Tính thời đại của 'Công lý không gục ngã'

Quan liêm chính Ngô Thì Nhậm trong “Công lý không gục ngã” thành hình tượng chuyên chở niềm tin của con người khi đối diện cái ác. Ảnh: T.Toan.
Quan liêm chính Ngô Thì Nhậm trong “Công lý không gục ngã” thành hình tượng chuyên chở niềm tin của con người khi đối diện cái ác. Ảnh: T.Toan.
TP - Tái hiện không khí xã hội bất ổn thế kỷ 18 ở kinh thành Thăng Long khi chúa Trịnh Sâm sắp chết, ê kíp sáng tạo Công lý không gục ngã nhen lên niềm tin cái ác phải trả giá.

Trước giờ diễn gặp NSND Doãn Hoàng Giang bảo ông kín tiếng, dựng vở mà chẳng ai hay. “Bận quá, bận quá”, là câu cửa miệng của đạo diễn U80 này, vừa xong duyệt vở Công lý không gục ngã tối 17/5 tại Nhà hát Tuổi trẻ, hôm sau đã thấy lịch làm việc tràn ngày bên Nhà hát kịch Hà Nội với vở Bỉ vỏ.

Kịch đề tài lịch sử Công lý không gục ngã là vở đầu tiên đạo diễn Doãn Hoàng Giang hợp tác với nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ. Vở này cũng nối tiếp hy vọng gây tiếng vang của kịch lịch sử 15 năm sau vở Rừng trúc (đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi-Phạm Thị Thành). Giám đốc Trương Nhuận tự hào trong phát biểu khai mạc, coi đây là “cơ duyên rất riêng vì Nhà hát Tuổi trẻ đặt trên con phố mang tên danh sỹ đất Thăng Long Ngô Thì Nhậm”. Ông nói, nhân chuẩn bị một vở diễn lịch sử dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, Nhà hát quyết khắc họa hình tượng danh sỹ họ Ngô.

Vở diễn mở màn bằng cảnh mang đậm phong cách Doãn Hoàng Giang. Nhạc dồn dập, dân tình tao tác vì bóng ma tự xưng “Cậu giời” Đặng Mậu Lân đem quân bắt con gái giữa thanh thiên bạch nhật. Chưa chi đạo diễn gây sốc bằng cảnh Mậu Lân sai lính căng màn giữa phố để cưỡng ép gái nhà lành, gặp khi bị chống cự thì cắt tai, cắt ngực. Vài chi tiết phần nào tái hiện thời thế náo loạn ở Thăng Long trước sự kiện kiêu binh nổi loạn. Vở diễn có lớp lang, tạo được tính hấp dẫn nhưng đạo diễn hơi tham khi để nhiều cảnh đông đảo diễn viên quần chúng, kéo dài thời lượng.

Vở diễn lấy nhiều tình tiết có thật trong lịch sử như việc hai phe cánh Trịnh Tông-Trịnh Cán hằm hè tranh giành quyền lực, đại diện một bên là Quốc mẫu, phe còn lại là Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Công lý không gục ngã phần khác tập trung bồi đắp để một danh sỹ Ngô Thì Nhậm dám đương đầu với cái ác, cường quyền  khi nhận lời khép tội chết Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ.

Mặc dù trong sử ghi Mậu Lân bị đày ải, sau chết trong ngục, nhưng ở phim Đêm hội Long Trì của đạo diễn Hải Ninh, kẻ gây tội ác và đau thương cho dân lành chết dưới lưỡi gươm của tướng Nguyễn Mại. Trong vở diễn này, hình tượng Ngô Thì Nhậm được đẩy cao, trở thành anh hùng dám thực thi pháp luật, thẳng tay trừng trị kẻ ác để xoa dịu nỗi đau dân nghèo, và để nuôi dưỡng niềm tin “công lý phải được thực thi”.

“Cái hay của vở là công lý được thực hiện trong tay một danh sỹ Thăng Long, một kẻ sĩ Bắc Hà chứ không phải thông qua vị tướng hay thế lực mạnh mẽ nào khác. Giống như bây giờ, ê kíp muốn đánh thức tầng lớp trí thức có tiếng nói, tạo được sức nặng trong thời kỳ hiện đại để giúp cho người cầm cân nảy mực có cái nhìn sâu sắc về công lý, bảo vệ người dân”, NSƯT  Bùi Như Lai nói.

Như Lai thủ vai quan Thị lang Ngô Thì Nhậm, có phút xuất thần ở cảnh cười mà rằng “lễ vật che cả mặt Nhậm tôi” rồi xô đổ cả mâm lễ vật bạc vàng mà Tuyên phi đem hối lộ. Xong đêm tổng duyệt, anh nói thật trong suốt quá trình tập vở, anh cũng thắp hương khấn cụ Ngô để lấy tinh thần. Dàn diễn viên cũng có những nghệ sỹ cứng của nhà hát như Minh Hằng (Quốc mẫu), Sỹ Tiến (chúa Trịnh Sâm). Thêm một chút nhấn nhá thú vị khi đạo diễn đưa kịch hình thể vào vở diễn - qua nhân vật tên Mơ, nạn nhân của Mậu Lân.

Bảo Thanh, diễn viên được giao vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ dù diễn còn lên gân và kém tiết chế, nhưng cũng đáng khen cho diễn viên ngoài 20 tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm. Nhân vật này cũng được tác giả kịch bản Lê Chí Trung tạo nhiều tình huống thể hiện tâm trạng, tính cách. Không chỉ cái nhìn phiến diện một người đàn bà ghê gớm, thao túng cả Phủ chúa, mà có lúc khán giả thấy ở Thị Huệ một người phụ nữ mềm yếu,
tình cảm.

Hỏi giám đốc Trương Nhuận về ý kiến đánh giá của hội đồng thẩm định sau đêm tổng duyệt, “nhìn chung tổng thể ổn”. “Đôi chỗ về tình huống, ngôn ngữ cần chỉnh sửa sao cho có giá trị chân thực nhưng phải có cả yếu tố đảm bảo góc độ lịch sử”, ông Nhuận nói. Một vở diễn lịch sử nhưng đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng đưa vào khá nhiều ngôn ngữ đời sống, đôi chỗ hơi sống sượng.

Dù ngôn ngữ khá nhiều hơi thở hiện đại, nhưng cách đạo diễn để nhân vật Ngô Thì Nhậm lập ngôn về công lý lại hơi sáo, lặp đi lặp lại: Công lý sẽ không gục ngã vì tiền bạc hay quyền lực. Công lý phải được thực hiện để lau khô những giọt nước mắt trên gương mặt những người dân lành. Dân lành trông cậy vào pháp luật và công lý. Vậy mà công lý cúi đầu thì dân lành biết trông cậy vào đâu.

Có thể đó là ý đồ của đạo diễn, nhưng ý tại ngôn ngoại, đâu cần thiết phải nói nhiều.

Công lý không gục ngã được đầu tư gần 1 tỷ đồng, cùng với Biến dạngSống tử tế đại diện Nhà hát Tuổi trẻ dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Sau đêm tổng duyệt, nghệ sỹ nhà hát tiếp tục diễn tại 11 Ngô Thì Nhậm tối 24/5, tối 27/5 tại Nhà hát Lớn. 

MỚI - NÓNG