Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh kiểu triệt hạ sẽ có đơn vị phá sản

TP - Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á- Thái Bình Dương (CASBAA) và VTVCab vừa tổ chức “Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại Việt Nam”.

Trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt còn khán giả băn khoăn trước nhiều lựa chọn. Phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt- chuyên gia truyền hình- xung quanh vấn đề trên.

Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh kiểu triệt hạ sẽ có đơn vị phá sản ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Việt

Ông Việt cho biết:

Bên cạnh những mặt tích cực, truyền hình trả tiền bộc lộ nhiều vấn đề: Trên một dãy phố có 3-4 đường dây cáp cung cấp các chương trình truyền hình na ná nhau, rồi cạnh tranh không bằng chất lượng dịch vụ mà chủ yếu là chiêu khuyến mại phá giá, tranh giành thuê bao của nhau, nói xấu nhau thậm chí phá hạ tầng của đối thủ!

Việc ngăn chặn tình trạng này tỏ ra không hiệu quả, một số doanh nghiệp bất lực, các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa vào cuộc và cạnh tranh theo kiểu phá hoại vẫn tiếp tục mà hậu quả là có doanh nghiệp có thể bị thua lỗ, nợ ngân hàng chồng chất dẫn đến phá sản, lãng phí rất lớn. Đô thị thì có thêm nhiều đường dây chằng chịt làm mất mỹ quan. Nhà nước thiệt hại mà doanh nghiệp thua lỗ sẽ không duy trì được dịch vụ và cuối cùng người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

Có doanh nghiệp tung gói cước thuê bao thấp hơn giá đầu vào, bán phá giá, vi phạm luật cạnh tranh, hơn nữa chưa thể nói giá thấp hay cao nếu chưa có hạch toán đầy đủ. Việc hạ giá cực rẻ nhằm chèo kéo khách hàng không trên cơ sở hạch toán đầy đủ sẽ tạo nguy cơ tiềm tàng cho sự phá sản, hậu quả khôn lường.

Truyền hình trả tiền: Cạnh tranh kiểu triệt hạ sẽ có đơn vị phá sản ảnh 2 Các hãng cạnh tranh, người tiêu dùng có được hưởng lợi?. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa ông, trong tình hình cạnh tranh truyền hình trả tiền hiện nay, đâu là yếu tố quyết định khiến đối thủ nọ thắng đối thủ kia?

Tôi nghĩ có bốn yếu tố cơ bản, đó là nội dung chương trình, kỹ thuật tiên tiến, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng và giá thành hợp lý.

Trong đó yếu tố đầu tiên phải là sự khác biệt ở nội dung chương trình, phải phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp các đối tượng và lứa tuổi, phù hợp bản sắc văn hóa. Phải có những kênh đặc sắc, chuyên biệt, có các gói kênh phù hợp để người tiêu dùng lựa chọn.

Bây giờ rất nhiều kênh trên truyền hình cáp. Nhưng người dân bận rộn, đâu có thể xem tất cả, họ phải chọn gói kênh phù hợp. Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng các kênh giống nhau, thiếu bản sắc riêng.

Các kênh phục vụ mỗi miền, bên cạnh kênh chung phải có những kênh có bản sắc riêng, có ngôn ngữ, giọng đọc, giọng nói phù hợp từng miền. Chính điều đó là lợi thế cạnh tranh trong từng khu vực cụ thể; ngoài ra nội dung chương trình hay sẽ là điều quyết định sức mạnh của một hãng truyền hình.

Xu hướng sắp tới của truyền hình trả tiền sẽ thế nào?

Tôi cho rằng thời gian tới cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền sẽ quyết liệt hơn, nhiều loại hình truyền dẫn như số vệ tinh, số mặt đất, IPTV sẽ tham gia thị trường nhiều hơn, và loại hình cung cấp nhiều dịch vụ trên một hạ tầng kỹ thuật sẽ chiếm ưu thế.

Những đơn vị làm ăn chuyên nghiệp tuân thủ luật pháp và nắm bắt các yếu tố quyết định thắng lợi khi cung cấp dịch vụ sẽ phát triển. Bên cạnh đó cũng bắt đầu đến giai đoạn một số đơn vị phá sản, một số lay lắt sử dụng ngân sách hoặc lấy chỗ này đắp chỗ kia để kéo dài sự tồn tại.

Thông tin tại Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển Truyền hình trả tiền tại Việt Nam (Vietnam in View) cho biết, Việt Nam có hơn 20 triệu thuê bao tivi, tốc độ xâm nhập thị trường truyền hình đạt 25% dân số, trong khi các nước trong khu vực mức độ xâm nhập thị trường truyền hình trả tiền vào khoảng 31,8%.

Cách đây vài năm, thuê bao truyền hình ở mức độ khiêm tốn. Đến nay số lượng thuê bao tăng ấn tượng 100% từ 2010 đến năm 2012 và đạt 6,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền vào cuối năm 2013.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.