Trần Văn Xâm: Đưa nhị vào Jazz rồi ra đường

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Từ lúc khai trương phố đi bộ ở Hà Nội, mỗi dịp cuối tuần nhóm “Nét nhị cầm” của nghệ sĩ Trần Văn Xâm diễn đều đặn 5 ca. Tiếng đàn nhị vang lên ở đâu, đám đông tụ lại ở đó. Trần Văn Xâm cho rằng “chính phố cổ đã phát hiện ra nhóm “Nét nhị cầm”, tại nơi này cây đàn nhị mới thực sự được tôn vinh. Từ phố đi bộ lên facebook, người trẻ yêu đàn nhị tăng vọt. Học sinh thi nhạc viện vào bộ môn nhị cũng đông khác thường.

Mỗi ca diễn, nghệ sĩ chơi khoảng 30 bài, giữa tiết trời xuân mát mẻ, chiếc áo Xâm mặc ướt đẫm mồ hôi. “Trước đám đông khán giả, tôi chơi nhạc như lên đồng ấy, chẳng thấy mệt bao giờ”. Khán giả của Xâm là du khách trong và ngoài nước. Là người dân sống ở phố cổ, có những người tuần nào cũng ra nghe Xâm kéo đàn và lần nào cũng thả tiền vào thùng. “Nét nhị cầm” có thể là ban nhạc đường phố được khán giả yêu quí và thả tiền nhiều nhất Việt Nam.

Siêu sao phố đi bộ

Có hai khán giả mà Xâm thấy cảm kích khi nhớ lại. Nguyên phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đi cùng mấy người bạn và dừng lại nghe nhạc khá lâu, đích thân ông thả tiền vào hộp. Một khán giả làm nghề ve chai thường xuyên ghé nghe nhạc tới cả giờ đồng hồ. Lần nào cũng vậy, với bao tải vỏ chai cồng kềnh trên vai, anh ấy tiến đến thả tiền trước khi rời đi.

Cách đây khoảng 4 năm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội mời nhóm nhạc của Xâm đến diễn ở khu vực phía trong phố cũ. Xâm và các học trò băn khoăn “đánh đàn giữa đường giữa chợ ngại nhỉ!?”. Nhóm được động viên “ở các nước nghệ sĩ nổi tiếng cũng diễn trên phố” và dù có khách hay không họ vẫn được trả thù lao. Ngay tối diễn đầu tiên đã đông nghịt khách, nhìn vào thùng giấy thấy bao nhiêu tiền, thầy trò nhị cầm ngạc nhiên “không ngờ đàn dân tộc được yêu quí thế”. Từ tháng 9/2016, phố đi bộ chính thức hoạt động, “Nét nhị cầm” trở thành linh hồn của không gian hồ Gươm cuối tuần.

Khán giả không chỉ mê tiếng đàn mà khoái ngắm thần thái của anh lúc chơi đàn. Hình thể du dương, vẻ mặt ngây ngất bay bay theo tiếng đàn. Hỏi Xâm “thần thái đó có từ khi nào?”, anh cho rằng mình chịu ảnh hưởng và ngưỡng mộ cách biểu cảm của người thầy Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thế Dân. Xâm hình thành phong thái riêng từ năm 15-16 tuổi.

Giai đoạn diễn tại các quán cà phê sinh viên giúp nghệ sĩ trẻ thăng hoa hơn với phong cách pop. Đa số khán giả sinh viên trước đó nghĩ đàn nhị chỉ đánh trong đám ma. Họ lạ lẫm và thích thú khi nghe Xâm chơi nhị “không ngờ nó hay đến thế”.

Trần Văn Xâm: Đưa nhị vào Jazz rồi ra đường ảnh 1

Trần Văn Xâm cùng các học trò diễn trên phố đi bộ.

Năm 2005, gia nhập ban nhạc Jazz, chỉ có mình Xâm chơi nhị giữa dàn nhạc mới. Vào ban nhạc “Phương Bắc”, Xâm và bạn bè cùng trường muốn thử sức phong cách chơi nhạc mới. “Phương Bắc” được giải top 6 đĩa vàng tại Giải thưởng bình chọn âm nhạc năm 2005.

Những bản như “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Nổi lửa lên em” với hiệu ứng pizz (búng dây) khiến cho khán giả cả ta lẫn tây đều nhún nhảy. Nhiều bản nhạc quốc tế, Xâm tự phối lại để hợp với đàn nhị gắn với tên tuổi của anh trên mọi nẻo đường lưu diễn. “Tại hơn 30 mươi nước tôi chơi nhị, không có sự khác nhau giữa phản ứng của khán giả nước văn minh hay nước chậm phát triển”. Sau buổi diễn, nhiều người lên sân khấu để nhìn kỹ cây đàn. Họ thắc mắc “Sao trông nó đơn giản, chỉ có hai dây mà có âm thanh kỳ diệu thế. Nghe còn hay hơn cả violon”.

