Trần Xuân Hòa: Lên sân khấu máu chảy vận tốc khác

Tranh: Nguyễn Văn Hổ
Tranh: Nguyễn Văn Hổ
TP - Ngoại hình của Hòa “gõ” giống dân chơi rock, khán giả yếu tim còn nhận xét: trông dữ dữ! Chính chủ lại bảo: trên sân khấu điên bao nhiêu, ngoài đời lành bấy nhiêu!

Sợi tóc cũng chơi trống

Hòa là người có duyên sân khấu. Giống như Lê Khanh bên kịch, mọi người hay đùa: Lê Khanh chỉ đứng im, sân khấu cũng đã sáng bừng!

Hòa bắt đầu bén duyên với bộ gõ từ năm 1997 và năm 2010 bung ra làm những chương trình riêng vì trong từng ấy năm đã nhận định bộ gõ rất phong phú từ màu sắc âm thanh đến chất liệu không chỉ cuốn hút về phần thính giác mà cả về thị giác người xem. Bộ gõ hoàn toàn có thể diễn độc lập như bao nhạc cụ khác.

Kể từ năm 2010 đến nay, bộ gõ gần như đã thành thương hiệu cá nhân của Hòa, vô số dự án âm nhạc dân gian và đương đại mời anh cộng tác. Có lần, người của L’espace (Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội) bảo: thích mời Hòa bởi ngoài chuyên môn, còn có khả năng khuấy động sân khấu. Cảm thấy, cứ lên sân khấu máu của cậu ấy sẽ chảy theo một vận tốc khác.

Trong chương trình “Gió” của Phó An My hồi cuối năm ngoái, nhiều khán giả hỏi đích danh: người xõa tóc chơi trống tên gì? Trong “Gió” My xuất sắc 10, Hòa phải được 9,5 dù chỉ đóng nam phụ. Hai người ăn ý toàn diện ở những cao trào, góp phần không nhỏ làm nên những kịch tính liên tục trong suốt sáu mươi phút. Đến lúc cả đội ra chào khán giả, có người vẫn ngơ ngác: hết rồi à?

Hòa bảo, niềm hân hoan lớn nhất cuộc đời là được biểu diễn trên sân khấu. Hân hoan đến mức chưa từng cảm thấy run khi đứng trước cả khán phòng chật kín người, ngay cả khi mới ra nghề. Dù hôm trước ốm, dù chuyện riêng quấn thân, cứ ra khỏi cánh gà là năng lượng tiến vào trạng thái “cực thịnh”. Nhìn Hòa trên sân khấu, cảm giác từng đầu sợi tóc của anh cũng chơi nhạc.

Một đồng nghiệp của tôi, có lần thử Hòa: đưa ra một mớ nguyên liệu không thể thường hơn: chìa khóa xe, thìa và cốc cà phê… xong yêu cầu người được tung hô là “bộ gõ ma thuật” trổ tài. Hòa chỉ dùng chừng đó thứ, cộng với tiếng vỗ tay, tạo ra một chuỗi giai điệu khiến chân tay người ra muốn nhún nhảy. Sau một đàn anh của Hòa bảo: thách “nó” thế là thừa, vì giờ nó đã đến level có thể sáng tác nhạc cho riêng bộ gõ!

Phải sáng tác vì đi xin người ta không cho, mua thì đắt

Năm 2010, Hòa cùng ba người bạn thành lập Go Group, nhóm nhạc bộ gõ độc lập đầu tiên ở Việt Nam. Những người am hiểu về âm nhạc đều biết, trong một dàn nhạc, bộ gõ hầu như chỉ đóng vai trò tạo nhịp. Trong giao hưởng, nó có nhiệm vụ tăng kịch tích và tiết tấu cho tác phẩm. Cho nên, khi quyết định tách riêng bộ gõ để biểu diễn solo, Go Group có đủ loại thách thức chờ đợi.

Thế nhưng, ngay trong buổi ra mắt, Go Group đã làm nhiều người “sốc” vì phong cách chơi “độc và dị”. Bốn thành viên của nhóm luân phiên sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ trong đó chủ yếu là Marimba, Xylophone, Vibraphone, Campana, Gran casa, Timpani, thậm chí có cả đe, búa, lon bia, xoong, thùng nhôm... tự tạo.

Một tiết mục đặc biệt của nhóm hay được kể “làm ví dụ” là tác phẩm “Musique de table” của Thierry de Mey, các nghệ sĩ trình diễn chỉ với đôi bàn tay tương tác cùng 3 mảnh gỗ tựa như các mặt bàn. “Âm nhạc cho chiếc bàn” nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, cũng đã đánh thức tiềm năng nghệ sĩ của nhiều người nghe. Fan Bùi Anh Tuấn (33 tuổi, Hà Nội) kể: lần đầu tiên nghe Go Group chơi nhạc chỉ với mấy tấm gỗ mà tạo ra đủ loại cung bậc âm thanh, tôi hiểu ra rằng: âm nhạc có ở khắp mọi nơi, chỉ cần mình biết cách khai thác. Cho nên, sau này khi Trung tâm văn hóa Nhật Bản tổ chức Hà Nội Collective Orchestra tôi đã đăng ký ngay từ đầu. Việc tìm tòi những tổ hợp âm thanh từ các dụng cụ thường nhật như hòn đá, cái chai, hộp xốp, giày cũ, xô, chậu v.v… vừa như một thú tiêu khiển, lại như một thách thức: âm nhạc có muôn nghìn lối, tìm thêm được một lối, khán giả có cơ hội thử thêm một trải nghiệm, vốn liếng âm nhạc giàu thêm một món.

