Thời của ca-nhạc sỹ

TP - Còn gì bằng, nếu ca sỹ vừa có thể  hát, vừa có thể viết ca khúc, chí ít tự phục vụ mình. Mà viết đẳng cấp để giành giải Nobel văn chương như Bob Dylan thì cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ. Nhưng oái oăm ở chỗ, lực lượng ca sỹ khát vọng kiêm luôn vai trò nhạc sỹ thì đông, mà thành công chỉ đến với số ít.

“Hãy sai đi vì cuộc đời cho phép”

Mới đây, nữ ca sỹ Thủy Tiên sáng tác một ca khúc dành tặng “ông xã” yêu quí của mình với tựa đề “Thư gửi anh”. Cảm hứng sáng tác được bắt nguồn từ không khí ấm cúng của một buổi tối tháng 6 khi hai vợ chồng cùng uống trà, trò chuyện. Ai nấy đều xúc động với tình cảm dạt dào của người vợ nổi tiếng dành cho ông chồng nổi tiếng nhưng nghe “Thư gửi anh” có người nhận xét lời bài hát… sao sao đó, kém tự nhiên, rời rạc. Đặc biệt, câu hát Thủy Tiên có vẻ khoái, vì được dùng quảng cáo cho MV này: “Nếu khoảng cách giữa hai chúng ta là ngàn bước đi anh à. Anh hãy ở đó cầm hoa/ em sẽ lào (lao) đến anh như một cơn gió…”. Tiếng Việt tự tin “giàu và đẹp” nhưng đầy thách thức với người sử dụng, giống như “phong ba bão táp”. Không thiếu gì từ có thể thay thế cho  “lao” để ráp vào ca khúc của Thủy Tiên, khi hát  không bị biến thành “lào”: “lào đến anh như một cơn gió”, gây phản cảm ngay cho người nghe. Thà cứ viết giản dị  “ùa đến anh như một cơn gió” sẽ thoát việc loay hoay với dấu câu, bởi “lao” hay “ùa”, đều là những từ phổ biến, không có gì đặc sắc để phải cân nhắc khi dùng. Trước đây, Thủy Tiên từng sáng tác khá nhiều, có những ca khúc được bạn trẻ yêu thích như “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Chàng trai tháng 12”… Có thể rồi MV “Thư gửi anh” cũng sẽ được bạn trẻ đón nhận hồ hởi, không phải vì bài hát hay mà là sự xuất hiện của hai nhân vật chính: Thủy Tiên, Công Vinh trong trang phục cô dâu, chú rể giữa khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp của đất nước mặt trời mọc.   

Thời của ca-nhạc sỹ ảnh 1 Thủy Tiên vừa viết “Thư gửi anh”.

Hiện tượng ca sỹ kiêm vai trò viết ca khúc (singer- songwriter) ở tây không thiếu, ở ta bắt đầu  nhiều. Thế hệ ca sỹ trẻ bây giờ thường có khả năng hoặc tỏ ra có khả năng “2 trong 1”. Không còn lạ khi Đinh Mạnh Ninh hay Vũ Cát Tường vừa sáng tác, vừa tự thể hiện. Trường hợp như Lê Cát Trọng Lý cũng “tự biên, tự diễn”, ở vai trò nào cũng ổn, song có lẽ ở mảng viết ca khúc cô được nhiều người công nhận hơn. Ca khúc do người trẻ hôm nay viết thường ít dùng hình ảnh, ít dùng các biện pháp tu từ mà thường nói thẳng điều mình nghĩ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lực lượng viết ca khúc đông đảo hơn trước. Thí dụ Tiên Tiên viết “Vì tôi còn sống”, nếu thời trước thế nào cũng bị “các cụ” phê bình dữ dội thì thời  nay lại được người trẻ đón nhận nồng nhiệt: “Khi xưa ngây thơ dại khờ tôi hay chê bai mình ngu si. Rằng không biết làm gì, không biết cần chi, không biết mình là ai. Bao năm bon chen ngoài đời soi gương nhìn vẫn thế. Đầu vẫn rối bù xù, thân bé ú nu, ú nu…”. Nhưng đây mới là những câu ăn khách: “Hãy sai đi vì cuộc đời cho phép. Cứ yêu đi dù rằng mình ngu si”. Tiên Tiên hiểu mình, hiểu thế hệ của mình, thông điệp cô truyền đi “Hãy sai đi vì cuộc đời cho phép” nhanh chóng được bạn trẻ ủng hộ nhiệt liệt, có khi được họ coi là “tuyên ngôn”. Cũng tốt thôi, vì tuổi trẻ có quyền được “sai” để “đúng”, được vấp ngã để lớn lên. Nhưng sức sống của những ca khúc kiểu này khó mà trường tồn với thời gian. Nó giống như trào lưu, đến rồi đi.

