Tiến sĩ Việt mang thơ hát rong xứ người

TS Lâm Quang Mỹ
TS Lâm Quang Mỹ
TP - Nhiều người Ba Lan đã quen với hình ảnh người đàn ông Việt Nam tóc bạc trắng đọc thơ, kể chuyện về xứ sở của mình. Chất giọng xứ Nghệ hát những vần thơ về Việt Nam ấy vang lên ở các miền quê Ba Lan.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ - “lưỡng quốc hội nhà văn” - trường hợp duy nhất vừa là hội viên Hội Nhà văn Ba Lan vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được coi như “người hát rong của thi ca”... Từ Ba Lan về Hà Nội trong một chiều tháng 4, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều ngã rẽ của mình...

Người hát thơ Việt bằng ví dặm ở trời Âu

Trên bàn của ông có 2 cuốn sách bằng tiếng Ba Lan: “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX” và cuốn “Tuyển tập Thơ mới Việt Nam 1932-1941”. Hai cuốn sách đều do ông tuyển chọn và dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan. Cuốn “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX” đã  được  bình chọn “Cuốn sách của năm ở Ba Lan”.

Vì sao giữa thời buổi ai cũng bận rộn, mải miết mưu sinh thì ở xứ người, ông tiến sĩ vật lý này lại có thể dành thời gian cho việc dịch những câu thơ cổ Việt Nam? Ông trả lời câu hỏi của tôi bằng cái cười hiền, như thể việc này tự nhiên, đương nhiên: “Tôi thấy sách văn học của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… được dịch ra tiếng Ba Lan khá nhiều. Trong khi đó sách văn học Việt Nam dịch ra tiếng Ba Lan chỉ mỏng tang vài cuốn. Người Ba Lan hầu như biết rất ít về văn học Việt Nam”.

Dịch thơ, nhất là thơ xưa, đầy điển tích điển cổ vốn cực kỳ khó, không những cần sự thông kim bác cổ mà còn phải nắm vững sự giống và khác giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Lâm Quang Mỹ có một cộng sự - nhà thơ Ba Lan Pavel Kubiak, cả hai cùng ròng rã mấy năm trời để ra cuốn sách.

Ông Milosz Kamil Manaterski, nhà thơ, Tổng Biên tập báo điện tử Hội Nhà văn Ba Lan, Ủy viên Hội đồng giám định chất lượng văn học của Hội Nhà văn Ba Lan đã viết bài đánh giá: “Tôi đã viết giới thiệu cuốn “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ XI đến XIX” và cho đó là một sự kiện thơ. Sáu tháng sau, tôi đã biết chắc chắn rằng, cuốn Tuyển tập đã tự bảo vệ được vị trí là cuốn sách quan trọng nhất trong năm 2010... Đây là một bản dịch rất hay, nó hàm chứa cái đẹp trong thơ của các nhà  thơ lớn Việt Nam. Nhắc lại sự khác biệt ngôn ngữ của hai nước ở đây có lẽ không cần thiết. Lâm Quang Mỹ và  Pawel Kubiak đã chắt lọc hết những gì hay trong tiếng Ba Lan để cho thơ thực sự là thơ, cái đẹp thực là đẹp và đồng thời không làm giảm đi những nét độc đáo trong văn hóa và văn chương Việt...”.

Nhà văn hóa quận Luomanki, phía bắc thủ đô Warszawa - Ba Lan rộng như một giảng đường đại học, hôm ấy đông chật người. Họ đến để nghe nhà thơ Lâm Quang Mỹ giới thiệu về thi ca Việt Nam. Người đàn ông nhỏ nhắn nhưng  nhanh nhẹn, bước lên sân khấu,  cất giọng: “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách trời / Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

 Tiếng vỗ tay dội lên tưởng như không dứt trong hội trường. Tiếp theo, những bài  “Qua Đèo Ngang” (Bà huyện Thanh Quan), trích đoạn Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), trích đoạn Truyện Kiều (Nguyễn Du)… được người đàn ông Việt Nam này… hát. Ông hát thơ bằng điệu ví dặm Nghệ Tĩnh quê nhà da diết, lúc thì bằng dân ca quan họ Bắc Ninh ngọt ngào. Thơ và nhạc Việt Nam, đã vang lên và đi vào lòng người ở xứ sở bạch dương tuyết trắng, quê hương của Sopin.

 Lâm Quang Mỹ đã làm người hát rong đi khắp các miền quê Ba Lan để hát Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương... Ông đến trường học, bệnh viện, trại an dưỡng, các câu lạc bộ thơ địa phương. Ở đâu ông cũng kể chuyện bằng thơ, hát thơ nói về xứ sở hình chữ S ở châu Á, nơi người Ba Lan chỉ biết đến qua những gì khốc liệt của chiến tranh. Bất cứ bài thơ nào ông cũng hát lên theo giai điệu. Từ nỗi lòng người vợ, người mẹ thời chiến, những bản hùng ca khi ra trận cho đến những lời thơ ca ngợi đất nước, tất cả đều được  ông “cõng” nhạc để dễ đi sâu vào lòng người. Từ  2002 đến nay, Lâm Quang Mỹ có trên 2.500 buổi hát thơ như vậy ở Ba Lan, Nga,  Séc, Canada...

