Truyền bá kịch Pháp vào Việt Nam thế nào?

Diễn giả Corinne Flicker nói về Claude Bourrin, người có công truyền bá kịch Pháp vào Việt Nam.
Diễn giả Corinne Flicker nói về Claude Bourrin, người có công truyền bá kịch Pháp vào Việt Nam.
TP - Nhà nghiên cứu Corinne Flicker từng chủ biên một cuốn sách về sân khấu Pháp và Việt Nam, một lần nữa làm rõ hành trình của Claude Bourrin- truyền bá sân khấu vào Đông Dương, đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam.

Corinne Flicker là giảng viên văn học Pháp thế kỷ 20, Tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille. Bà chủ biên cuốn Sân khấu Pháp và Việt Nam: Một thế kỷ giao lưu (1900-2008).Tiếp nhận, cải biên, giao thoa”.

Chiều 29/6 trong tọa đàm “Nhà hát Lớn Hà Nội trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu Việt Nam”, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bà nhắc lại lời Claude Bourrin: “Tới một miền đất mới, người Tây Ban Nha dựng nhà nguyện, người Ý dựng nhà thờ, người Anh dựng nhà băng và người Pháp dựng nhà hát”. Corinne Flicker cũng là người đầu tiên khám phá khối lượng lớn tài liệu lưu trữ cả ở Pháp và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 ở Việt Nam về Claude Bourrin, cũng như đóng góp của ông đối với sân khấu tại Việt Nam.

Claude Bourrin đến Đông Dương với cương vị công chức sở Hải quan, rồi diễn viên nghiệp dư ở các buổi diễn thường kỳ tại nhiều địa điểm giải trí Hải Phòng, Hà Nội, trước khi Nhà hát Lớn khánh thành 1911. Lần xuất hiện trên sân khấu đầu tiên của ông tại Đà Nẵng năm 1904. Thế chiến thứ nhất buộc ông trở về Pháp, cho tới 1924 quay lại Đông Dương bắt đầu quá trình làm sân khấu chuyên nghiệp. Danh tiếng giúp ông giữ vị trí lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội 1927-1928, lãnh đạo ba nhà hát thành phố tại Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn vào các mùa 1928-1930 trước khi chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Người Pháp tạo nên không khí sôi động của sân khấu tại Đông Dương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng chủ yếu hài kịch bình dân, đáp ứng nhu cầu giải trí của binh lính. Nhiều kịch bản cổ điển của Victor Hugo, Molière, Corneille gần như không được dựng, một phần nữa vì họ không muốn dựng những kịch bản có tư tưởng lớn ở thuộc địa.

 “Kế hoạch của Claude Bourrin là trả lại nhiều hơn công lý cho công chúng thuộc địa mà đôi khi người ta tưởng rằng đó là những kẻ không thưởng thức nổi những tác phẩm có giá trị văn học”, bà Corinne nói. Nhờ kiến thức được đào tạo tại trường Copeau ở Pháp, Claude Bourrin đề xuất canh tân các tiết mục. Ông cũng là người đưa kịch Molière, Corneille, Racine lên sàn diễn Nhà hát Lớnthành công, vừa đảm bảo tính giải trí, vừa đề cao giá trị văn học của sân khấu.

Từ thành công đưa kịch Molière diễn bằng tiếng Pháp tới công chúng Việt Nam, đến lượt Người bệnh tưởng được trình diễn bằng tiếng Việt tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1920. Người đầu tiên có công dịch vở kịch Pháp này sang tiếng Việt là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, rồi vở Trưởng giả học làm sang (1923). Đây cũng là tiền đề để tác giả Vũ Đình Long viết Chén thuốc độc, vở kịch hiện đại đầu tiên thuần Việt. Ông cũng cải biên, Việt hóa nhiều vở khác của Pháp: Thờ nước, Công tôn nữ Ngọc Dung, Tổ quốc trên hết, Gia tài.

Làm rõ hơn vai trò của Claude Bourrin, tại tọa đàm, TS. Văn Giá cho rằng nghệ sỹ, đạo diễn người Pháp này “chuẩn hóa các quy tắc của kịch nói hiện đại để đưa lên sân khấu Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, Claude Bourrin mở đường cho kịch nói Việt Nam đến với sân khấu lớn. “Kịch nói Việt Nam tiếp thu sự hiện đại của phương Tây ngay tại Nhà hát Lớn để phát triển và tạo dựng con đường riêng”, ông Thành nói. Dù vậy, ông lấy làm tiếc rằng công trình nghiên cứu của bà Corrine chưa đào sâu mối tương tác giữa sân khấu truyền thống Việt Nam và sân khấu kịch nói phương Tây.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.