Tưởng nhớ Lạc Long Quân bằng tiệc ánh sáng

PGS- TS Bùi Quang Thắng
PGS- TS Bùi Quang Thắng
TP - Lần đầu tiên, lễ hội Bình Đà năm nay có màn trình diễn ánh sáng bằng công nghệ hiện đại và trình diễn nghệ thuật thư pháp, được coi là những điểm nhấn cho lễ hội.

Tiền Phong có cuộc phỏng vấn với PGS. TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, người nhận trách nhiệm nâng cấp lễ hội này.

Có vẻ như, anh là người có duyên với việc phục dựng lễ hội. Anh cứ “sờ” vào lễ hội nào thì lễ hội đó nổi đình nổi đám?

Tôi không giỏi đến như thế nhưng “mô hình bảo tồn – phát triển” mà tôi theo đuổi hàng chục năm nay đã được kiểm nghiệm như là một mô hình bảo tồn di sản phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Thực ra, trên thế giới mô hình này đã quá phổ biến, chỉ tiếc là ở ta nhiều nhà khoa học còn chưa hiểu rõ mô hình này và vì thế đôi khi dẫn đến những tranh cãi vô bổ.

Anh có thể nói rõ hơn về “bữa tiệc” ánh sáng ở Bình Đà không?

Tại đền thờ Lạc Long Quân, trong 3 đêm (ngày 1,2 và 3 tháng 4) sẽ có những cuộc trình diễn ánh sáng trên nền tiền môn của ngôi đền này. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một cuộc trình diễn ánh sáng đương đại trên nền không gian một di tích. Rất may là hiện nay công nghệ ánh sáng này đã có ở Việt Nam, chứ nếu thuê từ nước ngoài thì ta không đủ tiền để làm.

Tuy nhiên, nội dung của chương trình cũng là một bài toán hóc búa mà lãnh đạo huyện Thanh Oai (Hà Nội) đặt ra, bởi nếu không có nội dung liên quan đến di tích và Lạc Long Quân thì trình diễn này làm ở đâu mà chẳng được.

Vì thế, tôi đặt hàng với các kỹ sư vi tính 3 chương: Chương 1, “Những ngôi đền của những vị thần bất tử trên thế giới”, ở đây, người dân sẽ được thưởng thức sự biến đổi của tiền môn đền thờ Quốc Tổ thành những ngôi đền thờ của những vị thần bất tử từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới như Hy Lạp, ở Ai Cập cổ đại, ở nền văn hóa Maya.

Chương 2: “Thủy cung” (theo truyền thuyết Lạc Long Quân là rồng) và chương 3 là “Đền thờ Lạc Long Quân” diễn tả sự biến đổi về chất liệu cũng như kiến trúc của ngôi đền theo trục thời gian. Chương trình có sự tham gia trình diễn tương tác âm nhạc của nhạc sỹ đương đại Trí Minh và nhóm nhạc của anh.

Tưởng nhớ Lạc Long Quân bằng tiệc ánh sáng ảnh 1
Tưởng nhớ Lạc Long Quân bằng tiệc ánh sáng ảnh 2
 
Tưởng nhớ Lạc Long Quân bằng tiệc ánh sáng ảnh 3 Phác thảo “bữa tiệc” ánh sáng tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân gồm hình ảnh khu đền Angco, đền Chăm và Ai Cập

Nhóm nghệ sỹ đương đại “Thư pháp Tiền Vệ” do họa sỹ Lê Quốc Việt đứng đầu sẽ tham gia vào lễ hội này. Các bạn ấy sẽ thực hiện một bức đại thư pháp theo phong cách calligraphy trong 3 ngày lễ hội tại sân đền thờ. Nội dung chính gồm bốn chữ “Vi bách Việt Tổ” và những chữ Rồng. Đặc biệt, tham gia thực hiện bức thư pháp này còn có nhiều người dân tại cộng đồng.

Vì sao anh có ý tưởng như vậy?

Tôi nghĩ, đã làm thì phải có cái gì đó mới và độc đáo, có như thế thì những yếu tố đương đại mới góp phần tạo nên bản sắc riêng cho từng lễ hội được, nếu không các lễ hội sẽ giống hệt nhau, như thế thì thật là buồn tẻ.

“Công thức” của tôi là “làm lễ hội như là một sự kiện”. Tôi cho rằng, một khi người ta đầu tư tiền bạc vào nâng cấp lễ hội thì cộng đồng, địa phương có lễ hội ấy phải được hưởng lợi nhiều nhất. Cái lợi ở đây cần phải được hiểu là những giá trị gia tăng của di sản văn hóa, nó có thể là lợi ích văn hóa hay kinh tế, cũng có thể là lợi ích về truyền thông, có thể ngắn hạn và có thể là dài hạn.

Có không ít người cho rằng việc đưa yếu tố đương đại vào lễ hội làm mất vẻ truyền thống của nó đi, và vô hình trung làm hỏng tính chất truyền thống của nó? Anh nói sao?

Bên cạnh những hoạt động đương đại trong lễ hội, tôi luôn giúp người dân phục dựng, bảo tồn những lễ nghi truyền thống trong lễ hội. Nếu ai đó kêu ca về điều này thì họ nên về khảo sát lại tất cả những lễ hội tôi đã làm.

Tôi cho rằng, ở những lễ hội đó, những yếu tố cổ truyền được bảo lưu còn mạnh hơn so với nhiều lễ hội khác. Ít ai biết được rằng, lễ hội làng Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa rất cổ xưa ấy là do tôi cùng với cộng đồng dựng lại...

Anh nghĩ sao khi mình dồn hết tâm sức vào phục dựng các lễ hội thì có người lại bảo anh là “chuyên gia phá lễ hội”?

Với tôi, thước đo giá trị là sự đánh giá của cộng đồng mà tôi làm lễ hội cho họ. 10 năm nay, tôi chưa thấy người dân nào ở cộng đồng mà tôi giúp họ làm lễ hội kêu ca về sự phá hoại tính truyền thống của những yếu tố đương đại trong lễ hội cả, bởi chính họ hiểu quá trình và kết quả công việc tôi làm cho họ. Họ thực sự yêu quý tôi. Vì thế, tôi không bao giờ e ngại hay nhụt chí bởi những ý kiến trái chiều.

Xin cảm ơn anh.

Tương truyền, Lạc Long Quân mất tại Bình Đà và mộ của Ngài được đặt tại Ba Gò (hay còn gọi là gò Tam Thai). Từ xa xưa, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Ngài tại Bình Đà - Đền Thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Lễ hội diễn ra hằng năm. Năm nay, lễ hội được diễn ra từ 1 đến mùng 3/4 (tức từ mùng 2 đến mùng 4/3 âm lịch).

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.