Trao đổi thêm về “Chợ Nủa hay Lủa”?

Trao đổi thêm về “Chợ Nủa hay Lủa”?
TP - Đọc bài Chợ Nủa hay Lủa của tác giả Nguyễn Quang Long, tôi rất trân trọng sự công phu và trách nhiệm của tác giả đối với nội dung được độc giả phản hồi. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi:
Trao đổi thêm về “Chợ Nủa hay Lủa”? ảnh 1
Chợ Nủa ngày không phiên

1- Là người địa phương (huyện Thạch Thất) tôi biết rằng các tài liệu địa phương, ca dao tục ngữ địa phương cũng đều viết “Chợ Nủa”.

Đây là chợ phiên nổi tiếng lâu đời vì rất đa dạng về hàng hoá và phương thức kinh doanh. Thời bao cấp, ai muốn mua thứ gì đến Chợ Nủa đều có.

Trước đây, chợ này còn “lớn” hơn cả chợ phố huyện- Chợ Săn! Chúng tôi thường coi nơi đây là một điển hình về “tư duy kinh doanh” thời bao cấp... Rất tiếc, dân trong vùng quê này đa số khi phát âm bị nhầm 2 phụ âm “l” và “n”.

2- Bài viết trước đó (Chợ Lủa ngày xuân) của tác giả Nguyễn Quang Long là bài viết về đời sống xã hội ở một vùng quê ngày xuân, không chủ định nghiên cứu về ngôn ngữ, thì cứ gì nhất thiết phải dùng “đúng” (?) về bản gốc ngữ nghĩa, nhất đó là địa danh đã quen gọi lâu đời?

Chúng ta đã chẳng chấp nhận địa danh hành chính: “Phù Lỗ” thay vì từ chuẩn nghĩa: “Phù Nỗ” (gắn với truyền thuyết thần Kim Quy giúp Nỏ thần cho An Dương Vương) ở một vùng quê thuộc huyện Đông Anh đó sao? Và chắc chắn còn nhiều địa danh khác cũng có tình trạng “chấp nhận” tương tự!

Lần đầu lướt các “tít” trên trang báo điện tử của Tiền phong (TPO), tôi đã không đọc bài Chợ Lủa ngày xuân, vì nghĩ rằng nói về một miền quê khác. Nay mới biết đó chính là bài viết về Chợ Nủa quê mình.

Tôi cũng xin quý tác giả và độc giả đừng đề nghị thay đổi từ “Chợ Nủa” nữa, để dân quê tôi được đọc bằng đúng cái tên chợ thân thiết bao đời của mình.

MỚI - NÓNG