Từ phim lãng đãng đến phim làng

Từ phim lãng đãng đến phim làng
TP - Từng đình đám với phim phố thị, mà tiêu biểu là Em còn nhớ hay em đã quên, một ngày kia Nguyễn Hữu Phần rũ bỏ ánh đèn thành phố tìm về làng quê. Ông lại khuấy động chốn yên bình bằng những Đất và Người, Gió làng Kình, Ma làng… Xem ra vị đạo diễn này dễ thích nghi, sống ở đâu cũng hợp.

> Chủ tịch tỉnh sa ngã lên phim

Một thời làm phim thơ

Thời xa xưa ấy, vì lý lịch “xấu”, bị gắn mác “con địa chủ” nên lận đận mãi Nguyễn Hữu Phần mới thi được vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Văn học.

Rõ là không hợp thời nhưng có lẽ sự không may ấy đã giúp ông thăng hoa trên con đường của một đạo diễn làm phim giàu chất thi ca - mà nhiều người gọi đó là dòng “phim lãng đãng”.

Ông bước chân vào làng điện ảnh trong thời điểm vắng bóng cơ hội cho những đạo diễn trẻ, “hồi đó điện ảnh là thứ cao cấp của “cây đa, cây đề”.

Không chịu bó tay, ông cùng với Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn… lập ra nhóm điện ảnh trẻ, vận động tiền của những người giàu để làm phim.

Nguyễn Hữu Phần thử sức mình đầu tiên bằng những bộ phim “thơ thơ một chút”. Bộ phim từng một thời làm mưa gió Em còn nhớ hay em đã quên do Nguyễn Hữu Phần vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn, từng trình Hãng phim truyện Việt Nam nhưng ban biên tập đọc xong đã bỏ đi với lý do “phim chả hiểu gì cả, đọc không thấy có truyện”.

Không chấp nhận thân phận “sọt rác”, Nguyễn Hữu Phần tự tay nuôi Em còn nhớ hay em đã quên. Ông vay tiền bạn bè để làm phim, sau đó đi phát hành, thu lại tiền, trả nợ. Có thể nói, Nguyễn Hữu Phần là người đầu tiên ở miền Bắc làm phim điện ảnh bằng hình thức “kéo” tư nhân vào cuộc.

Cho đến bây giờ, chưa có cuộc làm phim nào của Nguyễn Hữu Phần vất vả như khi làm Em còn nhớ hay em đã quên nhưng cũng từ đó ông tích lũy nhiều kinh nghiệm về kinh doanh phim ảnh, hiểu thêm về văn hóa vùng miền.

Khi mang Em còn nhớ hay em đã quên về miền Tây, khán giả quay mặt vì ở đó người ta không biết gì về Trịnh. Trở về Sài Gòn, phim lại được đón nhận nồng nhiệt…

May cho Nguyễn Hữu Phần, vì bộ phim cũng gỡ được tiền, lời một chút. Em còn nhớ hay em đã quên khơi mào cho dòng phim “mỳ ăn liền” ào ạt sau đó nhưng lại “ẵm” năm giải thưởng của Liên hoan phim quốc gia.

Bộ phim đã “tung ra” những gương mặt ấn tượng của điện ảnh Việt một thời: Lê Công Tuấn Anh, Trương Ngọc Ánh. Khi vào vai Diễm, Trương Ngọc Ánh mới 16 tuổi, chưa có kinh nghiệm về diễn xuất, cô là hoa khôi của một trường trung học ở Hà Nội.

Và kỷ niệm với Trịnh

Nhiều người vẫn nghĩ Em còn nhớ hay em đã quên là câu chuyện về cuộc đời cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn. Nguyễn Hữu Phần tâm sự: “Tôi không nghiên cứu cuộc đời Trịnh, tôi tự bịa ra bằng việc sắp xếp các bài hát. Tôi đã đến gặp Trịnh và nói: Tôi lấy của ông mấy bài hát này để tôi làm phim, chứ không phải tôi làm phim về cuộc đời ông. Sơn đồng ý ký cho tôi, rồi tôi trả tác quyền. Kịch bản không phải thông qua Sơn”.

Nguyễn Hữu Phần biết Trịnh Công Sơn từ trong chiến tranh với mảng ca khúc thời chiến, sau hòa bình mới biết đến tình ca Trịnh. Một hôm, ông đọc được một bài viết của Khánh Ly, viết cho Hội những người yêu Huế.

