Về Hiền Quan, nghe giãi bày cướp phết

Cướp phết Hiền Quan 2016. Ảnh: Anh Tuấn
Cướp phết Hiền Quan 2016. Ảnh: Anh Tuấn
TP - Đã nửa tháng trôi qua, dư âm về hội cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) vẫn còn. Dư luận bàn tán về yếu tố bạo lực, ẩu đả, có nên cấm hay không, còn người dân Hiền Quan lại hội họp để tìm giải pháp giữ lại nét văn hóa truyền thống này.

Về Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) hỏi người vừa cướp được phết năm 2016, người dân chỉ đến nhà vợ chồng Thành - Ngần, gần ngay UBND xã. Tiếp phóng viên Tiền Phong, anh Ngô Ngọc Thành (48 tuổi) kể “đây là quả thứ 5 tôi cướp được đấy”.

Không để người ngoài cướp được phết

Anh Thành tham gia hội cướp phết từ tuổi mười tám, đôi mươi nên hiểu nhiều về truyền thống của quê hương. “Vừa rồi, trên báo chí đưa mấy hình ảnh tranh cướp rất bạo lực. Tôi xác nhận là có hình ảnh đấy, nhưng không phải là săn đuổi, đánh nhau, mà là tranh phết thôi”, anh Thành nói. Cũng theo anh Thành, người tham gia cướp phết phải thực sự khỏe mạnh, rắn rỏi và phải có những kỹ năng”. Nói thêm về hình ảnh nắm đấm, dây thắt lưng vung lên giữa hội cướp phết, anh Thành bảo đó là số ít.

“Đã gọi cướp phết thì phải tranh giành nhau. Lễ hội này không thể thay đổi được. Cứ đến ngày đó người dân tự động kéo đến tham dự thôi. Chính quyền cấm cũng chẳng được. Chúng tôi cứ tổ chức thì bỏ tù hàng nghìn người được à.

Ông Nguyễn Quốc Thậm

Tham gia vài chục mùa cướp phết, anh Thành kể nhiều lần cũng bị mệt, mất sức phải nằm ra bãi cát để nghỉ trước khi tham gia trở lại. “Mình mà ôm phết thì có hàng trăm, hàng nghìn người quây lấy, vòng trong vòng ngoài. Họ đè lên, tay móc khắp nơi. Kể cả bị dìm xuống bùn cũng có”. Theo anh Thành, phải liệu sức khỏe, nếu không sẽ bị thương. “Hôm vừa rồi tôi về cũng phải nằm mấy ngày, đau hết cả người. Nếu không rèn luyện thì không chịu được”.

Rít điếu thuốc lào, anh Thành tiếp câu chuyện. Theo anh, lễ cướp phết ngày xưa không đông như bây giờ. Thêm nữa, ngày xưa chỉ diễn ra trong quy mô làng, không có thanh niên thập phương tham gia. “Bây giờ hàng chục nghìn người về dự, có hàng nghìn người tham gia cướp. Mình nhiều khi còn không biết hết mặt thanh niên trong làng. Nếu biết nó còn nể, không biết thì nó cũng văng này văng kia, thậm chí sửng cồ lên là chuyện bình thường”, anh Thành nói. Anh Thành bảo ít có chuyện xảy ra đánh đấm trong hội cướp phết vì khi thấy có xích mích nhỏ là các thanh niên khác sẽ vào can thiệp ngay, không để cho đánh nhau. Tuy nhiên, người trong làng cũng có quy ước với nhau là không để người ngoài cướp được phết. “Nếu người lạ cướp được phết thì lập tức sẽ bị cướp lại”, anh Thành nói.

“Tôi sợ có án mạng”

“Cướp được phết nhiều nhưng nhà tôi chẳng có gì lớn lao, to tát cả, cứ bình bình như thế. May hay không may cũng không ai biết được”.

Ông Hà Văn Việt

Tiếp phóng viên Tiền Phong, chỉ lên quả phết đặt trên ban thờ, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch xã Hiền Quan cho biết, con trai ông cũng vừa tham gia cướp phết năm 2016. Ngoài ra, một số anh em trong nhà cũng tham gia và có năm cũng cướp được phết mang về. Theo ông, năm nay có hàng vạn người tham gia lễ hội, trong đó hàng nghìn người cướp phết nên không thể tránh được việc xô xát, ẩu đả. “Việc ẩu đả trong lễ hội không tránh khỏi được vì đây là lễ hội cướp phết. Mà gọi là cướp thì phải tranh nhau, phải nhảy lên, đè nhau, cướp của nhau. Xin nói rõ là không có gậy gộc, trường hợp dùng thắt lưng thì tôi không nhìn thấy”, ông Thanh nói. Chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội hơn chục năm, ông Thanh bảo, do mấy năm nay tăng cường lực lượng của huyện, của xã nên ít ẩu đả chứ ngày xưa cũng nhiều vụ đánh nhau.

