Về Ninh Bình chia tay nghệ nhân Hà Thị Cầu

Về Ninh Bình chia tay nghệ nhân Hà Thị Cầu
TP - “Thế là hết đời bà Cầu” - cậu thanh niên địa phương thốt lên khi nấm mồ nghệ nhân Hà Thị Cầu được đắp gần xong. Nghe hơi bạc bẽo nhưng nó thể hiện sự hồn nhiên, chân chất của người dân quê với bu Cầu.

> Nghệ nhân Hà Thị Cầu về với Tổ
> Vĩnh biệt nghệ nhân Hà Thị Cầu

Bà già quê mùa danh giá

Tiếng băng cassette phát ra từ loa đài cũ kỹ nghẹt nghẹt nhưng cũng đủ để người tới chia tay nghe rõ tiếng nhạc lời ca mà bu đã thu âm năm nào. Tiếng hát của bu với phường bát âm xen lẫn nhau nghe não nề.

Chị Mận - con gái bu Cầu vừa thấy chúng tôi đã òa lên “Các em ơi bu mất rồi”. Trông chị mệt mỏi, vì nỗi đau và có lẽ cả vì phải tiếp quá nhiều khách trong một ngày. Một bà già cả đời cơ cực với cái nghề vẫn chịu sự coi khinh hiểu lầm, ấy vậy mà khi mất đi lại nhiều người quan tâm đến thế.

Lướt qua những vòng hoa viếng thấy có Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, rồi Hội Văn nghệ dân gian VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Hà Nội… Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đang công tác Tây Nguyên không thể kịp tiễn bu nhưng chị vợ cũng về đến, mang theo vòng hoa tiễn biệt.

NSND Bạch Tuyết từ TPHCM muốn qua chúng tôi gửi một lẵng hoa thật đẹp thay lời chia tay nghệ nhân chị ngưỡng mộ nhưng chưa quen đường sá Ninh Bình, chúng tôi không tìm được lẵng hoa, đành thay bằng vòng hoa. Vừa viếng bu xong thì đoàn của Bộ VHTTDL - Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Di sản văn hóa do ông Thứ trưởng Vương Duy Biên dẫn đầu vào tới.

Cây đàn nhị đặt trên ban thờ ở ngoài hiên, bên khung cửa sổ nơi bu vẫn ngồi đó nói vắt ra mỗi lần chúng tôi về thăm. Còn một cây đàn nữa, Mận bảo đang cất trong buồng, phải đưa bu ra đồng về mới bày lên bàn thờ chính.

Mận kể, lúc bu hồi hồi lại đã dặn dò tỉ mỉ rằng khi bu chết nhớ phải mời bằng được đội sinh tiền múa cho bu xem. Ai đời đám hiếu lại có loại múa vốn chỉ xuất hiện trong những đám rước trang trọng hay hội hè, tiệc mừng thọ… tươi vui.

Mận nói với bu như thế nhưng bu bảo “kệ, bu thích xem cho vui”. Thế rồi lúc đưa bu ra đồng có đủ đội múa sinh tiền chừng 6 cô gái mặc áo dài tân thời sặc sỡ đội khăn đóng múa ngay trước xe tang.

Long đong tới phút cuối

Chừng 21 giờ, nhân lúc khách thăm viếng thưa dần, chúng tôi thực hiện tâm nguyện hát mấy câu Xẩm để bu thêm yên lòng. Nhạc sĩ Giáng Son không đàn cũng chẳng hát nên có nhiệm vụ cầm micro.

Còn chúng tôi, tất nhiên chẳng thể thiếu Thập ân - Mai Tuyết Hoa hát, Khương Cường - Dứa dại không gai, bạn trẻ tên Linh ở Hải Phòng hát Nhị tình còn tôi hát Xẩm Chợ. Có lẽ đó là lần biểu diễn đặc biệt chẳng bao giờ có thể quên.

Chưa tới 8h sáng đã thấy đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cùng anh chị em diễn viên trẻ trong đoàn tề tựu đông đủ.

Nghệ sĩ Thập cho biết, cả ngày hôm qua anh em luôn bên linh cữu bu. Đó là trách nhiệm, sự ghi nhận công ơn đồng thời thể hiện tình cảm của nhà hát và cá nhân các nghệ sĩ với một nghệ nhân lớn, nhân tài quý giá của đất nước nói chung, quê hương Ninh Bình nói riêng.

Đoàn đưa bu ra đồng với quá nhiều hoa, phướn. Một đoàn dài các cụ cầm cái phướn trải dài vài chục mét. Rồi phường bát âm, đội múa sinh tiền với đủ sắc màu sặc sỡ… Trong tôi cứ mường tượng tới đám rước của một bà chúa, bà hoàng nào đó thời xa xưa.

Mà quả thực, có thể coi bu ngày hôm nay như “bà thánh” của Xẩm trên cõi nhân gian có một đoàn người tháp tùng để đưa bu trở về với tổ Xẩm, với đất mẹ ngàn đời. Lại chạnh nghĩ nghệ nhân Quách Thị Hồ được trao danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân. Vậy sao Hà Thị Cầu lại chưa?

Đoàn cờ trống bát âm sinh tiền đưa tiễn bu tới nghĩa trang Đồng Thuần. Chẳng hiểu có phải nghiệp Xẩm long đong đã vận vào bu hay sao, thời khắc quan trọng đã điểm mà mấy nam giới vẫn hì hục hất xúc từng xảng đất chuyển lên bờ. Phải chờ một lúc công việc mới hoàn thành, để đất mẹ ôm bu vào lòng. Chúng tôi mỗi đứa ném nắm đất, thắp nén nhang, đi vòng quanh khu mộ ngập tràn hoa tươi rồi đứng yên như bất động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG