Trọng Tấn: Hoàng tử nhạc đỏ

Trọng Tấn: Hoàng tử nhạc đỏ
Trong những ngày lễ lớn, khán giả thường được nghe Trọng Tấn mũm mĩm có cái đầu cắt cua tròn xoe hát "Việt Nam quê hương tôi" bằng giọng ngọt như nước dừa và ấm như trà xanh.
Trọng Tấn: Hoàng tử nhạc đỏ ảnh 1
Họa sĩ Nguyễn Minh Thắng đã dàn dựng và chụp ảnh này cho Tấn để ra album mới. Cả người chụp và người được chụp đều muốn tạo một hình ảnh cổ kính, sang trọng và... đầy nam tính của Hà Nội xưa

Không biết tự bao giờ, giới chơi nhạc và nghe nhạc Hà Nội đã tự nhiên gắn cho Tấn cái nghệ danh ấy. Không hào nhoáng đẹp trai, không nổi bật, không catsê cao ngất ngưởng, không album bán chạy, không xìcăngđan...

Không có yếu tố nào giúp Tấn thành “sao” trong thị trường âm nhạc nhiều bất an này. Chỉ có duy nhất một tài sản là giọng hát, và duy nhất một bí quyết là sự khổ luyện...

Sao Mai mọc sớm

Trọng Tấn bắt đầu “lập danh” từ cuộc thi tiếng hát truyền hình mang tên Sao Mai. Cuộc thi thứ ba của truyền hình và cũng là cuộc thi lần đầu tiên chính thức mang tên Sao Mai năm 1999, Tấn đã đoạt giải nhất tuyệt đối với bài hát Tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Tiếng đàn bầu quen thuộc đã hơn 30 năm qua giọng ca vàng một thuở Kiều Hưng, nhưng đến khi nghe Tấn hát, cả khán phòng vẫn lặng đi vì một cảm xúc vừa thân quen vừa lạ lùng. Rất nhiều người đã gật gù: “Thế là đã lại có một Kiều Hưng mới”.

Còn Tấn thì vừa bẽn lẽn vừa tự tin: “Em là Trọng Tấn mà”. Khi ấy, Tấn mới ở Thanh Hóa ra và đang học năm 3 Nhạc viện Hà Nội. Các thầy đều khen Tấn hát hay, chăm chỉ tập luyện, học khá đều các môn, không bỏ học đi chạy sô như các sinh viên thanh nhạc khác đang tấp tểnh thành “sao”.

Nhưng cũng có người bảo Tấn dại, giọng đẹp thế mà chỉ quanh quẩn với mấy aria và mấy bài hát cách mạng thì mấy ai biết đến. Chỉ có các khán giả trung thành với VTV những ngày lễ lớn là “lãi”, vì bao giờ cũng được nghe “cậu bé” Trọng Tấn mũm mĩm với cái đầu cắt cua tròn xoe hát Việt Nam quê hương tôi với giọng ngọt như nước dừa và ấm như trà xanh.

Dường như biết “một cây làm chẳng lên non”, Tấn rủ thêm hai người “đồng chí” lập nên một tam ca độc đáo: Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn. Ba chàng trai tạo thành thế chân kiềng trụ vững trên những sàn diễn một thời tưởng như chỉ có thể kéo khán giả đến bằng những bài hát pop mượt mà dễ nghe hay những giai điệu “nhái” nhạc nước ngoài sôi động.

Kiên trì và bền bỉ, Dương, Tấn, Hoàn hát Đường chúng ta đi, Giai điệu Tổ quốc, VN quê hương tôi, Người Hà Nội; họ cũng hát lại những bài hát trữ tình nổi tiếng của thế giới: Khúc hát của nàng Solvey, Serenade, Mặt trời của tôi, Trở lại Suriento...

Ba chàng trai cùng không có lợi thế về ngoại hình, quanh năm chỉ mặc sơmi trắng về mùa hè, áo vest sẫm màu về mùa đông, không có người lăngxê hay đỡ đầu, không ra nổi CD riêng, ba giọng ca bài bản của nhạc viện cứ cần mẫn vừa học vừa đi hát.

Cho đến một lúc khán giả bỗng thấy họ trở nên quen thuộc, thân thiết và bắt đầu... ngạc nhiên: “Sao mấy cậu này hát hay thế mà không thành “sao” nhỉ!?”.

Khi đó, cả ba đã kịp ra trường, thành giảng viên thanh nhạc, Tấn và Dương đã kịp lấy vợ, sinh con, sinh viên của họ thậm chí đã kịp đi thi “Sao Mai”. Họ là những người biết tận hưởng hạnh phúc trong sự thanh bình của nghề nghiệp.

Khi “hoàng tử” bước ra thị trường

Thật ra, Tấn không hề nghèo. Gần mười năm đi hát, với catsê không cao ngất ngưởng, nhưng cũng không hề thấp vì những ai đã biết đến giá trị giọng hát của Tấn để mời tham gia chương trình thì hẳn là kẻ “biết người biết của”.

Tấn đã kịp mua cho mình một ngôi nhà xinh xinh, một mảnh vườn ở ngoại ô và một chiếc xe hơi loại bình thường nhất để chở vợ con từ nhà đến vườn những ngày nghỉ.

Mức sống chừng mực của một người làm nghề dạy học khiến Tấn không phải chóng mặt với quần áo, giày dép và các phụ kiện khác.

