến ta ngơ ngác. Những cánh dơi rụng từ trần Đại Điện còn xao xác lâu, máu trên sông Hương còn chảy mãi. Theo tôi, đây là bài thơ thành công nhất trong tập.

MỚI - NÓNG