Tiếng hát vượt sóng lừng đến với các anh

Gửi tâm tình đất liền từ cabin tàu Trường Sa tới chiến sĩ nhà giàn. Ảnh: Toan Toan.
Gửi tâm tình đất liền từ cabin tàu Trường Sa tới chiến sĩ nhà giàn. Ảnh: Toan Toan.
TP - Món quà tinh thần theo từng con tàu đem đến đảo xa luôn là những bài hát về người lính hải quân. Cuộc giao lưu với chiến sỹ nhà giàn những ngày cuối tháng 5 gây ấn tượng mạnh với những người có mặt, khi nghe họ hát cho nhau nghe qua bộ đàm từ cabin tàu Trường Sa.

Hành trình của con tàu mang tên Trường Sa kết thúc bằng buổi sáng neo tại nhà giàn DK1/15 ở bãi Phúc Nguyên. Giữa bốn bề sóng nước, ngay từ sớm những người có mặt trên con tàu hướng mắt nhìn sang phía cán bộ chiến sỹ nhà giàn DK1, chờ đợi những chuyến xuồng đưa đại biểu sang cập bến nhà giàn.

Một chiếc xuồng được hạ xuống “thăm dò” sóng nước. Mặt biển lúc này nhấp nhô từng cơn sóng cao tới gần 2m mà những người đi biển quá rành, gọi là sóng lừng. Chiếc xuồng tròng trành sát mạn tàu neo cách nhà giàn chưa đầy 1km. Có lúc bị sóng đánh bật lên khỏi mặt nước, dập mạnh làm các chiến sỹ trên xuồng ướt nhẹp.

Cứ 6h sáng mọi người tự giác ra không gian sau lái, nai nịt áo phao, túi nilon lớn bọc các loại máy ảnh, máy quay sẵn sàng vào đảo tác nghiệp. Ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân nhìn đội nữ phóng viên lắc đầu. Người được chọn phải là cánh nam giới nhanh nhẹn, không say sóng. Cả con tàu nín thở nhìn theo chiếc xuồng thăm dò, dập dềnh chạy vòng vòng quanh nhà giàn mà chưa tìm được cách cắt sóng cập bến. Mất rất nhiều thời gian mới tìm được cách, tưởng suôn sẻ chuyến xuồng sau rời tàu đành quay về trong tiếc nuối.

Kế hoạch đưa đoàn vào thăm nhà giàn đổ bể. Thủ trưởng đoàn công tác quyết định gặp gỡ cán bộ chiến sỹ nhà giàn và tàu kiểm ngư qua bộ đàm. Trưởng ngành thông tin nhanh chóng thiết lập mạng liên lạc tại cabin tàu, với đường dây nghe gọi vang khắp đài chỉ huy. Cabin tàu thành nơi chuyển tải tâm tư tình cảm giữa đoàn công tác, nhà giàn và kiểm ngư trực chốt trên khu vực.

Em yêu anh như câu hò ví dặm, có guitar đệm qua lời hát mộc đầy tình cảm của Mai Phương, ca sỹ đoàn Bình Dương mở đầu những ca khúc gói trọn tình cảm của đất liền gửi tới lính đảo xa. “Tôi phải lấy tinh thần thép, không rơi nước mắt, để tiết mục đầu tiên không ngắt mạch”, Phương nói.

Ca sỹ hát mộc, lúc có guitar đệm, khi khác trên nền nhịp vỗ tay của những người có mặt tại cabin, hoặc cả khán phòng chẳng ai bảo ai cùng hát vọng vào bộ đàm. Hoàng Tùng trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai phân trần, “Em sẵn sàng mặc áo phao ra nhà giàn với các anh nhưng sóng to gió lớn quá mong các anh thông cảm”.

NSƯT Thu Trang (Nhà hát VOV) nấc nghẹn trong những câu hát Ở hai đầu nỗi nhớ. Hầu hết ca sỹ trước khi cất lời luôn tranh thủ nhắn nhủ “Đất liền luôn hướng về các anh”. Ca sỹ Đan Trinh đoàn Bình Dương rưng rưng Mùa xuân bên cửa sổ. Không trực tiếp giao lưu qua bộ đàm, không ít người ngồi trong cabin tàu 571 lén quay đi lau nước mắt.

“Hơn 20 năm ca hát, chưa bao giờ tôi có trải nghiệm hát cho chiến sỹ nghe từ cabin đầy cảm xúc đến thế”, Đan Trinh nói. Những chuyến công tác Trường Sa dịp giữa năm thường yên ả, không có nhiều hoàn cảnh phải ở hai đầu thương nhớ như thế. Anh Trần Văn Huy, Chính trị viên tàu 571 nói thi thoảng mới có chuyến gặp sóng cả, ca sỹ và chiến sỹ gửi tâm tình qua cánh sóng thế này.

Không thể mặt đối mặt, hiệu ứng được đo đếm bằng tràng pháo tay rộn ràng vang qua hệ thống VHF. Gần hai tiếng đồng hồ nối liền khoảng cách giữa biển khơi bằng những ca khúc khi hào sảng như Nơi đảo xa, Sức sống Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình, lúc tình cảm dịu dàng với Biển nỗi nhớ và em, Thuyền và biển.

“Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ, những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ. Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn bão tố. Nếu phải cách xa em anh chỉ còn bão tố”. Thấy âm hưởng này làm không khí gặp gỡ trầm đi nhiều, người dẫn chương trình đổi tông, “lèo lái” cuộc tâm tình qua cánh sóng trở thành bữa tiệc âm nhạc đủ thể loại.

“Có chiến sỹ nào quê Hà Nội muốn nghe một ca khúc về Hà Nội không?”, biên tập viên Doãn Ánh Quyên của Đài TNVN hỏi. Nguyễn Thành Nhân (đoàn Bình Dương) hát Hà Nội mùa lá rụng. Một chiến sỹ xung phong hát qua bộ đàm Hà Nội và tôi. Họa sỹ Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.

Người phụ trách nhà giàn DK1/15 nói, các anh đứng đây nơi đầu sóng ngọn gió lúc nào cũng chắc tay súng, lời đáp tình cảm đất liền gửi qua lời ca tiếng hát. Thuyền trưởng tàu kiểm ngư 775: “Hãy vững tin vào chúng tôi”. Anh tâm sự, vợ ở nhà mới sinh cháu thứ hai mà anh chưa kịp về, muốn gửi bài hát Nắng vẫn còn xuân tới những người anh thương yêu.

Gần hai giờ đồng hồ gửi trao tiếng hát đầy tình cảm và ngẫu hứng, lính đảo đâu chỉ yêu những ca khúc về các anh. Họ thèm nghe một điệu dân ca quan họ Bắc Ninh Khách đến chơi nhà, Người ở đừng về, khi khác một làn điệu cải lương Bâng khuâng Trường Sa. Có nhà báo cũng ngẫu hứng bài dân ca Bình Trị Thiên về người mẹ. Phút chia tay mới thực vơi đầy nước mắt. Ánh Quyên cầm bộ đàm ra mạn bên ngoài cabin nói lời chia tay. Dẫn dắt chương trình bình tĩnh bao nhiêu, khi này giọng chị lạc đi trong nước mắt. Mấy chục anh chị em trẻ trên tàu Trường Sa còn hát “với” Quảng Bình quê ta ơi, Xa khơi gửi lại chiến sỹ trước lúc vẫy tay tạm biệt. 

Trên hải trình đoàn công tác thăm chiến sỹ ở nhiều đảo như Song Tử Tây, Sinh tồn, Sơn Ca, Nam Yết… bao giờ phần giao lưu văn nghệ cũng khiến không khí rộn ràng hẳn lên. Thị trấn đảo Trường Sa có hẳn đêm văn nghệ hoành tráng, thủ trưởng đoàn công tác, ông Mai Văn Ninh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lên sân khấu hát tặng chiến sỹ. 

MỚI - NÓNG