Văn thơ VN ra thế giới: Khấp khểnh bước thấp bước cao

TP - Hai hội thảo “Văn xuôi Việt Nam - Quá trình hội nhập và phát triển”, “Thơ Việt - Nơi lưu giữ Tâm hồn Việt” diễn ra cùng lúc trong sáng 3/3 cho thấy đa phần bè bạn quốc tế mới chỉ quan tâm lịch sử văn học Việt Nam với các danh tác xưa cũ cùng những tác phẩm thời chiến.

Giá trị của tác phẩm cũ

Trong tham luận tại hội thảo, nhà văn dịch giả Igor Britov của Hãng thông tấn quốc tế Nước Nga ngày nay khẳng định: “Sách Việt Nam cần được xuất hiện trở lại thị trường Nga”. Khoảng cuối thế kỷ 20, độc giả Nga “gặp” Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Tố Hữu… qua hàng loạt bản dịch có giá trị. Năm 2012, sau 20 năm gián đoạn, tác phẩm đầu tiên của Việt Nam xuất bản ở Nga là Nhật ký chiến trường của một bác sĩ (Nhật ký Đặng Thùy Trâm). Những tác phẩm khác trong kế hoạch trình làng có Truyện Kiều, Hồn bướm mơ tiên…

Nhà văn Ba Lan Andrzej Grabowski bị hấp dẫn bởi phong trào Thơ Mới: “Thơ Mới thoát ly khỏi những khuôn mẫu được bén rễ  từ Trung Hoa cổ, bắt đầu sống trong nhịp sống hối hả như thể chạy đua với việc sử dụng ngôn ngữ La tinh hiện đại đáp ứng lớp độc giả ngày một hiểu biết hơn”.

Andrzej Grabowski tin vào tương lai của thơ Việt vì: “Các tác giả hiện đại có nơi có chốn để tìm về. Sẽ không ai lạc lối nếu biết cảm nhận trên lưng mình hơi thở của các bậc thầy” như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử hay Nguyễn Bính.

Nhà thơ Martha Collins của Trung tâm William Joiner giải thích lý do chọn dịch thơ của hai tác giả đương đại Nguyễn Quang Thiều, Ngô Tự Lập: “Dù phần nhiều những thứ tôi tìm thấy trong các bài thơ đó không nói trực diện về chiến tranh, tôi vẫn cảm thấy hậu quả chiến tranh ở khắp mọi chỗ”.

Nhiều nhà văn, dịch giả đến Việt Nam biết đến nền văn học của chúng ta qua tác phẩm đã được truyền bá rộng rãi trên thế giới của các danh nhân văn hóa Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Karel Sis, Chủ tịch Hội Nhà văn Cộng hòa Czech, bày tỏ ngạc nhiên: “Khi dịch thơ Hồ Chủ tịch, tôi tự hỏi tại sao những bài thơ đó lại có thể xuất hiện trong tù - nơi không có tự do, cơ thể bị hành hạ bởi kìm kẹp, đói khát, ẩm ướt, thiếu hẳn sự riêng tư”. Để rồi chợt hiểu: “Thơ sinh ra trong gian khổ sẽ loại bỏ sự trống rỗng, giống như kim la bàn trong bão tố vẫn hướng về một phương. Hồ Chí Minh trước khi trở thành chính trị gia, người giải phóng dân tộc mình, là một nhà thơ”.

Cơ hội nào cho tác phẩm mới?

“Tôi cho rằng, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca nước ta hấp dẫn không thua kém các tác phẩm cùng thể loại trên văn đàn thế giới và nếu được dịch ra tiếng nước ngoài chắc chắn sẽ được độc giả mến mộ”, dịch giả Lê Bá Thự nói. Có lẽ vì thế mà tham luận của các nhà văn trong hội thảo văn xuôi kèm cả mục giới thiệu tác phẩm bản thân với dịch giả quốc tế. Việc “chào hàng” nhanh chóng đem lại kết quả cho nhà văn Y Ban khi nhận được đề nghị dịch tiểu thuyết ABCD- của GS Gunter Giesenfeld người Đức. Ông này từng dịch thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê.

Nhiều nước có quỹ dịch thuật dùng để tài trợ cho các dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài dịch và xuất bản các tác phẩm nước họ. Đây là một hình thức đầu tư chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực, lợi ích lâu dài”.

Dịch giả Lê Bá Thự

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận định: Viết văn bằng tiếng Việt luôn là thử thách bởi ít khi được giới thiệu ra ngoài dù các vấn đề của văn học Việt Nam rất gần với thế giới. Văn học Việt vẫn đang cô đơn. Nhà văn cho rằng, tiếng Việt khó dịch (dễ mất đi sự sâu sắc trong ý tưởng và tính nhạc trong ngôn ngữ) đã đành, bản thân người Việt cũng ít có khả năng, cả về thời gian lẫn tài chính, để đưa văn học của mình đến gần với các ngôn ngữ khác.

Igor Britov “mách nước” nên học cách quảng bá văn học của Nhật, chủ động tài trợ cho việc dịch thuật (từ kinh phí đến môi trường tiếp thu tiếng Nhật cho dịch giả Nga) đi kèm việc giới thiệu văn hóa, biến văn hóa Nhật thành thứ “mốt” ở Nga. “Điều cần nhất vẫn là tài năng. Tiếp theo là có sự hậu thuẫn nhiều mặt để quảng bá, xuất bản”, Lê Minh Khuê kết luận.

MỚI - NÓNG