'Trinh nữ ma-nơ-canh' gây tranh cãi

Sách "Trinh nữ ma-nơ-canh".
Sách "Trinh nữ ma-nơ-canh".
Tập truyện ngắn "Trinh nữ ma nơ canh" của Lê Anh Hoài đã tạo dư luận trái chiều về thi pháp của tác giả. 

Trinh nữ ma-nơ-canh tập hợp 11 truyện ngắn tiêu biểu, được đánh giá là bước hoàn thiện làm nên diện mạo văn học của tác giả. Trong đó, Lê Anh Hoài viết nhiều về những đồ vật bình thường trong cuộc sống hàng ngày như cái WC, ma-nơ-canh, một file doc trong máy tính... Xuyên suốt tác phẩm là giọng điệu hài hước, giễu nhại nằm ở các nhân vật và ngay trong giọng điệu của người kể chuyện. 

Cả nhà thơ Inrasara và nhà phê bình Hoài Nam đều nhìn nhận giọng điệu hài hước, giễu nhại và đánh giá cao tác phẩm của Lê Anh Hoài; nhưng chính yếu tố đó lại gây ra một cuộc tranh luận văn chương.

Inrasara là người viết lời giới thiệu cho tập truyện ngắn Trinh nữ-ma-nơ canh. Bài viết in ngay đầu sách, có tên: "Từ một hạt bụi ý tưởng điên rồ bay lên...". Trong đó, Inrasara viết: "Nói đến nghệ sĩ này thì phải nhắc đến giọng điệu đặc thù hậu hiện đại đẫm chất Lê Anh Hoài, như anh từng làm được với thơ, với nghệ thuật trình diễn, và cả với tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ". Sau khi đưa ra nhận định, Inrasara nêu những dẫn chứng để chứng minh giọng điệu giễu nhại đậm chất hậu hiện đại trong tác phẩm.

Nhà phê bình văn học Hoài Nam đánh giá cao Trinh nữ ma-nơ-canh, nhưng anh cho rằng tác phẩm hay mà "chẳng cần là hậu hiện đại". Trong bài viết đăng báo, Hoài Nam nhận định văn chương Việt từ đầu thế kỷ XXI đến nay xuất hiện một xu hướng vồ vập thái quá với chủ nghĩa "hậu hiện đại" và "tân hình thức". 

Trong khi hậu hiện đại là thứ ở phương Tây (nơi sản sinh ra nó) không muốn nhắc đến thì những tín đồ Việt Nam lại xem như những dấu chỉ quan trọng để đánh giá giá trị tác phẩm. Hoài Nam cho rằng, tác phẩm mới nhất của Lê Anh Hoài nằm trong kiểu định giá trị theo xu hướng ấy. 

Anh viết: "Trong cảm nhận của tôi - gạt thơ, tiểu thuyết và nghệ thuật trình diễn sang một bên - không phải truyện nào trong tập này cũng hay, còn những truyện đáng gọi là hay thì chúng cứ hay mà chẳng cần đến cái gọi là 'giọng điệu đặc thù hậu hiện đại'".

Tác giả của tập phê bình Mùi chữ cũng cho rằng sự mỉa mai, bỡn cợt là tinh thần xuyên suốt trong tập Trinh nữ Ma-nơ-canh: "Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là dù mỉa mai bỡn cợt hay nhại, thì những cái đó cũng không phải phẩm chất riêng có của văn chương hậu hiện đại, và càng không phải những cái làm nên giá trị chủ yếu của truyện ngắn Lê Anh Hoài. 

Nhà thơ Inrasara bác quan điểm của Hoài Nam bằng một bài viết. Ông cho rằng trong bài giới thiệu của mình, ông không hề nói "Cứ tân hình thức thì hay, cứ hậu hiện đại thì hay". Theo ông, tân hình thức và hậu hiện đại không phải là thứ đã bị "nhét vào sọt rác" như Hoài Nam nói. Bên cạnh việc bác quan điểm, Inrasara còn chỉ trích Hoài Nam thể hiện thái độ "phê bình du kích" khi không chỉ đích tên người cần tranh luận, mà chỉ dùng những đại từ phiếm chỉ như "có người", "một số người nào đó".

Nói về yếu tố hài hước, giễu nhại trong tác phẩm của mình, Lê Anh Hoài cho rằng văn chương Việt "căng thẳng" quá: "Từ ý thức khởi đầu một tác phẩm, luận đề, cách xây dựng tác phẩm, tới tâm thế hướng đến bạn đọc đều căng thẳng. Trong khi đó, xã hội luôn tồn tại những điều phi lý, nghịch lý. Mọi nghịch lý bên trong nó đều có chất hài. Ta không cần quá cố gắng để viết cho hài hước, bởi bản thân nghịch lý đã hài".

Bên cạnh tranh luận của nhà thơ Inrasara và nhà phê bình Hoài Nam còn có một số ý kiến khác về Trinh nữ ma-nơ-canh. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng: "Anh Hoài có ý thức dân chủ nghệ thuật, dấn thân vào với ý thức ấy. 

Anh chơi những cú rất hay, toàn viết về những thứ bình thường của đời sống, mà trao cho nó một đối thoại của đời sống. Thái độ của Anh Hoài là một kẻ viết tham dự vào đời sống này, chứ không đứng ngoài nó". Còn nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá cao việc Lê Anh Hoài viết về thế giới đồ vật để phóng chiếu lên đời sống con người.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG