Trần Dần, đôi nét...

Trần Dần, đôi nét...
TP - Trần Dần ngồi trong một góc nhà thiếu ánh sáng, chỉ vài mét là đường phố, mà ngỡ như ông đã tạo một thế giới riêng cho ông, thế giới của trầm tư, trầm cảm…
Trần Dần, đôi nét... ảnh 1
Nhà thơ Trần Dần, năm 28 tuổi. Ảnh: TL gia đình

Đầu giai đoạn Đổi Mới văn học, tôi được chuyển từ báo Độc Lập sang làm biên tập thơ cho NXB Hội Nhà văn. Công việc mới buộc tôi phải đối mặt với những sự việc đang được công luận quan tâm.

Thí dụ: Xuất bản những ấn phẩm của các tác giả lâu năm bị “treo bút”. Ngoài việc chính của NXB, tôi còn làm cộng tác viên biên tập cho tạp chí Tác Phẩm Mới…

Tôi được cử đi lấy bài. Hà Nội lúc ấy thật nhỏ! Gặp Trần Dần, Văn Cao, tôi chỉ cần đi bộ vài trăm mét khỏi cơ quan xuất bản. Trần Dần ở một con phố nhỏ ngay sau NXB.

Trần Dần ngồi trong một góc nhà thiếu ánh sáng, chỉ vài mét là đường phố, mà ngỡ như ông đã tạo một thế giới riêng cho ông, thế giới của trầm tư, trầm cảm…Ấn tượng đầu tiên với tôi là có cái gì rất đồng nhất, hài hòa giữa tâm trạng, tính khí ông và thơ ông với góc nhà này!

Ông ngồi đó hầu như bất động từ bao năm với gương mặt râu ria, không cởi mở, thậm chí không nhếch một nét cười khi biết mục đích tôi đến tìm ông…

Sau tôi mới biết, ở bên trong sự trơ lì đó là những dòng nham thạch sục sôi của sáng tạo. Kể cả khi có điều kiện đi dã ngoại như chuyến đi Huế với Phùng Quán mà Ngô Minh đã ghi lại: “Sáng ngày 11/5/1988, tôi đến khách sạn hầu chuyện ông, ông vẫn ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao ông không đi chơi đâu đó với anh Quán.

Ông nói: Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn  ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là  cách đi của mình”. (Ba buổi sáng với Trần Dần).

Có lẽ từ dáng ngồi này, mà xuất hiện huyền thoại: Khi ông mất đi, trên bức tường góc nhà như vẫn còn bóng ông ngồi đó! Để Trịnh Thanh  Sơn có được  câu thơ  xuất thần: Bao năm tháng thân chìm vào bóng – Thân về trời bóng vẫn ngồi im.

Trước khi đưa thơ cho tôi đọc bằng mắt, ông có đọc vài câu thơ xen trong câu chuyện, có hai câu làm tôi giật mình: Tôi tiếc những chân trời  không có người bay- Lại tiếc những người bay không có chân trời!

Trời ơi! Mấy chục năm ở trong bóng tối mà ông viết toàn những câu như vậy thì thật “ghê gớm”! Nhưng khi đọc bằng mắt cả loạt bài thì không phải vậy. Nhiều bài diễn đạt hơi rối, khúc mắc.

Đó là theo cách nhìn hồi ấy của tôi: (thơ cần có ý tưởng và cách diễn đạt có thể đa nghĩa mà vẫn trong sáng), còn với ông: “ Làm thơ là làm con chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa, sẽ được nhiều nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa, rồi mới mượn chữ để diễn đạt nghĩa thì nghĩa sẽ hẹp. Cái chưa biết mới là cái thăm thẳm, cái chưa biết mới là cái mới. Nguyễn Du vừa làm chữ vừa làm nghĩa.

Ví dụ câu “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” là làm nghĩa. Còn câu “Mai sau dù có bao giờ” là làm chữ, câu thơ toàn những hư tự mà lại đa nghĩa, đa cảm!...( Ngô Minh ghi lại trong bài trên).

Sau khi đắn đo, không phải với quan niệm riêng của tôi, mà bằng cả tình hình in ấn lúc đó, thấy bài đưa in dễ nhất lại là một chương trong trường ca Việt Bắc viết năm 1957. Thôi thì “đầu đi đuôi lọt”, hãy cứ để ông  tái xuất giang hồ thuận lợi đã!

