Từ thánh đường đến địa đạo

Không ai muốn rơi xuống hầm chông này. Ảnh: N.M.Hà
Không ai muốn rơi xuống hầm chông này. Ảnh: N.M.Hà
TP - Nếu có một ngày rảnh rỗi ở Sài Gòn, du khách có thể đi tham quan địa đạo Củ Chi và tòa thánh Tây Ninh.

Địa đạo Củ Chi được tạp chí National Graphic (Mỹ) đánh giá là một trong 10 đường hầm hấp dẫn nhất thế giới, trong khi tòa thánh Tây Ninh là trung tâm đầu não của đạo Cao Đài - tôn giáo duy nhất có xuất xứ Việt Nam với 5 triệu tín đồ rải rác khắp thế giới. Hai địa điểm khá hấp dẫn bởi tính độc đáo sẽ được ngành du lịch “xử lý” thế nào?

Tôi mua tour đi Củ Chi và tòa thánh Tây Ninh tại đại lý ngay tầng trệt nơi tôi lưu trú. Tuy chỉ là “room for rent”- loại hình nhà trọ ở chung với chủ rất sẵn ở khu phố Tây Bùi Viện- nhưng nó còn gọn gàng tinh tươm hơn nhiều khách sạn nhỏ ở quận 1. Người Việt mua tour ở phố Tây không tránh khỏi thiệt thòi vì hướng dẫn viên (HDV) chủ yếu nói tiếng Anh.

Cưỡi ngựa xem… tòa thánh

Bạn chỉ cần báo tour qua nhân viên nhà trọ đêm hôm trước là có thể khởi hành sáng hôm sau. Xe 16 chỗ đón tận nơi, 160 ngàn đồng/người không bao ăn. Trong lịch, du khách được đưa vào một nơi bán hàng sơn mài do người khuyết tật chế tác. Ấn tượng là sản phẩm hơi đắt (giá từ nửa triệu đến hàng trăm triệu tùy kích cỡ) so với tính chất mỹ nghệ, cũng như so với thu nhập của người làm ra chúng - khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Do bị giới hạn tốc độ nên thời gian chủ yếu của tour ở trên xe. Chúng tôi đến tòa thánh vào giữa trưa và chỉ có hơn nửa tiếng để tham quan. Thời gian đó chỉ đủ để xếp hàng vào thánh đường (trong khi các tín đồ tất bật chuẩn bị cho buổi lễ vào chính ngọ), đứng xem và chụp ảnh thánh lễ từ ban công trên cao, chứ cũng không được tự do đi lại trong thánh đường, hay lại gần những chi tiết kỳ bí như quả cầu vẽ con mắt - tức Quả Càn Khôn và Thiên Nhãn.

Được biết ông Ngô Văn Chiêu do cầu cơ mà liên lạc được với đấng thiêng liêng từ đó lập lên đạo Cao Đài. Nhưng với du khách nước ngoài, HDV chỉ nói đơn giản là ông mơ thấy thượng đế về chỉ bảo việc lập thành tôn giáo.

Để vào trong, mọi người bỏ giày một bên, và tuyệt đối không được đi qua mặt tiền tòa thánh để trở lại chỗ để giày. Vì trong thời gian hành lễ, đó được xem là nơi có nhiều linh hồn tụ về và chúng ta không cẩn thận sẽ bước lên đầu họ. Vài vị tín đồ đáng kính đứng canh bên hông tòa thánh, ai dạm chân định băng qua sẽ bị nhắc ngay.

Đi hết một phần vạn địa đạo

Tại cửa vào khu du lịch Củ Chi, khách Việt chỉ phải bỏ 20 ngàn đồng mua vé, nước ngoài: 90 ngàn. Trước tiên, du khách được dẫn đến một căn nhà có mái nhưng ba phía để trống để xem phim. Bộ phim Du kích Củ Chi (chứ không phải về địa đạo) có lẽ không dành cho người Việt vì nó được thuyết minh bằng tiếng Anh và không có phụ đề. Hình ảnh trắng đen sản xuất từ 1967 quá mờ nhòe được chiếu trên màn hình TV không to hơn cái ở nhà của tôi là bao.

