Tu bổ cấp thiết giếng Thiên Quang ở Văn Miếu

Khu vực giếng Thiên Quang bị xuống cấp nay được tạm gia cố và cảnh báo cho du khách. Ảnh: Toan Toan.
Khu vực giếng Thiên Quang bị xuống cấp nay được tạm gia cố và cảnh báo cho du khách. Ảnh: Toan Toan.
TP - Các nhà kiểm định bắt tay đánh giá hiện trạng sụt lún móng của một đoạn tường ở khu vực giếng Thiên Quang (Văn Miếu- Quốc Tử Giám), mở đầu cho quy trình tu bổ cấp thiết hạng mục này.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết dự kiến hôm nay 27/4 trung tâm kiểm định và đánh giá chất lượng công trình tiến hành khảo sát khu vực sụt lún ở giếng Thiên Quang. Trước đó, Sở VHTT chính thức có văn bản giao cho Trung tâm. “Các chuyên gia chỉ có thể tiến hành đánh giá vào buổi tối do ban ngày lượng khách tham quan khá đông. Đơn vị nghiên cứu lập phương án tu bổ kết hợp chặt chẽ với bên kiểm định để đề xuất phương án tu bổ. Sau khi có phương án, chúng tôi sẽ xin ý kiến các nhà khoa học nhà chuyên môn. Sở VHTT Hà Nội sẽ báo cáo Bộ VHTTDL bởi Văn Miếu là di tích quốc gia đặc biệt”, ông Kiêu nói. Ông nói thêm dự kiến thời gian kiểm định phải mất 10 ngày.

Tình trạng sụt lún xuống cấp của hạng mục này đã được Trung tâm nói rõ trong văn bản báo cáo Sở VHTTDL, sau đó là bản báo cáo UBND TP Hà Nội. “Vào lúc 16h45 ngày 27/3/2017, tại khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10m) bao quanh hồ, khu vực đối diện với cổng Đại Trung bị trôi ra làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống. Hiện tượng này cũng diễn ra tại khu vực đối diện với Khuê Văn Các lúc 11h15 ngày 28/3/2017”, ông Kiêu nhắc lại.

Trong văn bản báo cáo thành phố Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nêu: “Sau khi phát hiện sự việc, Sở VHTT chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẩn trương tiến hành các biện pháp xử lý: Gia cố phần móng bị trôi; tổ chức, phân luồng khách tham quan không qua khu vực đang xảy ra sự cố, đảm bảo việc tham quan của du khách tại di tích diễn ra bình thường; Tiến hành khảo sát sơ bộ để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết”.

Lãnh đạo Sở cũng nêu, quá trình khảo sát ban đầu cho thấy hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng được xác định là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ và vữa vôi không có xi măng cốt thép, do để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều cộng với nền đất khu vực giếng Thiên Quang rất yếu dẫn đến hiện tượng sụt lún. “Việc trôi móng tường lan can bao quanh giếng Thiên Quang nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm cho hệ thống tường lan can bao quanh giếng sụp đổ gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan của di tích”, ông Tô Văn Động nói. Do đó Sở đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở VHTT Hà Nội nghiên cứu, đánh giá tổng thể và xây dựng phương án tu bổ cấp thiết hạng mục này.

Lần tu bổ giếng Thiên Quang gần nhất năm 1994. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu cho biết theo tài liệu để lại lần tu bổ này chỉ đơn giản là nạo vét bùn trong giếng cùng với hạng mục xây dựng đình che bia, sửa chữa đường đi. Trước đó, năm 1904 dưới thời Pháp thuộc, Hội đồng quản lý Văn Miếu gửi Thị trưởng Hà Nội-Tòa Công sứ Hà Đông đề xuất tu sửa giếng Thiên Quang cùng một số hạng mục khác, với số tiền khoảng 3 nghìn bạc tiền Đông Dương. Hiện nay, để tránh những tác động thêm của du khách ảnh hưởng đến khu vực giếng Thiên Quang, Trung tâm che bạt và làm hàng rào và biển cảnh báo. Lãnh đạo Trung tâm cũng nói từ sau khi tạm gia cố khu vực này không phát hiện thêm hiện tượng sụt lún nào nữa, đồng thời Trung tâm chú ý đến bảo vệ an toàn cho du khách.

Cùng với việc phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng không thể chậm trễ xem xét khảo sát đánh giá và có kế hoạch tu bổ một loạt hạng mục xuống cấp khác của di tích như Điện Đại Thành, hệ thống tường gạch vồ quanh Văn Miếu và hồ Văn, bia tiến sĩ.

MỚI - NÓNG