Không chỉ khán giả mà những nghệ sĩ từng có dịp cộng tác hoặc nghe Xâm chơi đàn, một lần thôi đã trở thành người hâm mộ. Nghệ sĩ violin đương đại Hoàng Rob từng mời Xâm diễn song tấu bản “Đối thoại” (nhạc sĩ Dương Khắc Hưng). Tiết mục trở thành điểm sáng ấn tượng trong liveshow “Hừng đông” của Hoàng Rob. Sau đó Hoàng trở thành fan của Xâm. Theo Hoàng, "không phải nghệ sĩ đàn nhị nào cũng làm được như anh Xâm khi đưa tiếng đàn nhị đến với số đông khán giả, bỏ đi cái mác "nỉ non, sầu bi" vốn  gắn liền với cây đàn này. Ở sân khấu cấp độ nào anh Xâm cũng là ngôi sao”.

Ca sĩ Tuấn Hưng mới đây đi dạo hồ Gươm, nghe Xâm chơi nhị mê luôn. Nhờ quản lý liên lạc mời Xâm diễn cùng show, lần đầu Tuấn Hưng giới thiệu còn nhớ sai tên họ của Xâm. Nhưng liên tục sau đó ca sĩ gọi Xâm đi diễn, bày tỏ sự hâm mộ đặc biệt. Có lần Tuấn Hưng mời Xâm đến diễn chiêu đãi riêng cho sáu người bạn thân để cả hội biết nhị cầm tuyệt diệu thế nào. Ca sĩ đàn anh liên tục đăng clip Xâm chơi đàn lên facebook, với những dòng cảm thán “Cảm thấy mình nhỏ bé”, “Quá yêu!”…

Trần Văn Xâm: Đưa nhị vào Jazz rồi ra đường ảnh 2

Nghệ sĩ Trần Văn Xâm.

Đột biến học nhị

Sau khi tốt nghệp đại học, Trần Văn Xâm xin ở lại Nhạc viện giảng dạy. Trước năm 2016, mỗi năm chỉ có 2-3 học sinh nhập học đàn nhị. Từ năm ngoái, đột biến có tận 17 em đỗ vào. Năm nay, tới tháng 9 mới biết nhưng qua lượng học sinh xin luyện thi con số có vẻ khả quan tương đương.

Trong khoa Nhạc dân tộc, nhị đang khởi sắc nhất với gần 70 học sinh. Rất nhiều bộ môn có số học sinh thi vào ít hơn cả giảng viên như kèn, tam thập lục, cello…Thế nên sĩ tử nhị cầm giống như đối tượng cần được nâng niu, bảo vệ.

Từ lúc Trần Văn Xâm và nhóm của anh trình diễn phố đi bộ, lượng bạn bè theo dõi facebook của anh tăng nhanh.  Mỗi ngày anh nhận được hàng chục tin nhắn từ khán giả. Có người hỏi về lịch diễn, có người tò mò về đàn nhị. Nhiều phụ huynh hỏi cách thức nhập môn nhị cầm nhạc viện.

Hiện tại Xâm có 20 học sinh và cuối tuần nào thầy trò anh cũng có mặt ở hồ Gươm. Xâm muốn luyện cho các em cách trình diễn trên sân khấu. Hiệu ứng khán giả khiến các em hào hứng tập luyện hơn hẳn. Mỗi ngày tập say sưa 4 tiếng. Thầy Xâm hướng cho các em chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc khác như đàn tứ, đàn nguyệt, tranh. Thầy kỳ vọng, các em học cả trống, guitar để sau này mỗi người đều chơi được các vị trí và phong cách khác nhau trong ban nhạc. Nỗi trăn trở thường trực của thầy giáo là làm thế nào để các học trò mình sau này có thể kiếm sống bằng nghề. “Dạy và diễn vui như nhau, nếu chỉ lao vào diễn chạy sô thì hết đời mình là hết, đàn nhị lại nhạt nhòa”.

