Thực hư 10 nghìn tỷ đồng cho công trình văn hóa

Rạp chiếu phim Đại Nam ở Phố Huế, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
Rạp chiếu phim Đại Nam ở Phố Huế, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Dư luận nóng lên quanh thông tin hơn 10 nghìn tỷ đồng chi cho đề án “Quy hoạch và Kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020”. PV trao đổi với ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.

Liên quan đến việc nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa, trong đó có gần bảy nghìn ty đồng cho 71 nhà hát, dư luận cho rằng lãng phí, ông lý giải ra sao?

Thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới” và thông báo số 219-TB/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng, Bộ chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng năm đề án-được thể chế hóa bằng các văn bản của Chính phủ trong đó có đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm VHNT) giai đoạn 2012-2020” ban hành theo quyết định 88/QĐ-TTg ngày 9/1/2013.

Bộ có công văn gửi các địa phương đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa trên địa bàn. Bộ cũng tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, mời đại diện bộ, cơ quan liên quan, địa phương để lấy ý kiến trực tiếp; có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết 23.

Khái toán tổng mức đầu tư của đề án dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, còn lại là các nguồn huy động khác. Theo Quyết định 88, số tiền này để đầu tư cho bốn mục: xây dựng nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm VHNT và cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật cho các công trình bị xuống cấp, hư hỏng.

Việc thực hiện tùy thuộc khả năng của nền kinh tế, sự đóng góp các nguồn vốn của xã hội và sử dụng hiệu quả các công trình hiện có cũng như các công trình sẽ được đầu tư theo quy hoạch và nhu cầu bức thiết về hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nhưng tình hình khó khăn như hiện nay, số tiền quá lớn cho xây dựng cơ sở vật chất là chưa thỏa đáng?

Như trên đã nói, số tiền này trải trên toàn quốc từ năm 2012 đến 2020  cho bốn mục, chứng tỏ trước tới nay số tiền đầu tư cho văn hóa quá ít so với các ngành khác. Thực tế, quyết định 88 xây dựng khi nền kinh tế của ta phát triển tốt, GDP tăng trưởng khả quan. Hiện nay khó khăn, Bộ sẽ xin ý kiến Thủ tướng có giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình kinh tế, xã hội của đất nước.

Có nghĩa là sẽ không có chuyện chi ngần ấy số tiền để xây dựng các nhà hát số ghế ngồi lớn tại các thành phố lớn, và xây nhà hát khác ở một số địa phương?

Chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ sẽ xem xét. Số tiền trích trong quy hoạch nghệ thuật biểu diễn là dự kiến. Còn việc thực hiện đề án và việc xây dựng quy hoạch tổng thể nghệ thuật biểu diễn vẫn phải làm, vì đó là nền tảng thiết chế, nhận thức chung của toàn xã hội dành cho phát triển văn hóa. Hơn nữa, quy hoạch này là bắt buộc, để các địa phương dành quỹ đất, cơ sở vật chất cho văn hóa, quan tâm hơn đến văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức và đời sống của nhân dân.

Ông thấy sao khi một số ý kiến tại hội thảo tại Hà Nội hôm 20/5, góp ý rằng quy hoạch cần đón đầu các xu hướng của quốc tế. Vì thực tế bản dự thảo quy hoạch NTBD chưa thể hiện được tầm nhìn?

Đúng là nhiều đại biểu tập trung góp ý-mong quy hoạch tốt, sát tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của chúng ta. Tuy nhiên, cũng cần nhìn xa hơn - giai đoạn khó khăn này cũng qua. Thời chống Pháp, chưa biết lúc nào giành được chính quyền, thế mà đã có Đề cương văn hóa năm 1943. Thời kỳ khó khăn như thế còn quyết tâm xây dựng văn hóa. Nghị quyết T.Ư 9 tới đây sẽ đặt vấn đề rất quan trọng trong phát triển văn hóa.

Bản quy hoạch này cũng phải dự báo xu hướng thế giới, nhất là sắp tới chúng ta gia nhập TPP: Nhiều quy định, luật về NTBD phải điều chỉnh lại, nếu không sẽ thành rào cản. Khi đó, chúng ta phải có bản lĩnh, bình đẳng với những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật quốc tế: Muốn tồn tại thì mình phải thích nghi.

Nhà hát đẳng cấp là cần thiết, nhưng một số công trình xây xong bỏ hoang, hoặc dùng để kinh doanh ngoài nghệ thuật?

Khai thác cơ sở vật chất cũng cần linh hoạt. Trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà hát, dịch vụ tập trung ở một nơi là xu hướng chung của thế giới, mình nên học hỏi. Như thế vừa tiết kiệm quỹ đất, tiện lợi cho người có nhu cầu. Bởi vì trong tương lai hầu hết các nhà hát phải tự chủ, ngoài rạp cho các hoạt động nghệ thuật, phải có các dịch vụ đi kèm, nhưng luôn xác định hoạt động chính là biểu diễn nghệ thuật.

Cảm ơn ông.

Không nên bắt Nhà nước gánh hàng trăm đoàn nghệ thuật

Nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật hoạt động dựa trên ngân sách Nhà nước nhưng chi đến 2/3 số ngân sách cho tiền lương và bộ máy, còn lại rất ít cho dựng vở. “Trong tương lai, các ngành nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, còn những môn nghệ thuật hiện đại có thể hòa chung với thế giới thì để thành phần khác trong xã hội tham gia. 

Không nên bắt Nhà nước phải gánh khối lượng lớn, vì Nhà nước còn quan tâm nhiều lĩnh vực khác. Ngành văn hóa cũng không làm được một mình, cần ràng buộc và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương và quan trọng hơn là nhận thức để làm văn hóa”, ông Vương Duy Biên nói.

MỚI - NÓNG