Thời sự vỉa hè

TP - Nước mình bình dân. Phải nói là thế. Đại đa phần là thế. Ít ra cơm cháo bình dân cùng với “nền kinh tế vỉa hè” đến bây giờ vẫn nuôi sống người lao động nghèo chiếm đa số trong xã hội. Tin vỉa hè vẫn hút hàng. “Văn chương vỉa hè” còn dài dài chất liệu…  

Vỉa hè đang là thời sự. Là nói đến cuộc chiến đòi vỉa hè “ào ào như sôi” ở quận nọ Sài Gòn. Nhớ cụ Tô Hoài trong tạp văn về cái vỉa hè. “Chỉ có trời mưa mới đuổi được thôi. Còn các ông ấy có đuổi thì cũng là đóng kịch trên sân khấu thôi ạ”. Là cậu cắt tóc vỉa hè nói với ông lão nhà văn. Cậu thợ cắt tóc vỉa hè Hà Nội ấy có lần linh cảm công an sắp đến đuổi, bèn mời nhà văn đứng lánh vào bên góc tường để…húi tóc. Ai chứ ông nhà văn Tô Hoài “khôn lõi đời” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến) thừa biết góc tường kia là nơi “các bợm bia hay đứng đái”, nên chối phắt “tao chả vội gì”.

Công cuộc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ của quận 1 TPHCM đã đi được hơn một tháng, trong chiến dịch dự kiến kéo dài 60 ngày. Ông phó quận thề nếu không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ, sẽ “cởi áo từ quan”.

Nhưng bên cạnh những lời cám ơn của người đi bộ, thì vẫn đọc được rào rào lời “kể  tội” những cái barie bằng sắt lấp ló nhô lên bẫy những ai có tật phi xe máy lên vỉa hè và người khiếm thị, tàn tật. Và còn chơi kiểu khác dội hơn, đó là những rào chắn bằng thép cao gần đầu người uốn lượn chữ chi như ma trận trên vỉa hè (quận 5). Nom chả khác những chiếc cũi thép ngăn người phát ấn bên trong với đám đông chuyên cướp ấn đền Trần bên ngoài. Và nữa, dẹp vỉa hè, nhưng đã có kế sách gì giúp đội quân mưu sinh nhờ vỉa hè (đông hàng triệu người) khỏi đứt bữa hàng ngày? Sao lại chỉ có một vài quận động thủ, các quận khác, tỉnh thành khác không có vỉa hè hay sao?! Đã tính đến khả năng bị tái chiếm vỉa hè chưa, như từng xảy ra như cơm bữa sau các đợt “ra quân” khắp nơi?

Để những buổi tối nào đó những ca sĩ nổi tiếng nào đó trên đường về nhà sẽ lại tiếp bước Mỹ Tâm leo lên sân khấu vỉa hè hát chung với ca sĩ vỉa hè khiếm thị để giúp cô/cậu bé kiếm thêm ít tiền. Cho ngày mai các báo rộn ràng có cái
mà đăng.

Phạm Duy đầu thập niên 60 thế  kỷ trước viết riêng một dòng “Vỉa hè ca” như ông tự nhận “cởi áo trang nghiêm để khoác áo bình dân”. Giữa thời đại nhiều nhố nhăng.“Xin anh Hai đừng nên láng cháng/ Chớ khoe giàu là chớ có khoe giầu/Chớ khoe sang là chớ có khoe sang” (Nghèo mà không ham - Vỉa hè ca) 

Nói nốt chuyện cái vỉa hè. Đó là giành lại không khó, nhưng giữ được mới là vấn đề. Giữ được một cách văn minh, hài hòa lợi ích, sinh kế lâu bền cho người dân.

Nước mình bình dân, thì đã hẳn, vì còn nhiều người nghèo. Nhưng tư duy quản lý không thể mãi bình dân. Tư duy vỉa hè.

MỚI - NÓNG