Thôi anh Vũ Bão, mưa gió mà chi...

Thôi anh Vũ Bão, mưa gió mà chi...
TP - Thôi mưa gió mà chi, nhà văn Vũ Bão! Có chăng gần ba chục tác phẩm của anh nửa thế kỷ nay ít nhiều gieo vào bạn đọc ít nhiều những vũ với những bão...
Thôi anh Vũ Bão, mưa gió mà chi... ảnh 1
Nhà văn Vũ Bão

Vầng khói hương trưa Ba mươi tháng Tư giỗ đầu mẹ tôi ở quê chừng như thêm rưng rưng huyền ảo?

Ấy là lũ chúng tôi đang lặng nhớ đến ngày này chẵn một năm trước mẹ đang hắt ra đang hấp hối mà không hề hay biết giờ này trên chuyến xe từ công trường cầu Bãi Cháy về Hà thành có một người bạn vong niên (mỗi anh là đầu sáu rồi đầu bảy, nhiều năm rồi chơi với lũ chúng tôi tuyền đầu bốn, đầu năm) cũng đang dần lịm đi những hơi cuối cùng!

Bửng tưng ngày mồng Ba dương quày quả trở ra Hà Nội mới chợt  biết nhà văn Vũ Bão đã đi đột ngột và chiều nay  là lễ tiễn anh ở nhà thương Hữu Nghị...

Bẵng đi một dạo không được song hành (những chuyến bất chợt thường hứng lên là khoác túi lên xe. Mà người chi chút lẫn hằng tâm cho những cuộc đi như vậy là Chí Thiện, một dạo dài là đại diện báo Công an thành phố Hồ Chí Minh thường trú ở ngoài này) cùng cái kiểu bước lúc nào cũng hơi chui chúi về đằng trước hoặc ngồi thì rõ chi là lâu bên chén trà tại bất kỳ một quán nước nào đó nhan nhản ở Hà thành.

Ấy là hồi anh vùng vẫy mà chọi lại một cơn tai biến bất thần. May ông giời đoái thương mà qua được. Liệt nhẹ nhưng rồi cũng nhúc nhắc bước được. Tiếng méo lại lành.

Có điều một bên chân ghim đạn Pháp năm nào nay lại tập tễnh thêm di chứng và cái dáng đã chui chúi cố hữu lại chúi thêm một chút nữa nhưng dường như chả có chi hề hấn sau cơn bạo bệnh ấy, Vũ Bão lại cà nhắc lẫn việc dong con xe đạp cọc cạch khắp mọi xó xỉnh Thủ đô.

Và những cuộc đi đây đó dẫu có thưa hơn nhưng đa phần anh là người khởi xướng lẫn hăng hái. Bận ấy, lũ đàn em mất dạy chúng tôi, sau trận rượu tây tây hứng lên đưa ông  anh vào cái tiệm mát xa ở một tỉnh lẻ.

Cái con người tếu táo vui tính ấy đâm chùn và nản hẳn, nhệch ra cái cười đến là thương xua tay quầy quậy: chúng mày cứ quy ra thóc... Ấy là bố ngượng, bố muốn lui, bố muốn giữ cho mình cái khoản tiền thay vì chi dùng cho việc mát xa ấy!

Nhưng lũ chúng tôi nào có tha? Cứ xốc vào phòng và oang oang đọc chại câu thơ của Xuân Sách vẽ chân dung Vũ Bão Sắp cưới thì có thằng phá đám.... Đầu chày đít thớt ông đâu ngán/ Không viết văn thì ông mát xa! (thực ra là viết phim).

Lại cẩn thận dặn nhân viên phải nhè nhẹ tay với ông lão thôi nhá! Hết giờ vạch riđô nhìn vô thấy bố đang tề chỉnh trang phục ngồi thu lu trên giường mặt nhăn nhó đã bảo con bé nhẹ tay mà nó có nghe!

Cứ nhè chỗ thương tật của người ta mà ấn... Thôi cả lũ đành đổ ra mà cười tuế tóa với ông anh!

Không biết những khi anh buộc mình với bàn viết có cái máy chữ cổ lỗ được mấy hột thời giờ mà Vũ Bão, có bận lũ chúng tôi đã tình cờ lẫn tỉ mẫn đếm non ba chục tiểu thuyết, kịch bản phim lẫn các tập truyện ngắn.

Có lẽ cụ phải xếp đủ từ A-X, tên những tác phẩm chính? Vũ Bão cười hê hê Chưa đâu mới từ A-X thôi... Thử dò lại A: Anh cả và em út (tập truyện) và X: Xe tăng ta (tập truyện) Mà lại ham đi lắm. Xuôi nam ngược bắc là sự thường.

Có lần, nhân mối quen nào đấy với Hoàng Minh Tường, vượt biên sang nằm ở nội địa Trung Hoa dễ có cả tháng. Mà đi là có chữ. Chữ ngắn dùng cho báo (Loạt bài điều tra về chuyện đầu tư dở hơi ở Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền và bốn ông pháo thủ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4 đã mang lại kha khá độc giả cho tờ báo mà tôi đang tòng sự).

Trường hơi trường đoạn một tí thì chi dùng cho truyện ngắn, cho kịch bản phim. Mà đã đi với Vũ Bão là không thể thiếu vắng tiếng cười? Ngay cả khi cần trích ngang lý lịch cho một việc hình như khá nghiêm nghiêm cũng phảng phất khí chất Vũ Bão, Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Hà Nội.

Đã từng làm quân báo. Viết báo. Ủy viên Ban chấp hành Hội bơi lội Việt Nam. Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam vv... Rồi hơi hướng mua cả những cái tên tác phẩm Phá đám. Người vãi linh hồn. Ông khóc, tôi khóc. Phút 89. Bố con là đàn bà...