Bài viết có tên “Sông vẫn chảy đời sông, nước vẫn trôi đời nước, chỉ tình người…”. Trong đó có đoạn viết về kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, Nguyễn Hữu Phần thích và đã sử dụng trong phim của mình: “Có những buổi tôi và Sơn ngồi ở quán cà phê ven hồ Xuân Hương. Sơn quay ra nhìn hồ nước mênh mông mù sương và câu hỏi của tôi là: Sống ở trên đời cần gì hả anh? Sơn quay lại nhìn tôi, anh nói: Cần có một tấm lòng. Tôi lại hỏi: Để làm gì? Anh ấy quay ra không nhìn tôi mà đưa tay đẩy gọng kính lên và nói như với mặt hồ: Để gió cuốn đi”.

Nguyễn Hữu Phần chọn Thùy Dung hát nhạc phim, Thùy Dung không biết bài hát này, cô bảo: Để cháu nghe lại Khánh Ly đã, mai sẽ thu.

Vị đạo diễn xua tay: Đừng nghe Khánh Ly hát, cháu cứ hát đi. Và Thùy Dung đã hát Để gió cuốn đi theo cách riêng của mình. Nguyễn Hữu Phần tự hào bởi Em còn nhớ hay em đã quên đã góp phần phổ biến rộng rãi ca khúc Để gió cuốn đi.

Đạo diễn nhớ một kỷ niệm với Trịnh, vì vận động tiền làm phim hơi lâu nên khi mẹ Trịnh Công Sơn mất, phim vẫn chưa bấm máy. Sự ra đi của người mẹ khiến nhạc sỹ tài hoa rơi vào khủng hoảng, ông bỏ ra nước ngoài với các em.

Nửa năm sau Trịnh Công Sơn trở về, Nguyễn Hữu Phần làm xong phim, báo chí đã bắt đầu nói đến. Một hôm, vào Nam thực hiện phần lồng tiếng cho phim, Nguyễn Hữu Phần đến nhà Trịnh Công Sơn.

Nhạc sỹ lạnh lùng, không mời rượu cũng chẳng mời nước, ông bảo: Tôi vừa ở bên kia về, xem chúng nó lấy nhạc tôi làm karaoke chán quá, cứ mấy cô mặc áo tắm đi đi lại lại làm nền, bây giờ ông lại làm phim về cuộc đời tôi, sợ quá.

Nguyễn Hữu Phần trấn an: Ông cứ xem đã. Rồi họ cùng xem phim trong im lặng, được phần ba phim, Trịnh kêu: Dừng lại, để tôi gọi chúng nó đến cùng xem. Một lát sau Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Cung… đến, Nguyễn Hữu Phần chiếu lại từ đầu, lúc này Trịnh Công Sơn mang rượu ra mời bạn.

Nghe giọng hát Thùy Dung, ông hỏi: Con bé nào hát hay thế? Bảo nó vào đây ở với tôi, tôi dạy nó như ngày xưa tôi dạy Khánh Ly ấy. Nhưng Thùy Dung không Nam tiến, Trịnh Công Sơn cũng tìm được một học trò đất Bắc khác, “Bống” Hồng Nhung.

Ở đâu chiếu ra mắt Em còn nhớ hay em đã quên Trịnh Công Sơn cũng cùng đi với Nguyễn Hữu Phần. Ở buổi chiếu họp báo, một Việt kiều định mua phim với điều kiện, lồng tiếng hát Khánh Ly vào.

Vị đạo diễn phản đối điều kiện đó, dù giá mua phim rất được vào thời điểm ấy. Trịnh Công Sơn cũng đồng ý với Nguyễn Hữu Phần, giữ nguyên tiếng hát Thùy Dung.

Mải mê về làng

Sau Em còn nhớ hay em đã quên Nguyễn Hữu Phần còn làm một số phim thơ khác nữa, nổi bật là Bản tình ca trong đêm.

Ông còn ghi dấu trong một loạt phim truyền hình thuộc dòng lãng đãng: Lẽ nào anh lại quên, Mảnh đời của Huệ, Ngọt ngào và man trá (bộ phim cuối cùng của Lê Công Tuấn Anh)…

Trước đòi hỏi của tính báo chí trong phim truyền hình, Nguyễn Hữu Phần làm Đất và Người (dựa theo Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường).

Làm xong ông cũng coi đây chỉ là bộ phim bình thường nhưng lại nhận được hiệu ứng lớn từ khán giả. Người nông dân được thấy cuộc đời lên phim, họ thích.