Bảy ngày trong tuần Xâm dành hết cho nhị cầm. Ban ngày dạy học 2 ca, tối thỉnh thoảng chạy sô, còn 3 ngày cuối tuần cống hiến trọn vẹn cho phố đi bộ. Xâm chỉ dám nhận lời lịch diễn nước ngoài trong 1 tuần, nếu đi lâu hơn anh lo học trò bơ vơ. Ngoài công việc bầu sô cho nhóm, đánh solo, Xâm còn lo mua sắm trang phục, chữa đàn, nối ác-xê trong các buổi diễn cho các em. “Trong 2 phút phải nối thật nhanh để mọi người diễn tiếp”.

Hỏi “Xâm có mong ước gì cao hơn lịch dạy và diễn đều như máy hiện nay?”. Trả lời: “Tôi mong mỏi nhiều người Việt và cả bạn bè quốc tế biết đến cây đàn nhị hơn nữa. Nhiều người vẫn tưởng đàn nhị là đàn bầu đảo chiều dọc”. “Có khán giả đứng xem tôi đàn 2 tiếng, cầm điện thoại quay không biết mỏi tay. Cuối buổi anh ấy chạy đến hỏi “anh ơi đây là đàn gì đấy?” . Tôi buồn quá”.

“Dạy và diễn vui như nhau, nếu chỉ lao vào diễn chạy sô thì hết đời mình là hết, đàn nhị lại nhạt nhòa”.

Nghệ sĩ Trần Văn Xâm

Trộm vía

Thừa hưởng năng khiếu nhạc từ cha là nghệ nhân đàn nhị Trần Đức Chinh, cậu bé 7 tuổi quê ở Tứ Kỳ (Hải Dương) Trần Văn Xâm đã lên học sơ cấp Nhạc viện Hà Nội. Quãng đời học và chơi đàn nhị của Xâm khá phẳng lặng, “ngần ấy năm học cứ điểm 10 suốt, chẳng có sự kiện đặc biệt nào”. Trừ một lần vào năm lớp 11, Xâm suýt bị đúp vì mải tập đàn nên sao nhãng môn học văn hóa.

Cách ăn mặc, trò chuyện của Xâm mộc như đàn nhị. Anh đơn giản hóa mọi thăng trầm đến với một nghệ sĩ đàn dân tộc. Khi kể đến tình tiết đáng tự hào nào đó anh luôn gắn kèm từ “trộm vía”. “Trộm vía đàn nhị ra phố cổ hôm nào là đông khách hôm ấy”; “Bộ môn nhị giờ có tới 60-70 học sinh rồi, trộm vía”.

Thời sinh viên, mỗi tuần Xâm đi diễn nhà hàng, khách sạn 2 tối. Vào khoảng năm 2000, cát sê 60 nghìn mỗi buổi khá dư dả với sinh viên. Sau vài năm, thù lao diễn nâng dần lên 80, rồi 100 nghìn. Có nhiều nhạc công thấy tủi hờn khi nhớ lại thời chầu chực đánh nhà hàng với tiền công rẻ mạt, “kéo đàn hầu người ta ăn nhậu”, Xâm lại thấy bình thường. “Thượng vàng hạ cám” kiểu gì cũng đánh được, miễn là người nghe thấy hay. Tới giờ, dù đã được biết đến như tay đàn nhị pop số 1 VN, Xâm vẫn nhận lời các thể loại sô diễn. “Đánh đón khách, mời trầu, nhà hàng,  sự kiện nhỏ hay của nhãn hàng lớn, tôi đều nhận lời”. Cát sê thông thường từ 1 triệu đến 1,5 triệu. Ở các sự kiện lớn hơn tính cả thù lao phối và diễn có thể cao  gấp 4-5 lần. Tiền thu được mỗi buổi diễn ở hồ Gươm khá nhiều nhưng trang trải cho trang âm và đông thành viên nên chia ra không được nhiều. “Cát sê không quan trọng bằng lòng nhiệt tình của khán giả”.

Đồ nghề của anh  hiện vẫn là cây đàn mua 500 nghìn từ 17 năm trước. Trong lứa các nghệ sĩ chơi nhạc nổi tiếng, nhạc cụ của Xâm nhị có lẽ đạt kỷ lục về giá rẻ. Cùng nó Xâm đã đoạt giải nhì cuộc thi Đàn nhị quốc tế (Thượng Hải) 2012. Nhờ nó mà tôi mua được xe máy, nhà tập thể và sắp tới tôi chuyển đổi được sang nhà mặt đất rồi. “Mua nhà xong cuối năm tôi cưới vợ”. Anh tiết lộ bà xã tương lai làm kế toán, “tôi không dám lấy người cùng nghề vì cả hai vợ chồng mà đi diễn suốt thế thì ai trông con”.

MỚI - NÓNG