Năm 2011, Go Group được mời sang Mỹ biểu diễn tại ba thành phố thuộc hai bang Utah và Idaho. Có những buổi, khán phòng 1700 chỗ ngồi đều kín khách. Tiếp đó là những chuyến công diễn khắp thế giới. Đi đâu Hòa cũng lân la tìm cách xin tác phẩm dành riêng cho bộ gõ của các đồng nghiệp nước ngoài. Xin không được thì hỏi han, gạ mua với giá rẻ. Âm nhạc của Go Group kén khán giả, việc bỏ tiền ra mua tác phẩm về biểu diễn gần như là không tưởng. Bí quá, nhóm động viên nhau cùng sáng tác. Cho nên, về sau trên sân khấu mới có thêm những “Drum and grian”, “The train”...

Chọn lại vẫn chọn nghề này!

Trần Xuân Hòa sinh năm 1980 tại Nam Định. 17 tuổi, trai tỉnh lẻ lên Nhạc viện học, chỉ thích guitar vì trông nghệ sĩ nhưng lại được thầy chọn vào khoa trống. Sáu năm sau tốt nghiệp nhận mức lương vài trăm ngàn là quãng thời gian anh thấy chơi vơi nhất. Cũng bởi vì không bỏ được sức hút của sân khấu nên vẫn kẽo kẹt với nghề.

Trần Xuân Hòa: Lên sân khấu máu chảy vận tốc khác ảnh 1

Điên khi chơi cùng Phó An My

Hòa bắt đầu đắt show từ sau khi tham gia Go Group, nhưng đến thời điểm hiện tại, thu nhập vẫn chỉ đủ sống bình bình, không giàu được! Ấy thế nhưng, nếu phải chọn lại nghề, thì quyết vẫn là bộ gõ chứ không thay đổi sang những bộ môn thời thượng hoặc “ra tiền” hơn.

Nhà Hòa có riêng một căn phòng hơn 20 mét chỉ để chứa hàng trăm nhạc cụ bộ gõ. Đa phần do anh tích cóp gom nhặt về, một số tự tạo. Kể riêng là căn phòng cách âm ấy cũng là sản phẩm… tự, cho rẻ!

Hiện Hòa không làm gì khác ngoài chơi nhạc. Có khi ngồi lì phòng thu cả ngày, có khi rong chơi suốt tuần. Thích nhất là cộng tác với những người cùng kênh “điên” như mình: ví dụ Vũ Nhật Tân, Phó An My…

Hầu hết các buổi biểu diễn cá nhân hoặc kết hợp piano thành công nhất của Hòa đều bắt đầu từ ngẫu hứng. Khác với vẻ ngoài bụi bặm, âm nhạc của Hòa “gõ” được chị Vũ Ngọc Trâm (chủ Manzi – một không gian nghệ thuật được đánh giá cao tại Hà Nội) đánh giá là “tinh tế và duyên dáng”.

Để lôi kéo khán giả, sau mỗi buổi diễn, Hòa đều có ý thức mời khán giả lên sân khấu khám phá âm thanh của từng loại nhạc cụ. Anh cho rằng, đây là bước tiếp cận mới dành cho khán giả để họ hiểu và yêu bộ gõ hơn. 

Hỏi Hòa, thành danh đến giờ, biết ơn ai nhất? câu trả lời số một là “các thầy”, câu trả lời số hai là “khán giả”. Bảo rằng: cứ bật đèn lên, thấy bên dưới những người là người là sướng, chứ thực ra cát-xê những buổi “hòa nhạc nghệ thuật” ấy chả đáng là bao.

Dopping của Hòa Suân Chần

Hòa và con gái nhỏ “thân nhau kinh khủng”. Con gái là fan của bố và rất thích khoe bố với các bạn. Hôm nào đi đón con mà nghe bạn con bảo: hôm trước tớ vừa thấy bố cậu trên tivi, con gái đều cảm thấy rất “oai”. Ông bố mặt ngầu luôn nghiêm túc coi niềm vui của con như một động lực để cố gắng đi tiếp. 

Trang cá nhân Hòa Suân Chần (viết “lái và ngọng” từ Trần Xuân Hòa) được chủ nhân giao nhiệm vụ PR chương trình cũng đã làm rất tốt. Những status của Hòa cán mốc nghìn like là thường. Anh chàng tóc dài bảo: hôm nào mình hô hào mọi người đi xem mà thấy lèo tèo vài mống, cũng tủi thân phết!

Hòa để tóc dài đã 13 năm, thỉnh thoảng muốn thay đổi, nhưng lượn ra lượn vào hiệu cắt tóc thể nào cũng vẫn y nguyên, bởi cảm thấy kiểu này hợp với mình nhất.

Những sáng tác mới của Hòa bao giờ cũng được chia sẻ với khán giả vợ đầu tiên. Vợ Hòa cùng nghề, chuyên ngành piano.

Một trong những người Hòa hâm mộ là Phó An My và Nhất Lý. Nể My vì là con gái mà dám đứng ra làm thứ mình cho là đúng, không cần ngồi đợi ai mời hoặc ai tài trợ. Nể Nhất Lý vì các chương trình “Làng tôi” với “À Ố” đều là những thứ “ngon hiếm lạ” đáng để học tập!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.