“Uống rượu Tây làm thơ rượu gạo”

Tiến sĩ Việt mang thơ hát rong xứ người ảnh 1

TS Lâm Quang Mỹ hát thơ ở Quảng trường  thủ đô của Ba Lan

Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết Lâm Quang Mỹ  sống và làm việc tại một đất nước châu Âu đã mấy chục năm, một đất nước với một nền văn học có 2  giải Nobel thơ, nhưng bản ngã, điệu thức tâm hồn thơ ông không bị pha trộn, không bị đồng hóa, nó vẫn bền bỉ trên những nẻo đường quê Việt.  Nhà thơ  Nguyễn Trọng Tạo kể: Đã nhiều lần chứng kiến Lâm Quang Mỹ hát thơ ở nhiều nơi khác nhau, ngoài Ba Lan ông còn hát tại Canada và nhiều quốc gia khác, ở đâu, tài hát thơ của ông cũng được cổ vũ nhiệt liệt. Nguyễn Trọng Tạo đã “nhận định vui”:  “Lâm Quang Mỹ uống rượu Tây, làm thơ rượu gạo”, bởi cái bản sắc Việt của ông bao nhiêu năm vẫn không hề bị trộn lẫn.

Lâm Quang Mỹ  (tên khai sinh là Nguyễn Đình Dũng) sinh ra và lớn lên ở một miền đất giàu tinh thần hiếu học, làng Cổ Đan xã Nghi Phúc nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Miền quê bên bờ sông Lam này,  ngó bên kia là làng Tiên Điền quê hương Nguyễn Du. Tốt nghiệp cấp 3, Lâm Quang Mỹ  từng nghĩ rằng sẽ đi theo nghiệp văn chương, dạy học. Nhưng khát khao vươn tới khám phá những chân trời mới đã thôi thúc chàng trai trẻ năm ấy đăng ký vào trường Hàng hải khóa đào tạo thủy thủ viễn dương đầu tiên. Trở thành một trong những sinh viên có kết quả học tập tốt nhất, chàng thanh niên Nguyễn Đình Dũng được cử sang Đại học Bách khoa Ba Lan theo học ngành mới nhất lúc bấy giờ:  ngành Điện tử. Kết thúc khóa học, ông về nước để nhận công tác nghiên cứu tại Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN).

Tháng 8/1989, theo chương trình hợp tác khoa học Việt Nam - Ba Lan, ông cùng gia đình đã lên đường đi xây dựng cuộc sống mới ở miền đất  “sương trắng nắng tràn”. Tiến sĩ Vật lý  Lâm Quang Mỹ - thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan dù có nhiều thành tựu trong chuyên môn của mình, nhưng lại rất  “phát” về thơ. Lâm Quang Mỹ đã giành giải thưởng thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà văn Ba Lan trao năm 2004; giải thưởng về thơ và những hoạt động văn học năm 2006 của Những Ngày Thơ Quốc tế do UNESCO Ba Lan tổ chức. Hai giải nhất (của Ban Giám khảo và của công chúng) cuộc thi Marathon Thơ trong “Liên hoan thơ lần thứ năm Các nước có chung biên giới với Ba Lan” tại thành phố Rzeszow 6/2008...

Chất giọng Nghệ của ông có gì đó nặng trĩu: “Đầu năm 2010, tôi mời một nhà văn Ba Lan sang Việt Nam tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Nhà văn này đã nhìn rất lâu vào giấy mời của Hội Nhà văn Việt Nam và hỏi: "Liệu giấy mời của các ông có ghi nhầm không đấy? Hội Nhà văn Việt Nam mới thành lập được mấy tháng hay sao mà Hội nghị giới thiệu tác phẩm văn học ra thế giới mới được tổ chức lần thứ 2? Nhà văn này ngạc nhiên, là bởi ở Ba Lan, mỗi năm có hàng chục hội nghị tương tự như vậy được tổ chức, nhằm mục đích lựa chọn, giới thiệu những tác phẩm văn học tốt nhất ra nước ngoài. Tôi  nghĩ, văn học dịch ra tiếng nước ngoài của nước ta hiện nay đang giống một “đứa trẻ suy dinh dưỡng”.

Nhưng Lâm Quang Mỹ lại có hẳn một chiến lược “xuất khẩu” thơ Việt riêng: “Tôi sẽ bắt tay vào việc dịch Thơ mới của ta ra tiếng Ba Lan. Sau Thơ mới sẽ là thơ của bạn bè, thơ đương đại. Tôi đặc biệt quan tâm đến văn học nữ Việt Nam. Thơ nữ Việt Nam có sớm hơn thơ nữ Ba Lan. Ngay từ thế kỷ XVII mình đã có thơ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Còn ở Ba Lan, thơ nữ đến tận thế kỷ XIX mới xuất hiện”.

Ông lại chuẩn bị hành lý để bay sang Ba Lan, tuổi 70 rồi nhưng “vẫn vội vã trở về, vội vã ra đi”. Những cuộc hát thơ của ông ở xứ người dường như cứ kéo dài bất tận dù vậy vẫn thấy đời mình quá chật như Lâm Quang Mỹ viết:  “Tôi đang sống trong không gian ba chiều/ Sao vẫn thấy đời mình quá chật/ Rồi một ngày bỗng thấy lòng bát ngát/ Thêm một chiều thăm thẳm của tình yêu”.

Cùng với dịch giả Nguyễn Văn Thái, ông đã được tổ chức Liên hoan thơ Quốc tế Galicija Ba Lan trao tặng danh hiệu “Wielki Laur Translatora” (Cành nguyệt quế). Năm 2006, ông được chính quyền vùng Krasne, quê hương của đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski công nhận công dân danh dự.

MỚI - NÓNG