Trang Thế Hy qua con mắt những người viết trẻ

TP - Sinh thời, cây đại thụ văn học miền Tây Nam bộ là Trang Thế Hy mà mọi người thường gọi với cái tên thân thuộc là chú Tư Sâm có một cuộc sống khá kỳ lạ. 

Suốt đời theo cách mạng, khi về hưu ông bỏ hết ở nơi chốn phù hoa để trở về với cuộc sống người nông dân mà theo ông: “Tôi là nhà văn của nông dân, đóng góp của người nông dân cho đất nước này lớn lắm, không thể coi người nông dân là bạn mà phải coi là người ơn của cách mạng”.

Trang Thế Hy qua con mắt những người viết trẻ ảnh 1

Chân dung Trang Thế Hy qua nét vẽ của họa sỹ Nguyễn Trung.

Về quê, mua mảnh vườn nho nhỏ, ông hòa mình vào cuộc sống của người nông dân để sống như nông dân. Ông chỉ khác người nông dân ở chỗ vẫn đọc, vẫn viết và bên cạnh đó là ông có rất nhiều bạn văn, trong đó có nhiều người trẻ. Như đợt đoàn nhà báo từ Sài Gòn xuống thăm ông hồi ông bước qua tuổi 90, ông tự hào khoe: “Mới hôm rồi con Tư (tức Nguyễn Ngọc Tư) từ Cà Mau đi xe máy lên thăm, nó còn xin  cả bụi chuối hột để về trồng. Con đó viết được lắm”.

Ông Tư Sâm rất quý Nguyễn Ngọc Tư. Tư vẫn hay tới thăm ông, không gọi ông là “chú Tư Sâm” theo cách nhiều người mà chỉ đơn giản là “già Hy”. Khi ông Tư Sâm mất, Nguyễn Ngọc Tư trải lòng: “Trời, già Hy chơi kỳ, sao lại bay lúc nửa đêm, lúc bạn bè ông đang theo đuổi những giấc mộng nhập nhoạng của riêng mình, sao cứ lẳng lặng không thèm e hèm kêu ê nhỏ Tư, ta đi trước à nghen. Hết cơn choáng váng, nghĩ lại đi kiểu vậy mới đúng điệu già Hy, giống y mấy chục năm trước, ông nói “đi chỗ khác chơi” là đi một nước, bỏ chốn eo sèo về vườn nghe bẹ dừa rụng ngó bông cau rơi. Từ chối tới lui chỗ văn giới hội hè, mà ông gọi là “Bẹo hình bẹo dạng”. Cho đến cuối cùng, ông Tư cũng thuyết phục được nhiều bạn đọc, rằng có những nhà văn (ít thôi), chữ là người. Ông cũng giữ đúng giao kèo với tôi, thấy vắng tức là đã đi, khỏi dựa cửa ngó theo, khỏi vẫy tay ngậm ngùi, kiểu mà tôi kêu ớn”. Và Nguyễn Ngọc Tư than: “Chuyến đi này của ông Tư, tôi coi như một người bạn sắp dọn ở chỗ xa chắc lâu lắm mới gặp lại (chắc chắn sẽ gặp lại, tin vậy). Mà chúng tôi cũng đã dặn nhau rồi, không gọi điện nói chuyện, không ghé thăm cũng không có nghĩa là không nhớ tới nhau.?Quy tắc này ứng vô người âm kẻ dương vẫn hợp. Tiếc là tiếc ông viết ít quá, để lại chỉ vài ba cuốn sách, đọc không đã. Mà miền Tây kiếm đâu ra kiểu văn thủy tinh ấy, tồn tại qua nửa thế kỷ vẫn sáng và sang”.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì chia sẻ trên web của mình về sự kỳ lạ trong con người Trang Thế Hy: “Tôi đã từng ngồi trong căn nhà đơn sơ của ông suốt một buổi để tìm cách cắt nghĩa vì sao con người tưởng chừng như khắc khổ ấy lại có thể bật ra nhiều câu chuyện nồng ấm đến vậy. Tôi nhìn dáng đi chậm rãi của ông bước trong vườn rột roạt lá và gió, nhìn bàn tay run run pha trà của ông sau vạt nắng nhập nhoạng mái hiên, nhìn đuôi mắt chất đầy vết nhăn năm tháng của ông lâu lâu nhíu nét cười hóm hỉnh. Và cuối cùng tôi đã bất lực trước ham muốn lý giải cốt cách Trang Thế Hy. Ông như một gốc cổ thụ không xum xuê cành lá, nhưng lộc biếc vẫn rạo rực giữa mùa đông ngỡ trơ trọi và lạnh lẽo tứ bề. Gốc cổ thụ Trang Thế Hy biết cách giấu cho mình một vẻ đẹp lặng lẽ. Nhiều người đã ca ngợi nhà văn Trang Thế Hy bằng những mỹ từ rộn rã. Tôi tin, ông dửng dưng với mọi lời tán tụng dù chân thành hay giao đãi. Ông chỉ dành tâm hồn phiêu lãng trong thế giới của ông, một cái thế giới trầm buồn và khắc khoải. Tôi dám chắc chẳng ai hiểu được cái thế giới của Trang Thế Hy, nếu ông không làm… thơ. Đó cũng là một niềm may mắn cho những người hâm mộ ông”.

