Trẻ và thuần và...

Trẻ và thuần và...
TP - Kha khá nhiều người yêu văn học hôm rồi đọc báo thấy có tin rất đông người trẻ biết viết văn tụ tập nhau về Hội An để họp.

Chủ đề hình như chỉ xoay quanh chữ “trẻ” và hình như những người được đi họp trẻ này cũng kiên quyết bàn bạc thuần trong phạm vi trẻ. Thật là nao nao tin mừng. Khi một chuyển động có chiều hướng lắc lư lung tung, phàm cái gì “Thuần” cũng phải được trân trọng quý.

Theo Từ điển tiếng Việt được in chính thống ở NXB Từ điển Bách Khoa (phải “khoe hàng” kỹ như vậy vì từ điển dạo này đang xuất xứ rất tạp) thì một nghĩa của “thuần” là: Tinh ròng, rặt một thứ. Ví dụ, quần áo thuần một mầu tím than.

Lịch sử nước ta đã có một cuộc họp thuần chỉ có người già và đương nhiên thiêng liêng thành công rực rỡ. Đó là hội nghị Diên Hồng trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai (tháng 12 năm Giáp Thân 1284) do đích thân vua Trần Nhân Tông chân thành kính cẩn tổ chức.

Các vị đại biểu là những bô lão ở các vùng, khác nhau về dân tộc, về thành phần giai cấp, về thu nhập kinh tế. Và lúc được các nhà lãnh đạo quốc gia có hơi băn khoăn hỏi thì các cụ đều hùng tráng giống nhau, vung nắm đấm của mình lên ngang trời đồng thanh hô “Đánh”.

Với các cụ, khi bị hung hãn ngoại bang xâm lăng hoặc lúc dân tộc có nguy cơ bị làm nhục thì thuần nhất chỉ có một phương án. Cái chất “thuần” của một hội nghị thường luyện ra một tinh khí thanh sạch cao thượng như vậy.

Hội nghị viết văn trẻ lần này nghe phong phanh nhân sự rất thuần, vì thế nó rực rỡ thành công là chuyện hiển nhiên mang tính tất nhiên. Nhưng chính vì “khi người ta còn trẻ” nên cái thuần trong suốt hội nghị có vẻ không được tinh ròng rặt một thứ.

Bài tổng thuật của Văn Nghệ trẻ số 21 có đoạn “Chúng tôi cùng đang hoà vào nhau tất cả như một. Nhà thơ Hữu Thỉnh đứng giữa chúng tôi, lúc này ông như một người cha yêu thương của chúng tôi chứ không phải là một vị chủ tịch Hội Nhà Văn đáng kính”.

Còn trên một trang báo điện tử thì lấp ló sau năm kiều nữ vừa báo vừa văn vừa thơ đang mặc áo tắm là một ông già nhão, lòng dạ chắc trẻ, kiêu hãnh đứng theo đúng tư thế của hai câu cổ thi đầy khí phách. “Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi mình làm ngựa lũ nhi đồng”.

Có lẽ vì nhiều sự không được tinh ròng lắm (mà những người già ở lạc đội hình chỉ là một cớ nhỏ) nên trên diễn đàn “hai phút cho một ý tưởng” một nữ nhà thơ kiêm em xi buồn bã than: “Tôi thấy hoang mang giữa việc viết và sự cần được biết đến của những người viết trẻ. Thật ra đối với họ điều gì quan trọng hơn.

Nếu hai phút không đủ cho họ một ý tưởng...thì họ cần thời gian bao lâu”. (Tuổi trẻ- 14/05/2006). Chị này nói quá chính xác. Hai phút tuy là ngắn nhưng riêng đối với sáng tạo có thể là dằng dặc xa xỉ dài.

Hồi lớp phổ thông nhiều thầy cô giáo dạy rằng: Khi ác-si-mét  nghĩ ra cái kiểu dùng đòn càn để bẩy trái đất thì ông vẻn vẹn mất có 30 giây. Và Niu-tơn phát kiến định luật vạn vật hấp dẫn là nhờ một quả táo (quả này chắc già) rơi vào đỉnh đầu. Táo mà rụng cùng lắm chỉ cần 5 giây.

Thế mà hội nghị dành cho những hẳn là hai phút. Bức xúc quá. Nhưng vẫn các thầy cô phổ thông có giảng rộng thêm rằng: 30 giây của ác-si-mét là lúc ông đang cô đơn khỏa thân ngẫm nghĩ tắm.

Còn Niu-tơn bác học bừng ngộ trong 5 giây là khi ông đang bơ vơ độc ẩm tại yên tĩnh vườn nhà. Đại loại theo hai bậc thiên tài này, thì sáng tạo sẽ rất khó có trong không khí tưng bừng hội nghị. Còn cái kiểu sáng tạo mà chúng ta thường thấy ở chỗ ồn ào giống như thật thì chỉ có trên tivi.

Một đạo diễn hay liên tục hiện hình nhưng mặt mũi lại đứt đoạn u uẩn, ông này sâu sắc nhìn hàng triệu khán giả đang si mê ngắm ông bằng một cái nhìn cô quạnh nào đó. Rồi một nhà văn đơn độc ngồi Thiền, mặt ông chẳng hề xao động khi có ba vạn chín nghìn cái camêra đang rưng rưng tò mò chĩa vào.

Những ông sáng tạo cô đơn này đích thực thuần là những “cô đơn gia”. Họ cô đơn thuần thục đến mức phải vào studio công cộng. Thời lượng dành cho sự sáng tạo của họ bắt buộc phải chừng hơn một tiếng, thời lượng quy chuẩn thuần chỉ dùng cho các game show thời thượng.

Tạp văn của Nguyễn Việt Hà

MỚI - NÓNG