Từ cô đốn củi đến điểm du lịch

TP - Lặng ngắm thành quả giữa ngôi nhà thời trang “Lan Hương Fashion House”, địa chỉ vừa được thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch, có lẽ, nghệ nhân Lan Hương cũng không thể ngờ cô thợ may miền sơn cước ngày nào lại có thể vẽ lên cả giấc mơ chỉ bằng sự chăm chỉ và tình yêu thủy chung với một tà áo.

Nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã mặc áo dài do Lan Hương thiết kế và đệ nhị phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden cũng dùng khăn lụa thêu của Lan Hương.

Từ ước mơ của cô đốn củi…

Ngồi giữa không gian áo dài do chính mình tay trắng làm nên, Lan Hương không nén nổi xúc động. Vuốt ve từng thớ vải, kỷ niệm những ngày đầu khởi nghiệp lại ùa về.

Từ cô đốn củi đến điểm du lịch ảnh 1

Nhà thiết kế Lan Hương (đứng giữa) và những thiết kế áo dài tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt. Ảnh: Thanh Hương

Không hề được học một ngày nào về thiết kế, cắt may, Lan Hương đến với thời trang bằng bản năng và cần cù. Sinh ra ở một vùng quê Hoà Bình, tuổi thơ của Hương là những ngày vất vả, 7 tuổi đã phải vào rừng đốn củi phụ giúp gia đình. 9 tuổi, nhờ những lần lân la qua nhà hàng xóm làm thợ may để “học lỏm”, Hương đã biết áp quần áo lên vải rồi vẽ lại bằng than củi, cắt vải bằng kéo thủ công và dùng kim tay may quần áo cho mình. Thời sinh viên, Hương dành dụm mua được chiếc máy khâu cũ và cứ thế cành cạch suốt 4 năm trời, Lan Hương trở thành thợ may bất đắc dĩ của trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Khi Hương quyết định từ bỏ bằng đại học Văn hóa để đi theo nghề may,  cả gia đình đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là suy nghĩ hão huyền. Cô gái trẻ vẫn quyết tâm đi thuê nhà để thực hiện đam mê của mình. Vay mượn bạn bè, cô mua được cái máy khâu cũ và bắt đầu nhận may đo. Nhờ sự chú tâm, chăm chút từng đường kim mũi chỉ, sự khéo tay và sáng tạo nhiều mẫu mới mà tiệm may nhỏ xinh của Lan Hương ngày càng đông khách.

Sau khi lập gia đình, Hương hùn vốn với bạn mở cửa hàng trang điểm và cho thuê áo dài, áo cưới. Có những lúc kinh doanh không hiệu quả, chị bàn với chồng thế chấp hết đất đai nhà cửa để vay mượn đầu tư.

Khi quyết định chuyển qua thiết kế áo dài truyền thống trên nền lụa Việt thêu tay cũng là khoảng thời gian Lan Hương phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Khách hàng đến đặt may áo dài đều từ chối những mẫu thiết kế của chị. “Nghe đến tơ tằm hay thêu tay, họ vội vã lắc đầu vì sợ già, sợ xấu, sợ quê. Nhiều lúc buồn lắm vì mình đang tâm huyết lại bị từ chối, nhưng vẫn kiên trì bảo khách rằng chị cứ may đi, xấu em đền, cứ cho em một cơ hội”- Lan Hương kể. Ban đầu, khách tặc lưỡi đồng ý vì thấy Hương tha thiết quá. Nhưng rồi, với sự trau chuốt cầu kỳ từng họa tiết, kiểu dáng, từng đường kim mũi chỉ, Lan Hương đã chinh phục được tất cả những khách hàng khó tính nhất.

Hiện nay, trong làng thời trang Việt Nam, nhắc đến áo dài, người ta sẽ nhớ đến một Lan Hương với những thiết kế áo dài truyền thống tinh tế, tôn vinh vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà của người phụ nữ Việt. Các bộ sưu tập áo dài của Lan Hương được các người đẹp chọn mặc trong các cuộc tỷ thí nhan sắc trong nước và quốc tế, được mang đi lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới… Năm 2014, chị được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân áo dài. Đầu năm 2016, Lan Hương cũng là nhà thiết kế thời trang đầu tiên được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa - thể thao - du lịch Việt Nam”.

