Vẫn chỉ là chân Rồng

Vẫn chỉ là chân Rồng
TP - Bài viết “Giải mã hình rồng có đôi tay phụ nữ ở đền vua Đinh” của Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền đưa ra một cách lý giải về hình điêu khắc phát hiện tại Đền thờ vua Đinh.

Vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực: Văn hoá, Lịch sử, Hán Nôm, Mỹ thuật… còn để ngỏ này đang gây tranh luận trong giới nghiên cứu. Sau đây là bài viết của Thiền Phong Phạm Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đưa ra một cách nhìn khác về vấn đề này.

Vẫn chỉ là chân Rồng ảnh 1
Trán bia, kí hiệu: 11441, niên đại Cảnh Hưng năm thứ 12 (1692) lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy, các chân Rồng đều năm ngón mềm mại. Còn rất nhiều hình ảnh rồng như thế này trong Văn khắc tại các di tích người Việt. Ảnh: Cảnh Hưng

Hình tượng Rồng trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam

Rồng là âm Tiền Hán Việt diễn tiến từ chữ Long trong âm Hán. Về hình tượng Rồng, các nghiên cứu ở Trung Quốc trên phương diện lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ đã cho thông tin Rồng có trong các minh văn khảo cổ (giáp cốt văn, Kim văn…) cách nay 6 – 7 nghìn năm lịch sử.

Hình tượng Rồng gắn liền với lịch sử các dân tộc Á Đông cơ bản ở các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản cho đến nay.

Trải qua mấy nghìn năm, hình tượng Rồng cũng biến chuyển theo thời gian nhưng vẫn mang những quy cách tạo hình nhất định. Nhiều thư tịch ghi chép về hình ảnh con Rồng, trong đó Nhĩ Nhã Dực, biên soạn thời Tống (Trung Hoa) đã ghi lại hình tượng con Rồng sáng tạo trên 9 tiêu chí sau:

“Giác tự lộc, đầu tự đà, nhãn tự thố, hạng tự xà, phúc tự thận, lân tự ngư, trảo tự ưng, chưởng tự hổ, nhĩ tự ngưu – Sừng như sừng hươu, đầu tựa đầu lạc đà, mắt tựa mắt thỏ, bụng như bụng con hầu dưới biển, vảy như vảy cá, móng vuốt như vuốt chim ưng, bàn chân giống chân hổ, tai tựa tai trâu (bò)”.

Như vậy, con Rồng được kết hợp nên từ nhiều hình tượng các con vật khác, để tạo nên một hình ảnh tổng hợp đa chiều với uy thần và thiêng liêng.

Từng giai đoạn, sự sáng tạo của hình tượng Rồng có sự khác biệt, như con Rồng thời Tần, thời Hán, thời Lý Trần, thời Lê… tạo nên sự đa dạng trong tạo hình của hình ảnh con Rồng trong ứng dụng văn hoá xã hội của con người.

Về hình ảnh con Rồng trong biểu trưng của Vương quyền, nó là “chân mệnh thiên tử”, thể hiện quyền lực của bậc vua chúa với những quy định về các biểu tượng trên thân thể con Rồng còn nghiêm ngặt hơn. Các quy định này được cụ thể hơn vào thời Tống, Nguyên, Minh về sau với hình tượng Rồng cho Hoàng tộc có sự khác biệt, như: áo mặc, sập ngồi, long ngai…

Cơ bản, như móng vuốt của Rồng, thời Tống về sau quy định dân thường thì tạo Rồng móng vuốt dưới 4 vuốt, còn 5 vuốt là dùng riêng cho Hoàng tộc, cho ngôi “cửu ngũ”.

Các hình tượng khác về mắt, khuôn mặt, tư thế, dáng vuốt, râu, sừng …. cũng quy định rất nghiêm cẩn tạo nên quyền lực tối cao vô thượng của Hoàng gia. Việc này dẫn đến hình tượng Rồng thời Nguyên với 4 ngón chân rất nhiều mà 5 ngón chân rất ít bởi chỉ dùng cho vua chúa và cũng có ảnh hưởng nhất định đến hình tượng Rồng trong Mỹ thuật Việt Nam.

Về đồ án Rồng ở đền vua Đinh

Trong bài viết nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trang Thanh Hiền nhận định về đồ án Rồng rất đặc biệt này là “có ba tay và một chân” và “những đôi tay rất nữ tính này của con Rồng chính là ẩn ngữ để nói về một bà vương hậu lấy hai đời vua, mà giữ yên xã tắc”.

Liệu chăng trong lịch sử có một con Rồng với 3 tay và 1 chân mà không phải là hoàn toàn tay, hoặc hoàn toàn chân, hoặc 2 tay, 2 chân? Điều này dẫn đến chúng tôi có những nhận định sau:

Thứ nhất: Đền vua Lê ở Ninh Bình được xây dựng trong khoảng năm 1608 đến 1611 và đền vua Đinh xây dựng muộn hơn năm 1689, nên ảnh hưởng mỹ thuật tạo hình của hai đền còn khá rõ nét. Quá trình xây dựng đền vua Lê, vua Đinh đã diễn ra sau khi đền vua Lê ở Thọ Xuân – Thanh Hóa được Bình An vương Trịnh Tùng ban Lệnh chỉ Tạo lệ và Phùng Khắc Khoan soạn văn trùng tu vào năm 1602.

 Việc xây dựng các đền này thực chất là xác lập vương quyền và thần quyền của đất nước dưới tư tưởng Nho giáo của vua Lê chúa Trịnh chứ không hoàn toàn mang tính ca ngợi tiền triều. 

Đồng thời, hình tượng Rồng là biểu hiện của Vua, Chúa, của quyền lực cao nhất, cũng như bàn chân Rồng với 5 ngón là một biểu tượng của ngôi “cửu ngũ” chỉ bậc đế vương. Mà việc xây dựng 2 cái sập Rồng cũng là quá trình tiếp biến của hình tượng con Rồng trong đền vua Đinh và được giám sát chỉ đạo bởi hệ thống quan lại tập quyền mà khó có thể mang màu sắc dân gian trong kiến trúc cung đình.

Việc sập Rồng ở ngoài còn thô phác hơn và sập Rồng trong tinh nhã hơn cũng là điều dễ hiểu trong tiếp diễn của quá trình tinh lọc hình ảnh trong chạm khắc của người thợ.

Thứ nữa: Chúng tôi thấy rằng hình ảnh chân Rồng thời Lý Trần có móng vuốt dài, giương ra hoặc quặp lại… và có tiếp diễn đến thời Lê trong nhiều hệ thống văn bia, sập đá mà chúng ta có thể thấy còn lại nhiều trong trang trí hệ thống bia lăng vua chúa hoặc bia công thần Lê triều.

Đến Lê Trung Hưng, hình ảnh chân rồng được tạo dựng với nhiều kiểu hơn như các hình tượng khi thì vuốt có 4 ngón vuốt như chân của chim Ưng, có khi chỉ 3 ngón vuốt, hoặc 5 ngón vuốt; hoặc dạng như vây cá; hoặc là hoa văn cách điệu… 

Hình chân Rồng trong sập ở đền vua Đinh – Lê tuy không có vây ở khuỷu chân nhưng chân có vảy, đồng thời đến hết phần chân đến phần bàn chân được tách điệu bởi hai viền song song. Đường viền song song và chân Rồng được người thợ khắc trông giống như bàn tay người chúng ta gặp nhiều ở các đồ án Rồng trong hệ thống văn khắc Việt Nam.

Cũng như một dấu hiệu mang tính “nội chứng” là cái chân còn lại bên phải đồ án Rồng trên sập này rõ ràng là một chân Rồng với 5 ngón, ngón chân có vuốt. Điều này cho thấy các chân còn lại cũng có móng vuốt và là chân Rồng mà chẳng qua được người thợ khắc cách điệu cho mềm mại hơn mà thôi.

Về vấn đề thờ tự Dương Vân Nga ở đền vua Đinh, hiện nay các tài liệu chính sử mà chúng ta đọc được chưa có bản nào nói rằng “bà Hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng lấy Ngô Xương Văn” như trong bài viết của Trang Thanh Hiền. Bởi các thư tịch viết về bà hậu này đến nay gần như không còn gì, ngoài các truyền thuyết mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được mà công bố mà không mang tính chuẩn xác sử học. Cho nên nhận định mang hình ảnh bà Dương Vân Nga trong bài viết với những lập luận giả thuyết là chưa xác đáng.

Tạm kết

Trong lịch sử nghìn năm qua, có quá nhiều vấn đề mà đến nay chúng ta không đủ tri thức để chứng thực, điều này dẫn đến cách lập luận và phương pháp cho nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà nói chung nên có cái nhìn biện chứng, minh xác và lập luận khoa học chứ không phải mang tính chất cảm tính, suy lí và lí giải mang màu sắc huyền bí hoá lịch sử để xây dựng những lâu đài tri thức hoa lệ trên hương khói của tiền nhân.

Chúng tôi không đồng tình với lập luận trong bài viết của Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trang Thanh Hiền về “giải mã hình rồng có đôi tay phụ nữ” với những nhận định “rất có thể”, “giả thuyết”, “phải chăng” mà nên trả lại cho lịch sử nhìn nhận.

Con Rồng thống nhất chính bản thân nội tại của nó gồm 4 chân, đầu sừng, vảy, vuốt… mà không thể có con Rồng lạc loài dị dạng trong quần thể giòng giống nó với 3 tay và 1 chân.

Rồng là Rồng trong chủng tộc loài Rồng ở trong quan niệm của người Á đông; chân Rồng là chân Rồng chứ không thể là tay người trong một cách lý giải phi khoa học trong xã hội hiện đại ngày nay.

-------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Thư tịch Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Trung Quốc Long văn hoá đồ phổ, Phan Lỗ Sinh biên soạn, Bắc Kinh công nghệ Mỹ thuật xuất bản xã, 1996.

3. Trung Quốc lịch đại Long văn - Văn sức nghệ thuật, Trịnh Quân biên soạn, Bắc Kinh - Nhân dân mỹ thuật xuất bản xã, 2004.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.