Tưởng như âm hưởng chủ đạo của cả cuộc đời tuyền những nhẹ nhõm với vui cười? Nhưng có lẽ những kiểu cười, những cung bậc cười để mà quên để mà trấn mà yểm những khoảng tối trên quầng mắt đã bao phen ầng ậng nước?

 Bên anh lâu, lũ chúng tôi hình như lĩnh hội được thông điệp na ná như thế? Cái hồi cuối những năm năm mươi của thế kỷ hai mươi ấy, hình như cái thời nó là thế, phải thế cho những la lối, những cao đàm khoát luận này khác?

Một bài báo một ý kiến của nhà văn N.K bây giờ đã là gạo cội đã là tiên chỉ đã giáng những chùy tơi bời lên cuốn Sắp cưới (Tiểu thuyết. In năm 1958, tái bản năm 1988) trên một tờ báo lớn của Thủ đô. Thôi phen này Vũ Bão chỉ có đi đứt! Nhưng ông không gục bởi bao bàn tay ưu ái của bạn bè, của người đời đã dang ra!

Mỗi khi nhắc lại, kể lại chuyện cũ, trong âm thanh của các cung bậc cười của chính Vũ Bão và bè bạn, tôi vẫn ngờ ngợ bởi vẫn phảng phất, lẫn bảng lảng cái chi đó như một nỗi đau? Như đang còn cai chi đấy rất chi là khó nói?

Mãi cứ lấn bấn lăn tăn bởi ý nghĩ, từ cái năm nảo nao lỡ tay hạ chùy ấy hai cụ vẫn không hề gặp nhau nên tôi đã đơn giản và tự động làm một việc. Tại Đại hội nhà văn năm hai ngàn, tôi đã gặp, đã chuyện trò trước với hai cụ. Rồi đọc, đo trước cả những tuế tóa lẫn xí xóa mà chả ai chịu ngỏ cùng ai trước!

Rồi nữa, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, vào cái giờ giải lao, tôi đã táo tợn  cầm tay nhà văn N.K và Vũ Bão để hai lão thành bắt tay nhau giữa Hội trường Ba Đình...

Giữa hai cái bắt tay như ôm xiết và cái cả cười mang âm hưởng xí xóa của hai cụ, không ít tràng pháo tay rộ lên của những người biết chuyện. Còn người chưa biết những tưởng tôi là M.C cho hai đấng viết lão làng gặp nhau để mà chụp ảnh!

Mọi sự sau đó đâm ổn. Chí ít là tôi đã nghĩ thế bởi một bài viết mọn của tôi về sự kiện ấy đã được Vũ Bão ưu ái đưa vô một cuốn sách...

Cái đận được ngồi lâu với Vũ Bão là lần Toà soạn rước anh về làm thành viên chủ chốt của một cuộc thi phóng sự. Có cả Vương Trí Nhàn. Nhà phê bình cỡ gộc này cứ mỗi lần tôi hỏi ý kiến chi đó thì cứ nhũn nhặn rồi hướng cặp mắt hấp háy về Vũ Bão mà rằng cái nghiệp viết phóng sự Nghề này phải gọi ông này tiên sư!

Việc cũng nhiều nhưng chuyện vãn với nhau cũng lắm. Đận đó tôi mới biết từ cái tên khai sinh Phạm Thế Hệ đổi thành Vũ Bão, cụ thân anh biết được đã chửi cho một trận nên thân.

Trong cơn cười, anh bảo cái tên khai sinh dùng làm bút danh nghe tàu lắm! Thế bão mà là không tàu à? Cụ thân quát mình đành chống chế bão là no là không đói thầy ạ! Sau cái vạ văn chương ấy mình đếch thay nữa cứ để thế, nghe cũng hơi hướng mưa gió tợn đấy chứ nhỉ?

Thôi mưa gió mà chi, nhà văn Vũ Bão! Có chăng gần ba chục tác phẩm của anh nửa thế kỷ nay ít nhiều gieo vào bạn đọc ít nhiều những vũ với những bão...

Anh đang lành đang vui như thế. Và cả cái chết cũng lành trong cái nghiệp hay đi, ham đi...

Trên chuyến xe vui từ Bãi Cháy về Hà Nội, giữa những người bạn viết vong niên, chuyện đang nở giữa các cung bậc cười phớ lớ, đầu anh bỗng ngả sang một bên...

Chiều 3/5/2005
Xuân Ba

Nhà văn Vũ Bão sinh 4/9/1931 tại Quảng Ninh, quê gốc ở Thái Bình. Ra đi đột ngột hồi 11h15 phút ngày 30/4/2005. Từng là trinh sát quân báo thời kỳ chống Pháp. Nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, Phó Tổng Biên tập Tạp chí  Điện ảnh Việt Nam (nay là Điện ảnh Kịch trường). Cộng tác viên thân thiết và lâu năm của Báo Tiền Phong.

Tác phẩm chính: Cô búp bê tóc mây (kịch bản điện ảnh), Đầu quay về hướng đông (kịch bản truyền hình), Gọi ai lần cuối (tiểu thuyết) ,Làm giời ( tập truyện ngắn), Mãi cũng đến bờ (tập truyện ngắn) ,Những ngôi sao nhỏ (kịch bản phim), Ông khóc tôi khóc (tập truyện ngắn), Phút 89 ( kịch bản phim), Phá đám (tập truyện), Sắp cưới (tiểu thuyết), Thời gian không đợi (tiểu thuyết), Truyện ngắn chọn lọc vv...

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.