Văn học VN ở hải ngoại: Cần một cách nhìn gần gũi hơn...

Văn học VN ở hải ngoại: Cần một cách nhìn gần gũi hơn...
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn vừa trở về sau hai tháng sang Mỹ nghiên cứu về văn học của người Việt ở nước ngoài theo lời mời của Rockefeller Foundation. Anh vừa có cuộc trả lời phỏng vấn về văn hoc Việt ở hải ngoại.
Văn học VN ở hải ngoại: Cần một cách nhìn gần gũi hơn... ảnh 1
Nguyễn Thanh Sơn

* Lâu nay dòng văn học hải ngoại (*) được đón nhận ở VN khá dè dặt và rụt rè. Bạn đọc trong nước hoàn toàn thiếu một cái nhìn có tính hệ thống về văn học Việt ở bên ngoài biên giới.

Dưới góc độ một nhà phê bình văn học trẻ, theo khá sát những dòng chảy văn học trong nước cũng như hải ngoại, lại vừa có một chuyến đi tìm hiểu về văn học hải ngoại, anh có thể nói cụ thể hơn về dòng văn học ấy qua nhận định của riêng mình?

- Trên góc độ nghiên cứu thì văn học VN ở hải ngoại là một hiện tượng nghiên cứu rất thú vị. Trước tiên nó mang đặc tính của một nền “văn học di dân”, khi những nhà văn, nói một cách hình ảnh, bị “bứng gốc” khỏi môi trường văn hóa quen thuộc của mình đặt vào một môi trường văn hóa xa lạ.

 Dễ hiểu tại sao sáng tác của các nhà văn di dân thế hệ thứ nhất thường xoay quanh những hoài niệm về đất nước, về thân phận người di dân, về những cú sốc văn hóa...

Các tác phẩm của họ, về một phương diện nào đó, còn có thể coi là “văn học miền Nam nối dài”, không có những đột phá lớn trong nghệ thuật và tư tưởng.

Sau một thời gian văn học VN tại hải ngoại buộc phải đứng trước những lựa chọn và thách thức rất lớn: hoặc không thay đổi được, tiếp tục viết như một thứ “văn học miền Nam nối dài”, tự tách mình ra khỏi vận động chung của văn học VN và đứng trước nguy cơ không tìm được tiếng nói chung với người đọc của ngày hôm nay.

Hoặc tìm cách thay đổi, thông qua tiếp cận với văn hóa dòng chính của đất nước mà họ định cư để phát huy những giao thoa văn hóa, hay chuyển hẳn sang văn hóa dòng chính của nước sở tại, không còn sáng tác bằng ngôn ngữ Việt.

Còn một cách nữa, đó là quay về với môi trường văn hóa trong nước, hòa nhập với những vấn đề của văn học VN nhưng vẫn giữ cho mình một cách quan sát của “người bên ngoài” với tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nó.

Với riêng tôi, nét thú vị của văn học VN ở hải ngoại là những tương đồng của nó với văn học trong nước. Nó cung cấp một lăng kính để tìm hiểu những vấn đề của văn học VN hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là: vì sao ngay cả khi được đặt trong một môi trường hoàn toàn khác, có điều kiện để tiếp xúc hằng ngày với tất cả những gì được coi là ưu tú của văn học thế giới, văn học VN cũng vẫn rất khó thay đổi? Vậy thì vai trò của môi trường sáng tác đối với nhà văn quan trọng đến đâu, và phải chăng có những vấn đề nằm trong ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta?

* Trong chương trình của anh tại Mỹ, anh đã đọc và gặp gỡ những tác giả nào? Anh có thay đổi một vài quan điểm nào về nhà văn hải ngoại sau chuyến đi này?

- Chương trình nghiên cứu của tôi tập trung vào các nhà văn thuộc thế hệ một rưỡi và hai, tức là những người hoặc chỉ viết khi đã sống tại hải ngoại, rời khỏi VN khi còn nhỏ tuổi hoặc những nhà văn sinh ra tại hải ngoại.

