Tin & sợ

Tin & sợ
TP - Ngày càng có nhiều người đến xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang xem con rắn mà dân địa phương cho là rắn thần hiển linh, cúng tế rắn. Cán bộ xã giải thích, vận động miết, vẫn không ngăn được làn sóng “du khách tâm linh” đổ về.

> Ngàn người vái một con rắn: Chuẩn bị dựng miếu!
> Hàng ngàn người khấn vái một con rắn

Chủ tịch xã thức trắng nhiều đêm nghĩ cách làm cho dân hiểu. Phòng văn hóa thuê thầy cúng (?!) để giải thích cho dân rằng đến kỳ lột xác nên rắn phải lên bờ, hãy để cho nó trở lại ao. Cũng không được. Họ tin những người già bảo thủ và có sẵn niềm tin về những thứ kỳ bí, như họ.

Truyện ngắn Bóng anh hùng của tác giả Doãn Dũng, được đăng trên báo Văn Nghệ từ năm 2009, đăng trên báo Đại biểu nhân dân (của Văn phòng Quốc hội) năm 2010, đã in thành sách, và mới đây đăng lại trên báo Phú Yên.

Không hiểu sao, một số người, trong đó có nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy và nguyên chủ tịch tỉnh Phú Yên, gửi đơn tố báo tỉnh có vấn đề về chính trị, phản động, đòi xử lý. Ban Tuyên giáo T.Ư đã kịp thời khẳng định truyện không có gì nhạy cảm như mấy cái đơn kia thêu dệt.

Đất nước đang ở tầng văn minh và giá trị văn hóa khác trước. Nhiều người không cập nhật, mà vẫn ôm nỗi sợ hãi cách đây ba mươi năm để áp vào hôm nay, tạo ra những xáo trộn không đáng có và những niềm tin quái dị. Câu chuyện quanh Bóng anh hùng cho thấy, bóng dáng nỗi sợ hãi cũ chưa dễ mất đi.

Báo Tuổi trẻ nêu chuyện ông Thanh ở xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, được một thanh niên ném lại chiếc ví rỗng. Ông liên lạc với chủ chiếc ví, ở xã bên, hẹn gặp và trả lại. Gặp chỗ đông người, chủ chiếc ví la to: “Đồng bọn của quân ăn cắp đây rồi”. Hai công an viên của xã bẻ ngược hai tay ông Thanh, khóa bằng còng số 8. Vợ ông cũng bị khóa tay bằng còng.

Ông Thanh là người gương mẫu, không hề có tiếng xấu trong xã. Tháng 1-2013, ông được bầu chọn là một trong bốn “Người uy tín nhất trong cộng đồng người dân tộc thiểu số của xã Tân Văn”.

Ông đã làm một việc tốt, và qua sự cố đáng xấu hổ, đã được trả lại sự trong sạch. Nhưng câu chuyện cứ ám ảnh mãi. Những người không có mẫu số chung về lòng tốt thường lệch pha nhau trong hành động. Người ít lòng tốt hơn không tin được rằng người khác lại có hành động tốt như vậy. Cho nên, người tốt thường bị nghi kỵ, bị thiệt thòi.

Một xã hội lành mạnh là xã hội làm cho niềm tin, nhất là niềm tin về cái tốt, về người tốt được nhân lên. Phải làm gì đây?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG