Truyện ngắn: Cánh rừng phía ấy

Minh họa: Vũ Xuân Hùng
Minh họa: Vũ Xuân Hùng
TP - Con đường này, cánh rừng này đã quá thân thuộc với Thế từ ngày anh đến chốt biên giới. Hoàng hôn miền biên ải bao giờ cũng gieo vào lòng người nhiều điều khác lạ so với những miền đất khác.

Những giọt nắng yếu ớt đổ trên ngọn cây bên kia bờ suối, màu vàng nhạt dù rừng cây ở đây đang vào đầu mùa mưa, mùa nở lộc xanh mướt. Phóng tầm mắt ra xa một tí là đất Campuchia, nghe nói đã qua bàn thảo nhiều lần với bạn nhưng chưa xác định được vị trí để cắm những cột mốc còn lại. Đó là việc của cấp trên, của Chính phủ còn đối với Thế là việc anh phải làm tròn bổn phận của mình ở cái chốt biên giới này.

Thường vào mỗi buổi chiều, Thế khoác súng đi một vòng trên đường tuần tra biên giới vừa mới làm xong rồi về chốt của mình. Những ngày đầu mới về nhận nhiệm vụ, vào giờ này nỗi buồn ập đến. Rừng núi mênh mông, con người lạ lẫm, một tiếng chim quen hót cũng thấy nao lòng, dù tiếng chim ấy ở quê anh vẫn thường nghe. Một cành cây khô rớt xuống cũng làm Thế giật mình. Điểm chốt thường có mấy người nhưng không phải  lúc nào cũng tề tựu đông đủ, người phải đi tuần tra, người phải vào bon, người về đồn có việc vì vậy việc chỉ còn một mình trên chốt, vào lúc hoàng hôn này là thử thách lớn với Thế. Mấy ngày đầu anh thấy mình chắc không thể vượt qua nỗi buồn đơn côi này, có lúc anh đã nghĩ đến chuyện bỏ chốt đào ngũ về quê.

Nhưng rồi một hôm, Thế theo thiếu úy Sơn trong đội công tác cơ sở xuống bon Udon để đón người dân trở lại sống trên mảnh đất xa xưa của họ. Bon này đã bị dồn dân về phía trong cách xa biên giới từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Những dãy nhà mới xây chờ dân, có cả nhà trẻ, mẫu giáo, trường cấp I khang trang. Cảnh trí này Thế thấy ở nhiều nơi, nó chẳng khác gì những làng tái định cư của các dự án thủy điện hay dự án giải phóng mặt bằng để làm công trình nào đó. Điều làm Thế phải để tâm là những cây cổ thụ còn lại trong làng, chỉ còn vài cây thôi nhưng là những cây cổ thụ trước khi làng rời đi. Thế không rành giống cây ở đây mà cũng không tiện hỏi để biết nó là loại cây gì, anh chỉ đứng nhìn thân cây nhẵn thín, nhiều chỗ không có vỏ, già làng chỉ cho anh những vết đen bầm trên thân cây là máu của các loài súc vật được dội vào khi làng có hội như săn được thú rừng hay trong lễ đâm trâu. Chính những cổ thụ này mới lôi kéo được người dân quay trở về bon sau mấy chục năm xa cách chứ không phải những ngôi nhà xây thẳng hàng ngay lối kia. Sau mấy tháng nhà cửa đường sá, trường lớp đã xây xong mà chỉ lác đác dăm bảy gia đình dọn về. Đó là điều làm đau đầu chính quyền địa phương cũng như những chiến sĩ biên phòng.

Thế hỏi một ông già đang tần ngần ngay trước căn nhà, còn mùi sơn, nền nhà lát gạch vương chút hồ:

- Sao già chưa dọn về ở?

Ông già lắc đầu:

- Không có chỗ đốt lửa, mình không về. Đốt lửa phải đốt dưới đất, không đốt trên gạch được. Quanh bon không còn rừng nữa, mình kiếm củi ở đâu.

- Vậy chỗ cũ còn rừng à?

- Rừng cũng sắp hết rồi, nhưng còn tìm được củi. Ở đây khó tìm củi lắm nên mình chưa về. Ngày trước mình sống ở đây, nhiều rừng nhiều củi lắm. Biên phòng đừng hỏi nữa, mình đau đầu mà.

Thế chưa có kinh nghiệm nhiều về những bà con M’Nông, nhưng nhìn dáng điệu và nét mặt của ông già anh hiểu họ chưa tha thiết về lại bon cũ.

Tối hôm ấy về chốt tự nhiên Thế không còn cảm thấy trống trải như các đêm trước, đã có những điều mới mẻ chen vào suy nghĩ của mình. Nét mặt ông già  M’Nông, những cây cổ thụ trong bon vẫn theo anh về chốt. Trong đêm anh nghe tiếng suối chảy rõ hơn, tiếng đập cánh của đôi đại bàng núi trong đêm cũng có gì đó khác lạ. Giấc ngủ miền biên ải đến với anh chậm hơn mọi đêm.

*

*   *

Thế lớn lên ở một miền quê cách đây mấy trăm cây số, đó là vùng đồng bằng duyên hải nhưng lại sát với rừng. Ngày nhỏ Thế thường theo cha vào rừng lấy mật ong trên một cây chò lớn. Đến hôm nay sống giữa cánh rừng được cho là còn xanh tốt ở biên giới Việt Nam - Camphuchia, nhưng Thế chưa gặp cây rừng nào to lớn như vậy. Cây chò có đường kính phải tới bốn năm mét, trên cành nó có cả trăm tổ ong. Cả người Kinh và người Thượng sống trong vùng đều quí trọng nó và cùng nhau chia sẻ nguồn lợi mật ong lớn. Người Kinh có kỹ thuật leo trèo hơn nên lấy được nhiều hơn, người Thượng cũng chẳng phàn nàn gì. Trong quá khứ đã có người Thượng leo lên lấy mật bỏ vào gùi, khi tụt xuống cái gùi vướng vào cành cây kéo lại rớt xuống đất bỏ mạng. Nhưng nói chung việc ăn chia nguồn mật ong quí giá này vẫn hòa thuận vui vẻ.

Nhưng rồi cũng đã gần hai chục năm, khi Thế lên năm tuổi cây chò đó bị triệt hạ. Cái thời này đất đai núi rừng cây cối đều là tài sản của toàn dân, chứ không phải chỉ của dân Kinh và dân Thượng sống quanh cây chò. Một liên hiệp công nông lâm nghiệp được thành lập và họ quyết định hạ cây chò để lấy gỗ. Hôm ấy Thế theo cha vào rừng để lấy những tổ ong cuối cùng trên cây chò trước khi bị hạ. Những người Thượng đứng quanh cây chò mặt buồn rười rượi. Họ chẳng thèm leo lên cây lấy mật. Khi những người Kinh đem mật chia cho họ, họ cũng không nhận. Họ không khóc thét lu loa nhưng những giọt nước mắt từ từ lăn trên má họ còn hơn bất cứ tiếng gào thét nào. Thế đã nhìn thấy điều đó, bằng đôi mắt trẻ thơ của anh lúc đó anh chỉ tự hỏi sao mấy người Thượng này lại thương cây đến như vậy. Nó gần giống như việc Thế đã khóc thét lên khi con chó nhà mình bị đập chết.

Những công nhân người Kinh chăm chỉ chuẩn bị máy móc để cưa cây không để ý đến đám người Thượng đang lầm rầm khấn bái thương khóc cho cây chò. Họ đưa vào đây các loại máy cưa lớn: cưa Nhật, cưa Mỹ. Khi chiếc MIC Koler luồn những lưỡi cưa lớn vào thân cây, những người Thượng khóc thét chạy vào rừng. Họ không dám nhìn cây chò thiêng liêng của mình bị khai tử. Những người lớn nói với nhau mà Thế nghe được gỗ của cây chò này đủ làm mười lăm ngôi nhà.

Nhìn những người già M’Nông tần ngần trước những cây cổ thụ còn lại của bon Udon, hình ảnh cây chò lớn bị hạ ở vùng quê ám ảnh Thế cả buổi chiều hôm đó. Anh nhận ra có mối liên hệ mơ hồ nhưng lại bền chặt giữa những cây cổ thụ và những con người ở đây với cây chò và những người Thượng quê anh. Anh chưa thể hình dung nó được một cách rõ ràng, nhưng anh biết đó là chuyện có thật. Anh tự nhắc mình phải làm điều gì đó để thấu hiểu những con người vốn gắn bó với rừng già. Anh biết đối với họ mất rừng, mất cây thì họ không còn là chính họ nữa. Thế chưa vội về chốt mà ở lại bon đến tối để trò chuyện với những ông già M’Nông đang tần ngần trước cây cổ thụ chưa muốn đi dù đã chập choạng tối.

*

*   *

Ngoài những người M’Nông hiền lành có cặp mắt đượm buồn và cái nhìn xa xăm, người mới gặp khó mà biết được họ đang nghĩ gì, trừ khi vào cuộc rượu cần, ngoài những cánh rừng trầm mặc ngày càng ít đi ở miền biên ải, những con suối gốc cây vốn giống nhau nhưng lại khác nhau ở chỗ nó ở bên này hay bên kia biên giới. Những câu chuyện xa xưa của đồn biên phòng này cũng làm cho Thế xúc động.

Thế đã nghe đồn trưởng, chính trị viên, những bác những chú nghỉ hưu về đây kể lại. Mỗi người một giọng, cùng một câu chuyện mỗi người kể một cách rồi anh hình dung ra những năm sau giải phóng vùng đất anh đang canh giữ nó như thế này: Cuộc sống đang yên bình, người dân vùng biên giới dù ở hai nước nhưng có họ hàng với nhau, cùng dân tộc với nhau, trong chiến tranh chống Mỹ đồng cam cộng khổ cùng bộ đội Việt Nam, bộ đội Campuchia chiến đấu vì mục đích chung bỗng dưng lại thành kẻ đối đầu nhau. Vào đêm 15 tháng Hai 1976 tức là chưa đầy một năm sau ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, Pol Pôt đã huy động cả tiểu đoàn, lợi dụng đêm tối bất ngờ tấn công vào các chốt của đồn. Dù có cảnh giác từ trước nhưng ít ai nghĩ được địch lại liều lĩnh như vậy. Sau cái đêm tháng Hai ấy, ròng rã mấy năm liền lực lượng nhân dân vũ trang thời ấy nay là bộ đội biên phòng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới đã thành những chiến sĩ cầm súng trực tiếp chiến đấu để giành từng tấc đất của Tổ quốc với kẻ thù mới vốn trước đây là bạn, hiểu biết cặn kẽ quân ta, có những thủ đoạn thâm độc khó lường, được một thế lực bành trướng hậu thuẫn và chỉ đạo đã biến một đất nước yên lành lăn ra diệt chủng ngay chính dân tộc mình và gây hấn với bạn bè.

Những chuyện lấn chiếm biên giới, tập kích vào các chốt của ta, Thế nghe nhiều lần nhưng anh không thể lý giải được vì sao nó lại xảy ra như vậy.

Nhưng với năm tháng với những trải nghiệm cuộc đời, Thế đã hình dung ra cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất biên giới của các thế hệ cán bộ chiến sĩ ở đồn biên phòng này, càng ngày anh càng thấu hiểu nỗi cam go khổ ải đổ bằng mồ hôi, công sức trí lực và máu của các bậc cha chú, các bậc đàn anh đã từng sống và chiến đấu ở đây. Anh hiểu ra những trận đánh mà anh từng không lý giải được.

Buổi chiều 15 tháng Hai 1976, một buổi chiều yên ả rừng không có tiếng gió, tiếng kêu của một con bìm bịp tận ngoài suối xa vọng về nghe rõ hơn ngày thường. Anh em trong đồn sau bữa chiều ai về vị trí ấy chuẩn bị ca gác đêm. Vài người xúm quanh chiếc radio nghe thời sự. Có người tranh thủ viết thư về thăm gia đình. Đất nước vừa thống nhất, lính cũ thì chờ đến ngày mình được đi phép, lính mới chưa vơi nỗi nhớ nhà. Chỉ có những cánh thư dù cả tháng đến nơi mới làm vơi đi nỗi nhớ của người lính vùng biên ải. Gần bảy giờ thì có tiếng súng nổ. Tiếng súng quá gần ngay đầu nhà. Rất nhanh chóng mọi người vào vị trí chiến đấu. Dù đã được chuẩn bị, tháng trước đã có diễn tập nhưng địch tập kích vào lúc chập tối là một bất ngờ không những với nhiều chiến sĩ mới mà còn với cả các chiến sĩ đã từng dạn dày trong chiến tranh chống Mỹ. Không phân biệt được tiếng súng của ta hay của địch vì đều cùng dùng súng bộ binh AK47 trung liên, B40 của phe xã hội chủ nghĩa. Chỉ phân biệt được ở cách bắn. Quân ta bắn phát một hoặc loạt ngắn, quân địch bắn cả tràng dài. Địch phụt B40 vào nhà ăn, căn nhà bốc cháy. Quân ta giữ vững chốt, giữ vững đồn rồi vòng ra phía sau đánh địch. Bờ suối, trên đồi nơi nào cũng có địch. Sau khi đẩy lùi được quân Pol Pôt sang bên kia biên giới chúng để lại ba xác chết cùng nhiều vết máu rải rác mới biết chúng đã dùng cả một tiểu đoàn để tấn công đồn.

 Bên ta hai đồng chí Chính và Hiệp hi sinh.

 Sau trận này đồn biên phòng của Thế và cả tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia bước vào cuộc chiến kỳ quặc, chẳng giống cuộc chiến nào, gian khổ cũng khác, khó khăn cũng khác, ác liệt cũng khác và xương máu đổ xuống không phải là ít trong lúc ở các thị thành phía sau đang náo nức với các lễ hội mừng đại thắng giặc Mỹ xâm lược.

   Sau cái đêm 15 tháng Hai đó, suốt cả năm 1976 rồi qua năm 1977 gần chục trận đánh xảy ra, không trận nào giống trận nào, trận nào cũng diệt được địch, đẩy địch về bên kia biên giới, quân ta chịu nhiều tổn thất, nhiều đồng chí hi sinh, bị thương.

  Cuộc chiến dai dẳng bảo vệ biên giới chỉ kết thúc với chiến dịch 47 ngày đêm liên tục chiến đấu bắt đầu từ ngày 29 tháng Ba 1978. Sau rất nhiều lần tấn công chiếm đồn chiếm chốt thất bại, lần này Pol Pôt huy động một trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn 902 có pháo binh cùng các binh chủng đến khu chiến. Vào đêm 29 chúng nã pháo và các loại hỏa lực vào chốt Đồi Xanh, chốt Hai Con Mắt và trung tâm đồn. Do có phương án tác chiến từ trước nên cán bộ chiến sĩ nhanh chóng xuống hầm ẩn nấp đồng thời các mũi, các hướng tăng cường quan sát phát hiện địch, khi pháo chuyển làn địch tổ chức nhiều mũi, nhiều hướng áp sát trận địa, liều lĩnh xông lên, nhưng không chiếm được mục tiêu do quân ta kiên cường chống trả. Liên tiếp những ngày sau đó, chúng củng cố đội hình điều thêm các loại hỏa lực 12 ly 7, DKZ 75 cối 82 ly chiếm được Đồi Xanh. Từ bàn đạp này chúng bắn tới tấp vào đồn, vào các chốt còn lại. Trận đấu diễn ra ngày này sang ngày khác, cho đến lúc ta tổ chức một trung đội vòng ra đánh vào phía sau lưng địch làm chúng bất ngờ, tiêu diệt hàng chục tên thu nhiều vũ khí địch mới chịu rút lui chạy về bên kia biên giới, phía chúng ta có bốn đồng chí hi sinh và nhiều đồng chí bị thương trong chiến dịch này.

 Sau đó, trên chiến trường Campuchia quân ta đã chuyển sang tổng tiến công, để tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pôt tránh cho dân tộc Campuchia một thảm họa. Các trận đánh phá biên giới của địch cũng chấm dứt.

 Khi Thế được phiên chế về đồn, đặt chân đến những địa danh từng xảy ra những trận ác liệt, nghe các thủ trưởng kể lại truyền thống của đơn vị, dần dần anh cảm nhận đó cũng là một phần tài sản của anh ở miền biên ải này.

    Có lẽ chẳng bao giờ Thế quên được đêm mưa cuối tháng Tám năm ngoái. Lúc anh đang cùng đồng đội tuần tra thì có tiếng người kêu thất thanh ở bên kia cầu biên giới. Ba chiến sĩ trong tổ cùng quay đến cầu. Một cái cáng hiện dần ra trong bóng đêm. Hai người đang khiêng cáng và hai ba người nữa đi theo. Có người nói to bằng tiếng Việt:

- Cứu với cứu với. Nó đau, nó chết thôi.

Tổ tuần tra của Thế đến bên cáng. Cái cáng dừng lại.

- Mình là người Campuchia. Con mình nó đau quá, nó kêu nó chết. Cáng về bệnh viện mình xa quá, nó chết mất. Biên phòng Việt Nam cho nó qua cấp cứu được không?

   Thế soi đèn pin vào cáng. Một thanh niên chừng 18 tuổi đang ôm lấy bụng bên phải kêu đau bằng tiếng M’Nông. Anh chàng to lớn đau vật vã đã làm những người khiêng cáng vất vả trong suốt chặng đường đến đây.

- Ở bon nào đến đây? Thế hỏi.

- Mình ở bon K đã khiêng nó được hai giờ rồi. Biên phòng Việt Nam cho nó qua cửa khẩu cấp cứu được không? Người cha Campuchia năn nỉ.

Thế rút di động gọi về đồn. Sóng chập chờn hai ba lần mới gọi được. Các thủ trưởng nghe xong báo cáo, đồng ý ngay và các thủ tục nhập cảnh cũng được giải quyết chóng vánh vì ở đồn cửa khẩu này nhiều lần đã cấp cứu người dân Campuchia như vậy. Lúc xe cấp cứu của bệnh viện đến cũng là hết ca tuần tra, Thế xin phép cấp trên cùng bệnh nhân theo xe về bệnh viện huyện. 

 Người thanh niên được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp nên đã được đưa ngay vào phòng mổ. Trong lúc ngồi chờ Thế bắt chuyện với người cha, ông biết tiếng Việt.

- Già người dân tộc nào bên đó?

- Mình người M’Nông.

- Già học tiếng Việt ở đâu?

- Thời kháng chiến chống Mỹ. Hồi đó mình là cán bộ bon có tham gia cùng bộ đội Việt Nam. Hai lần mình lên Stung-treng đào hầm cất vũ khí cho bộ đội. Bon mình cũng có dân lên Stung-treng gùi đạn ra mặt trận. Mình với bộ đội Việt Nam thân thiết lắm, mình cũng đã từng đào huyệt chôn cất các liệt sĩ Việt Nam đó, mấy năm trước mình đã chỉ cho cán bộ đưa hài cốt về Việt Nam. Mình học tiếng Việt với các anh bộ đội mấy năm nay không nói cũng quên nhiều rồi.

- Mấy năm Pol Pôt cai trị già ở đâu?

- Không muốn nhắc mấy năm đó nữa. Pol Pôt lấy bon mình làm sở chỉ huy đánh đồn Việt Nam. Mình có liên hệ với bộ đội Việt Nam nhiều, sợ sát hại phải lẩn trốn vào rừng đến khi Pol Pôt chạy khỏi vùng này mới về lại bon.

Ông già rút bao thuốc trong túi ra mời Thế. Anh cảm ơn ông và nói mình không hút thuốc. Ông già có vẻ là một người có học vấn vì ông kể nhiều chuyện về lịch sử vùng biên giới này từ những thời xa xưa, ông kể tường tận về những chuyện từ hồi Đông Dương thuộc Pháp. Thế ngồi nghe thấy rất lạ và rất mới so với những điều anh đã biết về vùng biên giới này. Sau khi hút tàn điều thuốc, ông nói:

- Nói là hai nước nhưng trong bon mình nhiều nhà có họ hàng bà con bên Việt Nam. Các cụ cố nhà mình cũng đã từng theo N’Trang Lơng đánh Pháp đó...

Ông già nói đến đây thì ca mổ đã xong. Người ta đưa con ông già về phòng hậu phẫu. Thế cũng chia tay gia đình ông để về đơn vị. Cái đêm tuần tra tháng Tám đó đã làm cho Thế hiểu ra thêm nhiều điều trên vùng đất mà anh đã sống và đang góp phần bảo vệ bình yên cho biên cương, không phải chỉ cho người dân đất nước mình mà còn cho người dân đất bạn.

Truyện ngắn: Cánh rừng phía ấy ảnh 1

Cái vỏ của truyện ngắn dưới đây là chuyện lịch sử, với những tình tiết rất đáng đọc. Nhưng nếu chỉ có vậy, truyện ngắn này sẽ không có mặt ở đây. Là một nhà văn cao tay, Thái Bá Lợi đã đưa vào tác phẩm những chi tiết “rùng mình”. Một trong số đó là những giọt nước mắt lặng lẽ của người dân tộc khi chứng kiến cái chết tức tưởi của một cổ thụ… Và chỉ cần những chi tiết đắt giá như thế, toàn bộ tác phẩm sáng bừng.

L.A.H

MỚI - NÓNG