Dưới địa đạo, cảm giác thời gian trôi chậm hơn và tâm lý khách về cuối tour thường sợ bị “bỏ rơi” hoặc ngại bắt những người ở trên phải đợi. Một số điểm tham quan như phòng mổ hay giếng nước đáng tiếc không thấy đưa vào tour. Sau khi đi lên từ địa đạo, du khách được thưởng thức sắn luộc- lương thực quan trọng của người dân dưới địa đạo khi xưa.

Du khách được trải nghiệm cách du kích chui xuống hầm. “Anh này bị lộ rồi,” nữ HDV cười khi thấy một du khách quên không ngụy trang nắp hầm hình chữ nhật bằng lá khô. Kể cả nắp hầm bị phát hiện, đối phương cũng không có cơ hội đột nhập vì bên dưới nắp có cài mìn.

Chạm tay vào các ụ mối giả mọc đầy rêu (là nơi đục lỗ thông khí cho địa đạo), tôi thấy nó cứng như vữa. Nhưng không phải nó được “bê-tông hóa” để phục vụ du lịch mà chính là vì kết cấu đất Củ Chi cứng như thế. Gọi Củ Chi đất thép đúng cả về nghĩa đen.

Chỉ ngó qua các loại hầm chông, cửa chông… đã đủ rùng mình. Khi quân địch đến cứu đồng đội sa hố chông sẽ bị nổ banh xác vì đụng phải mìn bên dưới bàn chông. Xưởng tái chế vũ khí (bom) của địch thành (mìn) của ta khá ầm ĩ. Các ma-nơ-canh được cài động cơ chỉ cần bật công tắc sẽ kéo cưa lừa xẻ như thật.

Phim tài liệu dài một tiếng của đạo diễn Mickey Grant trúng đề tài địa đạo hơn Du kích Củ Chi, đang lưu hành trên YouTube, với phần phỏng vấn nhiều nhân chứng, trong đó có nữ tướng Nguyễn Thị Định. Theo phim này thì quân ta không cẩn thận cũng sẽ mắc phải mìn của chính mình. Đúng là vũ khí thì không có mắt.

Du khách được đưa đến trường bắn để làm xạ thủ. Mỗi viên đạn có giá 20 đến 40 nghìn. Bắn trúng 2 viên trở lên sẽ được tặng quà gồm đồ lưu niệm và 1 đĩa phim Du kích Củ Chi. Tôi giật mình liên tục mỗi khi nghe tiếng đạn bắn. Kiểu này thì khả năng điếc của chiến sĩ khi xưa là rất cao. Đem thắc mắc hỏi các cán bộ phụ trách trường bắn mới vỡ lẽ do trường bắn được đào sâu xuống dưới mặt đất (để đảm bảo an toàn) với các kết cấu bê tông- cộng hưởng lại mới tạo nên âm thanh chát chúa.

Phần được mong đợi của chuyến đi là trải nghiệm địa đạo kéo dài không lâu. Quả thực khó hình dung đã có hàng trăm nghìn người từng sống và chiến đấu trong hệ thống 250km đường hầm, trong khi chúng tôi mới chỉ khom người đi mấy chục mét đã mỏi nhừ, mồ hôi túa ra. Nhiều du khách (nhất là những người to béo) không thể kham nổi quãng đường trăm mét, nên cứ 20m lại có một lối thoát bằng bậc thang đi lên.

Củ Chi từng rất trù phú với nhiều loại hoa trái nhưng đã bị bom đạn và chất độc hóa học tàn phá thành bình địa. Chiếc xe tăng Mỹ vướng mìn kẹt lại trên địa đạo nay lọt thỏm giữa những thân cây cỡ cánh tay. Bốn mươi năm sau chiến tranh, những cánh rừng đang dần hồi sinh.

MỚI - NÓNG