Về Hiền Quan, nghe giãi bày cướp phết ảnh 1

Anh Ngô Ngọc Thành, người giành được 5 quả phết.  Ảnh: Trường Phong

Chủ tịch xã Hiền Quan cho biết thêm, năm nào đến lễ hội cũng lo đến mất ăn mất ngủ. “Chúng tôi sợ xảy ra đánh nhau, mà lo nhất là xảy ra án mạng”, ông Thanh nói. Vì thế, hội cướp phết năm 2016, ban tổ chức huy động 14 công an viên, 14 thôn đội trưởng, 20 công an huyện hỗ trợ. “Do người đông, lại có du khách thập phương, đồng thời ngày lễ, tết nên trước khi nhập hội người ta thường sử dụng rượu bia, rất dễ mất kiểm soát. Cũng có trường hợp để bụng những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày rồi hằn thù nhau. Lợi dụng vào trong bãi phết thì động vào người nhau là hung lên. Mà tranh phết phải theo bè, theo dây, nhiều anh em nếu đánh nhau rất dễ xảy ra đánh hội đồng. Lực lượng công an, trật tự áp sát vây xung quanh. Nếu có đánh nhau thì cũng chỉ đấm được 1 - 2 quả là chúng tôi can thiệp rồi”, ông Thanh nói.

Khó thay đổi

Cho đến nay, người dân Hiền Quan vẫn truyền tai nhau về sự “thiêng” của phết. Hầu như ở đây ai cũng kể câu chuyện “ruộng lúa bị thanh niên tranh phết giẫm nát nhưng chỉ nửa tháng sau lại lên xanh tốt”. Cũng vì thế, năm nào thanh niên, trai tráng trong làng cũng ra sức cướp bằng được phết. Anh Ngô Ngọc Thành, người cướp được 5 quả phết nói, 5 quả anh cướp được đều ứng với 5 sự kiện trong cuộc đời anh: sinh con trai, sinh con gái, làm nhà, con trai đỗ đại học, tìm được việc.

Chủ tịch xã Hiền Quan Bùi Văn Thanh thì cho rằng, cũng vì thánh thần của làng thiêng mà từ xưa đến nay không ai việc gì, dù bị dìm đến sủi bong bóng dưới nước, hoặc bị cả trăm người đè lên. Ông Thanh cũng tin vào quan niệm cướp được phết thì làm ăn may mắn. “Ví dụ năm nay anh cướp được phết thì gia đình anh gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi. Như năm ngoái, có người cướp được phết đầu năm thì cuối năm làm nhà. Năm nay có người cướp được phết, con vừa học đại học xong đã có người nhận rồi. Tôi là người dân địa phương nên không nghĩ rằng đó là sự tình cờ”, ông Thanh nói.

Theo quan niệm của người dân địa phương thì một người cướp được phết sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho cả làng, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, điều này chưa có cơ  sở. Đơn cử như ông Nguyễn Quốc Thậm (83 tuổi), hơn 30 năm làm trong ban tổ chức lễ hội, đến nay, nhà ông vẫn đơn sơ. Hay như gia đình ông Hà Văn Việt (70 tuổi), dù con trai ông cướp được gần 20 quả phết, nhưng mọi việc không có gì thay đổi. “Cướp được phết nhiều nhưng nhà tôi chẳng có gì lớn lao, to tát cả, cứ bình bình như thế. May hay không may cũng không ai biết được”, ông Hà Văn Việt nói.

Về Hiền Quan, nghe giãi bày cướp phết ảnh 2

Ông Nguyễn Quốc Thậm.

Nói về vấn đề thay đổi lễ hội cho phù hợp, ông Bùi Văn Thanh cho rằng, không thể được vì đây là lễ hội truyền thống mang yếu tố tâm linh. “Truyền thống từ ngàn đời để lại rồi, mang yếu tố tâm linh nữa nên nói thật là chẳng ai dám quyết bỏ cả”, ông Thanh nói. Ông Nguyễn Quốc Thậm, cao niên trong làng cho rằng, ngay cả thời chiến tranh, lễ hội vẫn diễn ra, nên không thể vì bất kỳ lý do gì để cấm hoặc thay đổi lễ hội cướp phết.

MỚI - NÓNG