Tranh chế, thế mới là tranh?

Một số loại tranh chế
Một số loại tranh chế
TP - Tranh chế nằm bên rìa hội họa, gần với biếm họa, mang ý nghĩa giải trí là chính và là niềm yêu thích của nhiều bạn trẻ bây giờ.

Đã chế phải cho người ta nể

“Một khi Nô (Nôbita) đã chém gió thì chó ngưng sủa, người phải bó tay, chim phải khen hay, mèo phải say mà trực thăng đang bay thì bỗng dưng chết máy” (Nguồn http://doremonche.com). Đi kèm với lời bình này là hình ảnh minh họa được tách ra bộ truyện tranh nổi tiếng Đôrêmon (Nhật Bản). Cái khéo của người chế ở chỗ kết hợp lời bình thú vị theo kiểu văn vần với cảnh tranh phù hợp, gây cười.

Chế Đôrêmon và đọc Đôrêmon chế từ lâu đã trở thành thú vui trong đông đảo bạn trẻ. Đôrêmon thông minh, Nôbita hậu đậu, Xuka dễ thương, Xêkô mỏ nhọn, Chaien mập ú qua sự sáng tạo tinh quái, đã trở nên “chuối” hơn, “nguy hiểm” hơn, sẵn sàng giúp người xem bật cười sảng khoái rồi sau đó suy ngẫm.

Đôrêmon chế là đại diện tiêu biểu, mang đầy đủ đặc tính của trào lưu tranh chế hiện tại đang cực kỳ phổ biến trong cộng đồng giới trẻ. Tranh chế đơn giản là dựa trên tranh có sẵn đưa lời bình vào. Chất lượng, độ “hot” phụ thuộc vào cả tranh lẫn lời bình. Tuyệt vời nhất khi hai thứ đó hòa quyện vào nhau, đạt tới “đỉnh của đỉnh” (từ của giới trẻ).

Tranh chế tạm phân thành ba mảng: Chế truyện tranh nổi tiếng, chế tranh lẻ và ảnh chế. Xếp ảnh chế (thuộc mảng nhiếp ảnh) vào đây bởi tranh chế không thực sự được coi là hội họa.

Đôrêmon (Doraemon), Đảo Hải tặc (One Piece), Bảy viên ngọc rồng (Dragon Ball) được hàng triệu lượt người đọc, nhân vật và tình huống trở nên quá quen thuộc. Chọn “chế” mảng này “lợi thì có lợi”- dễ được chú ý nhưng khó là phải “chế” sao cho “chất”, cho người ta nể. Đánh mất cái hay của truyện, dễ người ta chửi.

Tranh lẻ và ảnh chế ngẫu hứng hơn. Bất cứ tấm hình nào (tranh hoặc ảnh) lọt tầm mắt, hợp ý tưởng có thể mang ra xài. “Chế” cho vui, tạo hiệu ứng đám đông là thành công rồi.

Cuộc song hành thú vị

Tranh chế và biếm họa là hai mảng tranh riêng biệt dù dễ nhầm thành một.

Ở biếm họa, họa sĩ dùng thủ pháp cường điệu, hài hước phi lý để tạo nên bức tranh nhằm gây hài và phản biện vấn đề. Biếm họa không nhất thiết phải có đề tựa bởi riêng hình ảnh trong đó đã được coi là một dạng ngôn ngữ.

Biếm họa cổ xưa như nhân loại, là dòng chảy miệt mài từ đế chế Ai Cập, La Mã, Cận đại tới đương đại. Ở Việt Nam, cái tên Chóe (bút danh cố họa sĩ Nguyễn Hải Trí) ít người không biết. Hiện nay xuất hiện một Thành Phong, họa sĩ trẻ khá thành công với mấy bộ sách biếm gây sốt như Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê, Nghĩ trước khi bấm còi. Tranh biếm của Thành Phong gần với tranh chế lại mang ý nghĩa giáo dục nên hợp khẩu vị giới trẻ.

Tranh chế khác biếm họa. Khỏi cần họa sĩ, khỏi biết vẽ, miễn biết “chế”. “Chế” theo định nghĩa trẻ là biến cái có sẵn thành cái của riêng thông qua sáng tạo cá nhân. Nhạc chế, thơ chế, tranh chế thậm chí có cả Shisha “chế” (một chất gây ảo giác). Tranh chế non tuổi hơn biếm họa rất nhiều lần, gần như của riêng giới trẻ.

Có thể coi biếm họa và tranh chế là đôi bạn hoa niên, chung mục đích đem lại niềm vui lẫn nỗi trăn trở. Như bức tranh biếm có tựa “Sống đơn giản cho đời thanh thản” vẽ cảnh người ăn xin từ chối tiền của khách dưới hàng chữ “nghỉ quốc tế lao động 1-5” (Sát thủ đầu mưng mủ - Thành Phong).

“Lợi bất cập hại” hay suy nghĩ cho một trào lưu lành mạnh

Tranh chế đã qua thời kỳ lan tỏa, trở thành một phần văn hóa giới trẻ. Tranh chế len lỏi qua tất cả mục vui cười của các trang mạng chính thống. Trang web chuyên biệt cũng hơn một chục. Tin thể thao có món ảnh chế sự kiện. Các địa chỉ mạng đăng truyện tranh theo kỳ cũng tạo điều kiện cho dân tình chế lời.

Và cũng xuất hiện luôn Hội những người thích chế bậy Doremon, Chế chuyện kiểu mất dạy - Chế tranh bậy cực vui… “Bậy để vui” đang hút khách. Những bức tranh chế bậy, đề tài tình dục (chiếm đa số) và một vài đề tài nhạy cảm khác, được hưởng ứng nhiệt tình qua các phản hồi. Đọc kiểu phản hồi đó thì “thiếu niên đỏ mặt, người già đỏ tai, còn loại choai choai, đỏ gì không biết”.

Sa đà vào tranh chế: xem tranh và bình luận, chế tranh, “câu” comment, “gạ” like (thích qua địa chỉ Facebook cá nhân) ngốn của các bạn trẻ rất nhiều thời gian. Thêm vào đó là “tự do ngôn luận”. Khi tranh chế từ trào lưu chuyển qua công cụ thể hiện quan điểm cá nhân sẽ cùng lúc xuất hiện các tín hiệu đáng lo ngại. Không ai biết chắc được một tác phẩm tranh chế “đỉnh cao” cổ súy chuyện sai trái sẽ để lại hậu quả như thế nào?

Tranh chế là sáng tạo, là hình thức thể hiện bản thân. Hãy cùng tạo ra môi trường lành mạnh để nó đạt tới tầm nghệ thuật, phản ánh xã hội thông qua góc nhìn của người trẻ về những trăn trở cuộc sống.

Tranh chế gọi nôm na là chế lời bình cho tranh. Lời bình phải hay, phải sắc và đặc biệt phải hài hước mới khiến người ta chú ý, mới kiếm được like được vote (bình chọn trên trang web). Hiện tại có một bộ phận giới trẻ hàng ngày theo đuổi công việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt này.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.