Trước đây tôi cũng đã theo dõi văn học VN ở hải ngoại và rất trân trọng sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ như Trần Vũ, Đỗ Khiêm, Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo.

Lần này tôi có gặp và “khám phá” ra một số tác giả mới như Nguyễn Hương (em gái của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Danh Bằng, gặp một số nhà phê bình như Bùi Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho.

Tôi cũng định phỏng vấn Lê Thị Diễm Thúy, tiếc là không thực hiện được. Tôi không gặp gỡ các nhà văn thế hệ thứ nhất, trừ hai nhà văn Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy, những người đã nhiệt tình cho tôi “tá túc” và tạo điều kiện để tiếp xúc với cộng đồng.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là cuộc tranh luận khá “nảy lửa” tại nhà của nhà văn Hoàng Khởi Phong quanh các chủ đề về tự do sáng tác, vai trò của phê bình giữa nhà văn Nguyễn Hương, nhà thơ Phan Nhiên Hạo, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc, tôi, nhà văn Hoàng Khởi Phong và nhà văn Cao Xuân Huy.

Cũng đáng nhớ là cuộc đối thoại với các sinh viên Đại học UC Berkeley đang theo học văn học VN, tổ chức tại nhà của anh chị Nguyệt Cầm/Peter Zinoman do anh Peter làm “trọng tài”.

Chuyến đi này cho tôi một số cái nhìn mới hơn và có lẽ gần gũi hơn về văn học VN tại hải ngoại. Một ví dụ: khi đọc Lê Thị Thấm Vân và thấu hiểu hơn cái bối cảnh của văn chương mà chị thể hiện, tôi cảm thấy muốn tìm hiểu kỹ hơn những nhà văn có xu hướng hay đi theo trường phái nữ quyền.

Đối với những nhà văn nữ khác như Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương cũng vậy: đặt trong môi trường văn hóa di dân, sáng tác của họ có những giá trị khác nữa.

* Theo anh, thế hệ những nhà văn gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ (thế hệ thứ hai với một vài tên tuổi được nhắc đến khá nhiều gần đây như Mộng Lan, Monique Trương, Đinh Linh...) có gì khác biệt so với thế hệ thứ nhất? Cụ thể hơn, tác phẩm của những nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh có khác nhiều những nhà văn Việt viết bằng tiếng mẹ đẻ?

- Cái khác cơ bản nhất là, có lẽ họ không còn nằm trong cái mà chúng ta gọi là văn học VN ở hải ngoại nữa mà đã thuộc về văn hóa dòng chính, sáng tác bằng ngôn ngữ nước sở tại, trở thành những nhà văn của nhóm thiểu số ở nước mà họ định cư.

Những nhà văn này không còn bị quá khứ cầm tù nên tìm đến với những vấn đề mới mẻ hơn, tư duy của họ trẻ trung hơn.

Khi viết bằng một ngôn ngữ khác (tiếng Anh hay tiếng Pháp), tư duy và văn hóa của họ cũng thay đổi. Họ có những cái nhìn “từ bên ngoài” vào văn hóa VN, có những so sánh từ góc độ của “người ngoài” với bên trong (nhiều khi của chính họ). Điều đó vừa là điểm lợi thế, vừa là thách thức đối với họ.

Nhưng với tôi, có lẽ đó là những thách thức thú vị. Hà Tân (Ha Jin), một trong những nhà văn nổi tiếng gốc Trung Quốc, sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Anh (trong khi ông nói tiếng Anh không được tốt lắm) và đã đoạt hàng loạt giải thưởng lớn của Mỹ (giải thưởng quốc gia National Book Awards, giải PEN Hemingway Awards) nói rằng một ngôn ngữ mới kích thích khả năng sáng tạo và tư duy của ông rất nhiều.

* Anh thấy có gì khác biệt giữa giới cầm bút trẻ trong nước và hải ngoại? Thật ra giới viết văn trong nước và hải ngoại, theo anh, bên nào có lợi thế hơn?