Người thành phố “bội thực” với phim nhà lầu, xe hơi giờ được trở về làng quê mát mắt, cũng lại thích. Nhưng để làm một phim nông thôn cho ra hồn không dễ.

Để Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường lên phim thu hút hơn, Nguyễn Hữu Phần đã nuôi nhân vật Quềnh đến hết phim: “Số phận anh ta là số phận người nông dân bần cùng nhất nên anh ta bàn về những vấn đề của nông dân là đúng nhất”.

Tạo ra những nhân vật giữ chân khán giả như Giỏ, Ló, Quềnh… là “chiêu” của Nguyễn Hữu Phần khi làm phim nông thôn. Ông cho rằng phim ảnh của ta giờ đang thiếu vắng những nhân vật tính cách. Đa phần là những manơcanh nhàn nhạt.

Từ ngày làm phim về nông thôn, ông hay về làng quê. Những câu chuyện của người quê giúp ông có thêm nguồn mạch sáng tạo. Nguyễn Hữu Phần có thể ngồi nói chuyện với một ông bán nước chè, một bệnh nhân HIV là nông dân ở giai đoạn cuối…

Ông kể chuyện về nông thôn và phim nông thôn một cách say mê. Nguyễn Hữu Phần đã viết xong kịch bản Ma làng 2, xoáy vào nông thôn thời hiện đại.

Nhân vật vẫn giữ nguyên như Ma làng 1, cấu tạo truyện rất dễ: “Nhân vật lật ngược lên là xong, cô Ló ngày xưa nghèo nhất làng, giờ thành ra giàu nhất làng, khi đất được dùng làm sân gôn. Anh Tâm bộ đội, lên phó chủ tịch huyện, phụ trách dự án, giờ còn tham nhũng hơn ngàn lần cái thằng anh ấy đánh đổ… Nhân vật nào cũng có số phận, thích lắm. Cô Bẹo, bán quán rượu, không sống độc thân nữa, cặp đại gia, làm tín dụng đen, sau phá sản bỏ khỏi làng…”.

Dày công viết kịch bản Ma làng 2 trong suốt 6 tháng nhưng một điều đáng tiếc, Nguyễn Hữu Phần không tiếp tục đạo diễn bộ phim này. Từng vận động tiền của tư nhân làm phim nhưng Ma làng 2 lại là “ca” thất bại của Nguyễn Hữu Phần khi kết hợp làm phim với tư nhân.

Rất có thể kịch bản tâm đắc của Nguyễn Hữu Phần sẽ không thành công khi “gạo nấu thành cơm”. Bộ phim Ma làng 2 không có sự góp mặt của NSƯT Kim Oanh (trong vai Ló), vai diễn của cố nghệ sỹ Hồng Sơn chuyển cho NSƯT Công Lý.

Chất hài hài của Công Lý liệu có tạo nên dấu ấn hay không, còn là nghi ngờ. Nhưng Nguyễn Hữu Phần không có thời gian để nghiền ngẫm nỗi buồn. Ông lại mải mê với những dự án phim ảnh khác. Chẳng biết tới đây ông sẽ đưa khán giả về làng hay ra phố?

Khoái xê dịch

Từ phim lãng đãng đến phim làng ảnh 1
 

“Tôi không thích ngồi một chỗ. Ngay cả thời làm công nhân, nếu hôm nào cũng đứng trước cái máy tiện thì tôi chán. Sau đó tôi xin đi mắc điện ngoài đường lại thấy sướng hơn, vì mỗi hôm một chỗ, mỗi hôm một trò. Rồi tôi đi dạy học, ba năm lại có cảm giác mình là cái máy hát đứng một chỗ nói lăng nhăng, tôi chán, bỏ đi, vào xưởng phim… Nghề đạo diễn là nghề tuyệt vời nhất với tôi, mỗi ngày một khác, mỗi ngày một trò”.

Lận đận với danh hiệu

Từ phim lãng đãng đến phim làng ảnh 2
 

Nguyễn Hữu Phần vừa nhận giải thưởng Nhà nước cho chùm phim về đề tài nông thôn. Hỏi ông về danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, ông bảo: “Tôi thiếu ba tháng để thành nghệ sỹ nhân dân”. Nhưng ông không buồn vì “cái số tôi nó thế, cái gì người ta phấn đấu dễ dàng thì mình lại khó khăn”. Mãi tới năm 2007, Nguyễn Hữu Phần mới được phong danh hiệu NSƯT, cho dù phim của ông đã nổi tiếng và rinh giải từ những năm 1990, 1992.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG