Trung Quốc bình chọn 'Những gương mặt văn học của năm'

Trung Quốc bình chọn 'Những gương mặt văn học của năm'
TP - Một tập đoàn truyền thông Trung Quốc (Tập đoàn truyền thông, báo chí Phương Nam) đã đứng ra tài trợ tổ chức bầu chọn các gương mặt văn học tiêu biểu hàng năm gọi là Giải tôn vinh văn học tiếng Hoa.

Giải bắt đầu từ năm 2002, với giá trị các giải thưởng khá lớn: Nhà văn kiệt xuất của năm (10 vạn nhân dân tệ, tương đương 13 ngàn đô la Mỹ theo tỉ giá hiện thời), tác giả tiểu thuyết của năm, nhà thơ của năm, nhà viết tản văn của năm, nhà phê bình của năm.

Các giải sau đều có giá trị là 2 vạn nhân dân tệ.

Danh sách đề cử cho năm 2006 vừa được công bố ngày 18/ 3 vừa rồi, gồm rất nhiều các nhà văn nổi tiếng.

Nhà văn kiệt xuất của năm là danh hiệu được mọi người chú ý nhiều nhất. Việc bình chọn không những nhìn vào thành tựu nhiều mặt về văn học của nhà văn, mà còn đặc biệt chú trọng xem xét giá trị của tác phẩm của nhà văn xuất bản trong năm đó.

Trên ý nghĩa ấy, các nhà văn Thiết Ngưng, Hàn Thiếu Công, Tô Đồng đã vượt qua nhiều nhà văn uy tín khác như Vương Mông và cả các tác giả đã đoạt danh hiệu này những năm trước để lọt vào vòng chung khảo.

Đối với Thiết Ngưng, ngoài các thành tựu văn học khác mà chị đã đạt  được, ngoài việc chị được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, thì cuốn tiểu thuyết Bát Hoa xuất bản năm 2006 là một thành công rất đáng chú ý.

Bát Hoa đánh dấu sự thay đổi phong cách quen thuộc của chị. Bát Hoa kể lịch sử của miền quê mà tác giả lấy để đặt tên cho tiểu thuyết, kéo dài từ cuối thời nhà Thanh cho đến đầu những năm dân quốc.

Bát Hoa thuộc hàng văn học đọc chậm theo kiểu truyền thống, một phong cách đã bị coi nhẹ từ rất lâu rồi.

Hàn Thiếu Công sinh năm 1953, là một nhà văn thành đạt về mọi mặt. Hiện là Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học trong nước và tác phẩm đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Italia...

Tác phẩm xuất sắc trong năm của ông là tập tản văn dài mang tựa Sông nam núi bắc. Tập sách gồm 99 bài viết ghi lại những cảm nhận và lí giải về đời sống nông thôn, được coi như mở đầu cho văn học “tìm về nguồn mới”.

Tô Đồng trẻ nhất trong số ba nhà văn được lọt vào chung khảo. Anh sinh năm 1963 ở Tô Châu, đã từng du học ở Mỹ để nghiên cứu sáng tác cùng khoá với nhà thơ Hữu Việt.

Tô Đồng là tác giả nhiều truyện viết về đề tài lịch sử. Tiểu thuyết Thê thiếp thành bầy của anh đã được Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim nổi tiếng “Đèn lồng đỏ treo cao”.

Tác phẩm được hoan nghênh của anh năm 2006 là tiểu thuyết Bích nô, lấy bối cảnh và cảm hứng từ truyện Nàng Mạnh Khương

Các tác giả được đề cử tranh giải Nhà tiểu thuyết của năm: Nghiêm Ca Linh (nữ, quốc tịch Mỹ), Bắc Thôn, Lý Nhuệ, Phạm Vững, Đô Lương. Đây đều là những nhà văn nổi tiếng, một số nhà văn và một số truyện của họ cũng đã được dịch ở Việt Nam (Xem Chiếc cào của Lý Nhuệ in trên báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết năm 2007).

Nghiêm Ca Linh viết về quân giải phóng, được nhiều giải thưởng của quân đội, hiện định cư ở Mỹ. Bắc Thôn là nhà văn đi đầu của phái Tiên phong. Từ năm 1996, Bắc Thôn xin ra khỏi biên chế của tạp chí Văn học Phúc Kiến trở thành người viết tự do.

Lý Nhuệ được lựa chọn với tập truyện Thái bình phong vật, viết về các nông cụ. Năm 1998, Lý Nhuệ được bầu làm Phó Chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Sơn Tây, đến năm 2003 đã từ chức, cũng xin rút khỏi Hội nhà văn Trung Quốc, làm một người viết văn tự do.

Lý Nhuệ đã được Chính phủ Pháp tặng Huân chương hiệp sĩ văn học nghệ thuật. Các tác giả được đề cử là Nhà thơ của năm: Dương Khắc, Lôi Bình Dương, Y Lệ Xuyên (nữ).

Nhà viết tản văn của năm: Lý Huy, Hạ Thu, Trương Hùng Kiệt.

Nhà phê bình của năm: Vương Đức Uy, Chu Đại Khả, Trương Thanh Hoa. Hà Phạm Phú

Theo Báo chí Trung Quốc

MỚI - NÓNG