- Văn học trẻ ở hải ngoại có cái nhìn điềm tĩnh hơn với những thử nghiệm mới trong phong cách và nghệ thuật nhưng lại dễ phấn khích với những vấn đề như lịch sử, chính trị, văn hóa trong nước.

Văn học trẻ trong nước “điềm tĩnh” hơn trong các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa nhưng lại dễ phấn khích hơn với những thử nghiệm mà họ cho là mới. Mỗi bên đều có những lợi thế và thách thức riêng của họ.

* Nhà văn Thuận, tác giả của hai cuốn sách được xuất bản tại VN gần đây là Chinatown và Paris 11 tháng 8, trong một lần trả lời phỏng vấn tôi về đề tài này cũng nói rằng: “Dường như các tính từ trong nước và hải ngoại chỉ còn có ý nghĩa địa lý. Văn học VN hiện nay chưa đủ sức để gây nên những sự khác nhau. Trong nước và hải ngoại đều thích tự giới thiệu là nhà văn nhưng không thích coi viết là nghề tay phải”. Anh có đồng cảm với nhận định có phần chủ quan này của Thuận sau chuyến đi vừa rồi?

- Trong buổi thuyết trình của tôi tại Đại học tổng hợp Massachuset, cũng đã có tranh luận về tính chuyên nghiệp của nhà văn. Một giáo sư tại đó đã đưa ra ý kiến: khái niệm “nhà văn chuyên nghiệp” là khái niệm du nhập từ phương Tây, còn phương Đông không có khái niệm đó. Theo bà, áp dụng khái niệm “nhà văn chuyên nghiệp” là một biểu hiện của tư tưởng văn hóa “hậu thuộc địa”.

Tuy vậy, chúng tôi cũng đồng ý rằng nên coi trọng tính chuyên nghiệp của nhà văn hơn là đi tìm định nghĩa nhà văn chuyên nghiệp - tức là nhà văn dành toàn bộ thời gian cho sáng tác. Thực tế là có rất nhiều nhà văn vừa làm một nghề khác vừa sáng tác và vẫn là một nhà văn hoàn toàn chuyên nghiệp, nếu chúng ta tính đến tính chuyên nghiệp trong sáng tác của họ.

Theo Tuổi trẻ 

Văn học VN ở hải ngoại: Cần một cách nhìn gần gũi hơn... ảnh 2
Từ trái sang: nhà thơ Nguyễn Bá Chung, TS Vũ Minh Khương, Nguyễn Thanh Sơn, KTS Nguyễn Hữu Thái trong một cuộc tọa đàm tại Mỹ
Từng được đào tạo bài bản về báo chí và truyền thông ở Nga và Mỹ; hiện là giám đốc điều hành công ty truyền thông khá tiếng tăm T&A, Nguyễn Thanh Sơn vẫn được biết đến nhiều hơn với tư cách một nhà phê bình văn học trẻ, đọc nhiều, đi nhiều và thường đưa ra những nhận định (chủ yếu là về văn học trẻ) gây nhiều tranh luận. Tác giả của tập sách Phê bình văn học của tôi (NXB Trẻ, 2002).

Sau chuyến đi nghiên cứu về văn học hải ngoại theo lời mời của Rockefeller Foundation, Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục nhận được học bổng tham dự chương trình nghiên cứu có tên “Nhà lãnh đạo châu Á” (Asia leadership fellow program) của Quĩ Nhật Bản và Trung tâm Quốc tế của Nhật Bản dành cho các nhà nghiên cứu châu Á.

Hằng năm Quĩ Nhật Bản sẽ chọn 6-8 người từ các quốc gia châu Á khác nhau (mỗi nước một người), tới Nhật Bản trong vòng hai tháng để cùng trao đổi và tìm hiểu những vấn đề văn hóa chung của châu Á. Chủ đề của chương trình năm nay là “Đa dạng hóa trong thống nhất - cộng đồng châu Á và xa hơn”. Chương trình bắt đầu từ tháng chín tới.

MỚI - NÓNG