Với những gì làm được, Lan Hương vẫn không nhận mình là nhà thiết kế. Bởi chị… chẳng có kiến thức gì về thời trang. “Tôi thường ngồi trong một kho vải, đặt những màu cạnh nhau, thiết kế bằng sự tưởng tượng, cảm nhận chứ không có kiến thức gì về phối màu. Thậm chí đến bây giờ tôi vẫn không biết theo lý thuyết màu gì đi với màu gì thì hợp, màu nào đối chọi với màu nào. Nhưng rất may, sự kết hợp trong các thiết kế của tôi được nhiều người chấp nhận, thậm chí người ta còn nói màu sắc của tôi rất lạ, không theo mô-tuýp nào”- Lan Hương cười chia sẻ. Như một con ong chăm chỉ, mày mò từ những điều nhỏ nhất của nghề may, Lan Hương đã đến với con đường này, đơn giản chỉ bằng bản năng và niềm đam mê sáng tạo.

… Đến một địa chỉ du lịch

Những ngày này thật khó để gặp được Lan Hương. Vừa thấy chị ở Hà Nội, thoắt cái đã lên Thái Nguyên, vài tiếng sau đã có mặt ở Hòa Bình. Không gian ở 18 Âu Cơ cũng bị “xới tung”, rộn ràng tiếng khoan đục. Tất cả đều tấp nập chuẩn bị cho Lễ khai trương “Không gian áo dài Việt” vào ngày 11/12. 

Lan Hương bảo, sau 20 năm tha thiết với nghề, chị chỉ muốn “Không gian áo dài Việt” sẽ là nơi để chị kể câu chuyện về tà áo dài truyền thống và làng nghề Việt Nam.

Như một “bảo tàng” thu nhỏ, ngôi nhà có hai khu trưng bày, đó là phần trưng bày lịch sử áo dài Việt qua các thời kỳ và phần trưng bày thứ 2 là áo dài đương đại của chính NTK Lan Hương. Bên cạnh đó là các BST đi kèm như nón lá, trang sức, guốc mộc…

Đồng thời “Không gian áo dài Việt” cũng sẽ tổ chức những buổi biểu diễn thời trang và trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như nhạc cụ dân tộc, ca trù, thưởng thức văn hóa uống trà của người Hà Nội.

Tại không gian này, du khách cũng sẽ được gặp gỡ và chuyện trò với các nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề. Khi xây dựng “Không gian áo dài Việt”, Lan Hương đã tự tìm đến các nghệ nhân làm nghề truyền thống để thuyết phục họ cùng hợp tác và giữ nghề. “Ở làng Triều Khúc có 2 nghệ nhân làm guốc mộc thì một người đã bỏ nghề đi nấu cỗ thuê. Người còn lại từ chối đề nghị của tôi vì sợ làm ra không ai mua. Tôi bảo bác cứ làm, cháu mua hết”. Đặt niềm tin vào Lan Hương, nhiều nghệ nhân làm thêu ở Thường Tín, làm lụa ở Hà Đông, làm guốc ở Triều Khúc, thậm chí cả những người Chăm dệt thổ cẩm ở Bình Định, dệt lanh ở Hà Giang, dệt bông Hà Tĩnh… cũng đã đồng ý quay lại làm nghề, cung cấp nguyên liệu cho Lan Hương và cùng nhau tụ hội ở “Không gian áo dài Việt”.

“Tôi muốn cả thế giới không chỉ biết đến tà áo dài Việt Nam mà còn hiểu được phía sau nó là câu chuyện về những nương dâu, những con tằm và sự tần tảo của người phụ nữ Việt, sự kiên trì của các nghệ nhân tâm huyết trong từng sản phẩm. Áo dài Việt Nam sẽ không chỉ là một tà áo”- chủ nhân thương hiệu áo dài nổi tiếng chia sẻ.

MỚI - NÓNG