Các sinh viên thậm chí còn lấy Tấn làm tấm gương để quyết chí học hành. Tuấn Anh - giải nhất Sao Mai dòng nhạc thính phòng 2005 - lý giải nguyên nhân mình không đi hát sô:

“Phải học thành tài đã, cứ nhìn thầy Tấn đấy, cứ hát thật hay thì tiền sẽ tự đến thôi, bây giờ mà vội bỏ học đi hát kiếm tiền thì chắc chắn là sẽ hỏng hết giọng”.

Những tưởng Trọng Tấn cứ thế mà yên vị với mỹ danh “hoàng tử nhạc đỏ". Cho đến một ngày, đạo diễn trẻ Việt Tú, người nổi tiếng với những ý tưởng “không giống ai”, mời Tấn hát cùng Thanh Lam trong chương trình “Con đường âm nhạc” - phần về nhạc sĩ Dương Thụ.

Hai người hát chung bài Gọi anh. Không ai có thể ngờ được hiệu quả mãnh liệt của hai giọng ca đỉnh cao khi chúng cùng hòa thanh. Khán phòng hôm ấy nổ tung khi Tấn cất tiếng: “Gọi anh giữa mùa đông giá lạnh, để nghe sớm mùa xuân bừng sáng”.

Trọng Tấn: Hoàng tử nhạc đỏ ảnh 2

Chương trình “Con đường âm nhạc” đó đã trở thành chương trình hay nhất mà Việt Tú thực hiện, cũng nhờ ý tưởng “ghép đôi” kỳ quặc của anh.

Cũng từ đó, Tấn mở thêm cho mình một con đường mới. Hợp tác với Thanh Lam và Lê Minh Sơn, Tấn bước vào thị trường âm nhạc trong tư thế của người được đón chào. Khúc dạo đầu chính là ca khúc À í a Tấn tham gia Bài hát Việt 2005.

Đêm mùa đông, trong khán phòng Nhà hát lớn, khi giọng nam cao của Tấn cất lên da diết: “Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi - chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa; Bên cạnh làng tôi yếm thắm lụa đào - ngực cau nhu nhú đã vội đi xa”, nhạc sĩ Nguyễn Cường bảo: “Tôi sởn hết cả da gà đây này”.

Và khi Tấn khắc khoải: “Về đi, ngày giao mùa, cơm nếp thơm thơm, về đi, về đi”, Lê Minh Sơn ngồi ôm guitar mà nước mắt ràn rụa. Khán giả cũng lặng đi rồi tiếng vỗ tay trào lên như sấm. Lê Minh Sơn nói: “Chính Tấn, chứ không phải tôi, mới là người xứng đáng giành giải Bài hát Việt”.

Bộ ba ấy, hai người ưa “bùng nổ” là Sơn và Lam, một người thích im lặng, chỉ làm mà không bao giờ tuyên ngôn, là Tấn, vừa cho ra một album mới. Tên gọi cũng đơn giản như tính cách của Tấn: “Trọng Tấn - Thanh Lam”.

Tám bài, trong đó có bốn bài Tấn hát chung và hai bài solo. Tấn chỉ nói ngắn gọn: “Mình làm album này vì thích các bài hát của anh Sơn, nó giúp mình tìm ra và giải phóng một khả năng mới được phát hiện của mình, nhưng nó vẫn cho phép mình không bị bỡ ngỡ, lạc lõng trong thứ âm nhạc không phải của mình”.

Thanh Lam, còn ít lời hơn: “Chỉ có thể nói là Tấn hát hay lắm, hay đến mức Lam nghe mà ứa nước mắt, Tấn là của hiếm, là của báu đấy, không thể có một giọng nam nào vừa đàn ông lại vừa ngọt ngào, vừa học thức lại vừa lãng mạn như thế đâu”.

Ai không cảm thấy hạnh phúc khi nghe đồng nghiệp nói về mình như thế? Liệu có phần thưởng nào xứng đáng hơn cho “hoàng tử nhạc đỏ” - người chưa bao giờ muốn thành “sao”?

Theo Thu Hà
Tuổi trẻ

Dương Thụ: Tôi tìm thấy Tấn

Trong chương trình “Con đường âm nhạc”, buổi tổng duyệt cuối cùng, tôi rất ngạc nhiên khi nghe Trọng Tấn hát bài Trở về - một bài hát chưa được biết đến nhiều dù nó rất tiêu biểu cho âm nhạc của tôi.

Thật ra đưa Tấn vào chương trình chỉ là để thế chỗ cho NSND Trung Kiên (song ca Gọi anh với Thanh Lam), nhưng không thể để ngôi sao hát nhạc cách mạng ở một vai trò phụ đến như thế nên Trở về là bài hát thêm.

Và điều không thể ngờ đã xảy ra: vai phụ đã trở thành nhân vật chính, một người chỉ cần một bài thôi đã chinh phục được những người yêu nhạc của tôi, đã khiến tôi ân hận là sao mãi bây giờ mới nhận ra rằng người có thể hát những điều mình muốn đang trước mặt mà hôm nay mình mới biết.

Tôi đã có Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam và bây giờ có thêm Nguyên Thảo nhưng vẫn chưa có một giọng nam thật sự, điều mà tôi đã kiếm tìm nhưng không thành công (Bằng Kiều đã biến đi nhanh quá).

Một giọng nam đẹp, ấm áp, có kỹ thuật thì không hiếm, nhưng sự nhạy cảm và thấu hiểu với những gì tôi viết ra, hát giản dị nhưng tinh tế, trong sáng và mạnh mẽ, hát mà không phô diễn, hát để sống với tác giả, với người nghe thì hiếm, hiếm lắm.

Tôi đã tìm thấy Tấn. Đó là hạnh phúc của một người viết bài hát khi tìm được cho mình người hát, kẻ tri kỷ lớn.

MỚI - NÓNG