Ở trường ca này, giọng thơ ông rất sảng khoái, sung sức, có những liên tưởng, so sánh thật mới mẻ:

Một đống tết xa nhà đã rỉ han lên

...............

Hãy sống như những con tầuphải lòng muôn hải lý

Mỗi ngày bỏ sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn

Cùng với Cổng tỉnh (thơ-tiểu thuyết) in sau đó, cũng viết năm 1959 (được tặng thưởng Hội Nhà văn 1995), tôi cảm thấy ông và Nhà thơ Hữu Loan có nhiều nét giống nhau: rất cực đoan trong đời sống và cá tính sáng tạo.

Lúc đó, tôi chưa được tiếp xúc với kho “bản thảo nằm” như cách ông gọi, mà sau này, khi tìm hiểu để đóng góp mục từ Trần Dần trong Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế Giới 10/2004) tôi mới được biết, chỉ kể sơ sơ không đầy đủ: Đêm núm sen (tiểu thuyết, 1961), Mùa sạch thơ, 1964 (NXB Hội Nhà văn 1988), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964), Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết, 1965), Con trắng (thơ hồi ký, 1967), 177 cảnh(hùng ca lụa, 1968), Động đất tâm thần (nhật ký- thơ 1974), Thơ không lời, mây không lời (thơ-họa, 1978), 36-Thở dài- Tư mã dâng sao (thơ bộ tam)…

Còn đây là những dòng về nhân thân nhà thơ, bạn có thể đọc được trong cuốn Từ điển văn học nói trên:

Trần Dần (23.8.1926 – 7.1.1997) Nhà văn Việt Nam, tên thật là Trần Văn Dần, nguyên quán tp Nam Định.Ông thân sinh là một viên chức kho bạc Nam Định. Học qua bậc Thành chung ở Nam Định rồi lên Hà Nội học. Đậu tú tài Triết ở Hà Nội. 1946, cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng Dạ đài. Viết: Về nẻo thanh tuyền (NXB Hội Nhà văn in lại trong tập Thơ Mới 1932-1945, 1999).

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi ở Sở Tuyên truyền Khu IV. 1948, vào bộ đội, ở Ban chính trị Trung đoàn 148, làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch, sau làm báo ở mặt trận Tây Bắc và phụ trách văn công Trung đoàn Sơn La.

Tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên- nhóm Sông Đà, bắt đầu làm thơ leo thang và vẽ tranh lập thể, bị chê là khó hiểu. 1954 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hào hứng viết truyện dài Người người lớp lớp, được NXB Quân đội nhân dân in trong cùng năm.

Chiến dịch kết thúc, được cử sang Trung Quốc viết thuyết minh phim Chiến thắng Điện Biên Phủ. Viết Anh đã thấy, Tiếng trống tương lai in ở tạp chí Văn Nghệ quân đội 1954. 1955, phê bình tập thơ Việt Bắc, viết bài thơ Nhất định thắng, bị phê phán gay gắt... 1959-60, viết Sắc lệnh 59, Con tàu xã hội (thơ) và Cổng tỉnh (thơ-tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 1994).

Từ 1961, kiếm sống bằng nghề tô màu ảnh và cũng dùng chất liệu này để tiếp tục vẽ tranh. Sau khi ông qua đời, Mai Gallery (Hà Nội) đã tưởng niệm nhà thơ bằng một triển lãm thân hữu, giới thiệu một khía cạnh còn ít được biết đến: 40 tranh khổ nhỏ chọn lọc của ông - một hình thức biểu đạt khác của thơ, tiếp cận lập thể, siêu thực và trừu tượng làm giới xem tranh thật sự ngạc nhiên, khi biết những tranh ông vẽ vào những năm 60 là thời điểm mà những thông tin nghệ thuật thế giới đến Việt Nam còn rất hạn chế…

Vào cuối năm 1989, bước vào giai đoạn tác giả có thể bỏ tiền tự in, tự phát hành với sự cấp giấy phép của Nhà xuất bản, thì nhà thơ Trần Dần mang bản thảo đến NXB Hội Nhà văn: tập trường ca Bài ca Việt Bắc. 