Thời của ca-nhạc sỹ ảnh 2 Tiên Tiên “Hãy sai đi vì cuộc đời cho phép”.

Có những  “họa mi” chỉ biết hót

Chưa có bảng xếp hạng những ca sỹ viết ca khúc tệ nhất nhưng nếu có, chắc Mỹ Tâm sẽ  “vinh dự” lọt vào. Phải nói “Họa mi tóc nâu” chăm chỉ sáng tác. Tính ra cũng cả “kho tàng” nhỡ nhỡ:  “Cho một tình yêu”, “Còn lại”, “Dường như ta đã”, “Giữa hai chúng ta”, “Không yêu không yêu”, “Lại một đêm mưa”, “Nhịp đập dại khờ”… May mà còn có nhạc sỹ Quốc Bảo viết “Tóc nâu môi trầm”, còn có “Ước gì” của Võ Thiện Thanh, còn có “Cô gái đến từ hôm qua” của Trần Lê Quỳnh… Nếu không để Mỹ Tâm tự hát bài của mình sáng tác, có lẽ tên cô đã chìm nghỉm theo “những đứa con” cô sinh ra. “Họa mi” nỗ lực viết bao nhiêu bài hát mà chẳng có câu nào khiến người ta ghi nhớ. Tuyền nhạt thế này: “Ngày mới quen nhau em nào hay đôi mình/Được gần nhau sống chung dưới trăng vàng/Ngày tháng trôi qua em nhận ra tim mình/Càng gần anh em lại càng yêu anh…” Hoặc “Dù nói sẽ luôn hững hờ. Dù nói sẽ không mong chờ. Dù nói sẽ không bao giờ nhưng sao lòng mình vẫn cứ chờ”v.v.. Nhưng nhờ những sáng tác “nước ốc”  mà Mỹ Tâm thường được giới thiệu hoành tráng: “Phan Thị Mỹ Tâm (sinh ngày 16 tháng 1 năm 1981) là nữ ca sỹ, nhạc sỹ và diễn viên người Việt Nam”, chẳng hạn như vậy.

Thế mới hiểu vì sao khi cô hoa hậu người Việt tại Nga vướng vòng lao lí được nhiều người bênh với lí do: Có sắc, có tài. Một trong những dẫn chứng được dư luận dùng chứng minh, chính là “tài” viết lời ca khúc của cô. Riêng điểm này, Phương Nga xuất sắc hơn hẳn nàng “tóc nâu môi trầm”. Lời ca khúc ít nhất cũng mềm mại, dễ đi vào lòng người: “Mong manh như hương ai quen dịu dàng thoáng qua/Khi em lang thang bên anh đường chiều nắng xa/Nghe trong tim em còn muôn lời cám ơn, lời xin lỗi”.v.v...

Có những nhạc sỹ chuyên nghiệp ít viết lời bài hát mà chuyên phổ thơ, mặc dù họ viết lời không đến mức quá dở. Nhưng với người làm nghệ thuật, bình thường là “chết”, nên nếu không thể viết lời cho hay, tốt nhất nên chọn thơ hay làm lời ca khúc. Ít ai nhớ, nhạc sỹ Trần Tiến xuất thân là một ca sỹ nhưng chắc do không vượt qua được cái bóng của anh mình, nên ông yên tâm làm nhạc sỹ, thỉnh thoảng cũng cất giọng hát chút cho vui. Nhạc sỹ Trịnh  Công Sơn là một trong những nhạc sỹ có phần lời ca khúc đẹp như một bài thơ song ông sở hữu giọng hát loàng xoàng. Người ta nghe Trịnh Công Sơn hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” vì ông là chủ nhân của ca khúc này, ắt không phải vì giọng hát của ông. Cho nên, các ca sỹ nếu không thể tự viết ca khúc cho mình thì có thể “đặt hàng” những nhạc sỹ chuyên nghiệp, đừng cố khoe “sở đoản” làm gì.  Biết mình là ai đôi khi cũng là một cách tự trọng và giữ gìn hình ảnh hữu hiệu.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.