Nhà văn Ngô Khắc Tài thì ví ngoài Bắc có nhà văn Kim Lân thì trong Nam có Trang Thế Hy. Trang Thế Hy dù viết ít nhưng những truyện ngắn như Mưa ấm, Về nhà trước cơn mưa, Nợ nước mắt, Người bào chế thuốc giảm đau, Vết thương thứ 13… của Trang Thế Hy sống mãi với thời gian đọc lại vẫn nghe lòng day dứt. Rồi Ngô Khắc Tài tự sự: “Những lần tôi đi thăm ông, thấy rằng ông thường nghe nhiều hơn nói. Ít nói nhưng ngoài đời xảy ra chuyện gì, ai viết gì ông biết hết. Ông đọc rất kỹ các tay viết trẻ mới xuất hiện và chỉ ra ngay điểm mạnh yếu của nó, nghe ông phải tâm phục khẩu phục. Có một lần tôi hỗn hào: Làm nhà văn nổi tiếng mà viết ít như không thấy viết. Ông không trả lời, để rồi khi về tôi được ông cho 2 trái bưởi và nhớ mãi ông nói một câu hiền lành như một công án: Lúc nào cũng viết, không viết đâu có ý nghĩa là không viết hả chú em”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc thì kể: “Ngày về Bến Tre thăm ông, thú thật, lần đầu tiên tôi mới biết nhà văn Trang Thế Hy làm khá nhiều thơ. Điều thú vị nhất, ông khiêm tốn, nhã nhặn không đọc thơ ông như chúng tôi yêu cầu mà ông đọc thơ của Tagore, lại bằng… tiếng Pháp. Thử tưởng tượng một vùng quê nghèo, chiều xế bóng, ríu rít tiếng chim ca, bướm bay thấp thoáng lại nghe ngôn ngữ của Victor Hugo, Lamartine… thì còn gì thú vị hơn? Sinh thời Trang Thế Hy thường ngâm hai câu thơ của Nguyễn Du: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (tạm dịch: Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang). Âu đó cũng là tấm lòng của một “người hiền Nam bộ” vậy”.

Đám tang của Trang Thế Hy khá bình dị, bình dị như cuộc đời của chính ông. Có khác là rất nhiều đoàn khách đến viếng, quan chức có, người nghèo có. Nhưng nhiều nhất vẫn là những nhà văn nhà thơ và cả những người rất trẻ đang tập tành đến với nghề viết. Và một bạn trẻ đã cảm kích: Trang Thế Hy ra đi trong tiếng lá dừa rơi. Lá dừa già thì lá rơi, cuộc đời của mỗi người cũng như chiếc lá dừa, Trang  Thế Hy cũng không thoát khỏi quy luật đó. Có khác đi là ông đã “Đi chỗ khác chơi” như ông đã từng nói.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.