Là người biên tập thơ, tôi được NXB giao đọc để có ý kiến thẩm định. Bài ca Việt Bắc lúc đó gồm 13 chương. Tôi đọc kỹ: Hơi thơ và các câu thơ đều nhất khí một một mạch viết khỏe khoắn, mới mẻ. Về hình thức, lối thơ leo thang, người ta có thể liên hệ đến thơ Maiacôpxky, nhưng về ý tưởng sáng tạo trong câu chữ thì chỉ Trần Dần mới viết  như vậy!

Việt Bắc

Cho ta vay địa thế

Vay từ bó củi nắm tên

... Quả đất lớn

Tâm địa nhỏ

Nó chi li từng hạnh phúc đơn sơ...…

Tâm đắc với những câu thơ như thế, tôi nóng muốn tạo điều kiện cho ra mắt bạn đọc được sớm (mà còn sớm gì nữa sau ba thập kỷ!).

Nhưng đọc đến chương 12, tôi bỗng giật mình: Đó là toàn bộ bài thơ.     

Nhất định thắng !

Tác phẩm đầu tiên được in, lại in đúng tác phẩm bị phê phán kịch liệt một thời, ai dám duyệt! Khác nào sau thời gian giận dỗi, người con trở về nhà đã thay câu chào bằng câu trách “Mẹ mắng con là mẹ sai!”.

Nếu tôi cứ tắc trách đưa duyệt, tập trường ca này không ra mắt được  thì chỉ thiệt thòi cho tác giả, cho độc giả và nền văn học kháng chiến. Tiếc một cây có thể bỏ phí một cánh rừng!

Anh Trần Dần vốn là người ít giao tiếp, không hiểu cặn kẽ sắc thái tinh tế của những mối quan hệ xã hội chính trị trong từng giai đoạn, mình phải để anh thấy rõ…Nghĩ vậy, tôi bèn gặp nhà thơ, phân tích rõ, và đề xuất anh nên để lại chương đó, sẽ in vào một thời điểm thuận lợi hơn và đánh số lại các chương như không có gì xẩy ra.

Tôi thêm:”Nếu anh không đồng ý, ngày mai tôi sẽ đưa duyệt nguyên vẹn, rồi chờ ý kiến Tổng biên tập!”. Khuôn  mặt râu ria của Trần Dần càng thêm tối lại, ông hẹn ngày mai sẽ trả lời.

Hôm sau, nhà thơ chống ba toong lên gác nhà xuất bản, ông nói: ”Thôi được! Anh sát tình hình hơn tôi, anh cứ bỏ chương đó ra!”. Tôi biết ông không vui, nhưng không biết ông có hiểu sự chân thành của tôi? Sau đó tôi trình bày diễn biến với Tổng biên tập Vũ Tú Nam, anh Nam rất tán thành cách giải quyết của tôi.

Khi tác phẩm in xong, tôi nhận được cuốn đầu tiên từ tác giả gửi tặng với dòng chữ đề:   

Gửi Vân Long

Người biên tập lại “Đi! Đây Việt Bắc!”

thông minh và công phu!

song tôi vẫn phản đối mọi kiểm duyệt

Tôi đòi sự công bằng trong sáng của texte intégral.

Trần Dần

(texte intégral: nguyên bản toàn vẹn. Ở đây tác giả vẫn gọi trường ca theo tên cũ: Đi! Đây Việt Bắc!).

Đọc dòng đề tặng, tôi đâm suy nghĩ: Vậy là cụ vẫn còn hận mình? Mình là quân tốt đen xưa nay, vô hình chung bị mang tiếng là người kiểm duyệt? Dù được khen là thông minh và công phu nhưng sao dấu chấm than lại đậm như dấu hỏi bị chữa lại? Cụ khen mỉa chăng?

Tôi ghé sang nhà tác giả hỏi lại ông. Nhà thơ chậm rãi:”Lúc đầu, tôi có bực mình. Nhưng sau thì thấy anh đúng, chân tình với tôi! Mấy câu đề tặng là tôi khen thật! Còn người viết bao giờ chả muốn texte intégral!”.

Nghe câu nói đó, tôi mới thật yên lòng! Về phía ông, sau khi Cổng tỉnh.  

được tặng thưởng, hẳn đã thấy thêm về sự công bằng đang được lập lại.  

Và bây giờ là Giải thưởng Nhà nước…

MỚI - NÓNG