Vẽ tranh bằng... cuốc

Họa sĩ Võ Xuân Huy gieo mạ lên tác phẩm Chân dung Mạ tại trình diễn Lúa Mạ (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Thái Lộc
Họa sĩ Võ Xuân Huy gieo mạ lên tác phẩm Chân dung Mạ tại trình diễn Lúa Mạ (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: Thái Lộc
TP - Võ Xuân Huy - tác giả của những bộ sơn mài “biến thể” kết hợp hai thủ pháp biểu hiện-trừu tượng được công chúng biết đến, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, cũng là người vác cuốc ra ruộng… vẽ tranh, chui xuống lòng đất làm nghệ thuật trình diễn bằng ngôn ngữ của chính bùn đất, hạt lúa quê mình.

Một dạo nghe anh em ở Huế bảo Huy bị bệnh “lạ”. Bệnh gì mà không có tên trong y văn. Là những cơn đau thực thụ, nhưng người đau không biết nó dấy lên từ đâu, di chuyển đến đâu, đang đeo bám chỗ nào, cứ mơ hồ từ đâu đó vọng lại. Nhưng mọi chức năng cơ thể vẫn bình thường. Bèn gọi đùa là bệnh “phi thực thể”. Huy bảo, thường cứ mỗi lần xúc động, hay vô tình vướng phải những tin tức thời sự mệt mỏi, chán ngắt là anh lại “lên cơn”.

Bữa khai mạc triển lãm sắp đặt trong lòng địa đạo Vịnh Mốc hồi hè năm ngoái, vừa thấy Huy nhắn anh em ra quán ăn trưa, đã nghe nói xe chở đi viện huyện rồi. Nằm một lúc lại khỏe, cứ như đùa. Lần ấy, cuộc chơi mang tên “Xuống đất gặp trời” với cung cách mà giới chữ nghĩa gọi là nghệ thuật thị giác phải nói đáng mặt kẻ chơi. Địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh, Quảng Trị này vốn là kỳ quan chiến tranh của nhân loại. Một con hầm bằng đất dài hai cây số, 3 tầng, tầng sâu nhất 23 mét, có nhà kho, giếng nước, bếp ăn, bệnh xá, nhà hộ sinh, trong chiến tranh chống Mỹ từng có tới 1.200 người cùng nhau sinh sống, là nơi đỡ đẻ chôn nhau của 60 đứa trẻ con… Đó cũng chính là quê của Võ Xuân Huy.

Tôi bám theo Huy, luồn trong lòng địa đạo. Bóng tối, sự chật chội, những hơi thở gấp của con người đương đại trong căn hầm còn phảng phất mùi chiến tranh có tuổi đời tròn nửa thế kỷ. Có lẽ chưa bao giờ kể từ sau thời con người cần nơi trú ẩn, dưới lòng đất này cùng lúc đón tiếp nhiều người đến vậy. Là khách mời, người dân, sinh viên học sinh trong tà áo dài… Họ cũng chính là những chủ thể đồng sáng tạo trong dự án nghệ thuật cộng đồng kéo dài 10 ngày này. Những quả bóng bay nhiều màu sắc di chuyển theo trên tay mỗi người. Hai ngàn quả bóng bay như vậy. Để rồi qua một khúc quanh tất cả cùng ồ lên khi trên những bức tường tối đen hiện ra hoa lá xanh tươi. Và chân mỗi người đang bước qua từng bậc mây trắng…  

Giáo sư Alex Vernon cùng nhóm sinh viên của mình đến từ Đại học Hendrix (Mỹ) – đối tác tham gia triển lãm, hôm ấy cũng lấm bê bết đất sét địa đạo. Không chỉ là nhà văn hóa, mà với cái nhìn tinh tế của một công dân đất nước từng ở phía bên kia chiến tuyến, ông cho rằng Võ Xuân Huy “đã mô hình hóa một mối quan hệ mới với chiến tranh, một mối quan hệ không thể nào quên được, cũng không thể tán dương vui mừng hay ủ ê buồn rầu… Nó ấp ủ trong lòng khiến mỗi người phải tôn trọng những di sản đang có, và cả chính bản thân mình…”.

Cũng trên đồng ruộng của “tuyến lửa” một thời này, lui lại vài năm trước vào một ngày xuân, tôi nhớ cuộc trình diễn nghệ thuật Địa hình (Land Art) mang tên Lúa Mạ của Huy mà khán giả chủ yếu là nông dân làng trên xóm dưới. Hôm ấy Huy xăn quần vác cuốc, ôm thúng thóc giống ra ruộng… vẽ tranh, cùng phụ tá là hai chàng nông dân chính hiệu. Ba tác phẩm lần lượt được phác thảo trên cánh đồng. “Chân dung Mạ”, họa sĩ dựng lên chân dung Mạ (mẹ theo tiếng miền Trung) mình bằng những dấu chân chính anh để lại trên bùn non. “Thân phận”, là câu chuyện về trẻ con, với những búp bê, gấu bông, cánh diều, đầu lân … ngửa nghiêng lăn lóc trên bùn lầy. Và “Những bóng ma…” trong hình dạng những hình nhân bằng giấy đen cầm gậy golf án ngữ trên ruộng đồng. Nói là phác thảo, bởi từng nắm hạt lúa đã lên mầm trên tay họa sĩ gieo vãi xuống những “bức tranh”, để thời gian sẽ giúp hoàn thiện tác phẩm. Thời gian của sáng tạo tác phẩm nghệ thuật cũng là thời gian cây lúa quê nhà lớn lên, trổ đòng, kết hạt. Những “bóng ma” cũng sẽ bị khuất lấp bởi màu xanh của mạ và màu vàng lúa chín…

*

Tôi bị ám bởi gam màu đỏ trong tranh sơn mài của Huy. Điển hình là sêri sơn mài mang tên “Tropical Sunlight” (tạm dịch Nắng mặt trời nhiệt đới) giai đoạn 2013. Một chuỗi màu đỏ như một tồn tại phi thực thể từ “kiếp trước”. Một thứ màu đỏ bị cào xước, rách xé. Đỏ phủ chồng lên đỏ, tạo ra một đỏ khác. Như phần bề mặt bên trong của cơ thể chúng ta bị bóc trần, ròng ròng đỏ.

Linh mục kiêm nghệ sĩ tạo hình Jerry Bleem giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Chicago (SAIC, Mỹ), trên tạp chí U.S Catholic magazine/tháng 1/2015, đã so sánh màu đỏ trong bức sơn mài Sunset (Hoàng hôn) của Võ Xuân Huy với màu đỏ mô tả trong tiểu thuyết “Dấu hiệu đỏ của lòng dũng cảm” (The Red Badge of Courage). Đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về nội chiến Hoa Kỳ của nhà văn nổi tiếng, cũng là nhà thơ trường phái ấn tượng Stephen Crane (1871-1900). Mặt trời đỏ được Crane miêu tả như một chiếc bánh thánh gắn lên bầu trời. Màu đỏ ấy là “biểu tượng của sự cảm thông yêu thương”, nhưng cũng là sự “thể hiện một thế giới mong manh của những người lính mòn mỏi trong chiến tranh”. Còn với Huy, màu đỏ nhảy múa trên đường chân trời không gì che khuất được. Và nó đếm từng ngày sống của chúng ta - mỗi ngày là một lần thử thách lòng can đảm, niềm tin của chúng ta. “Seize the day” – Hãy nắm bắt ngày hôm nay, đó là điều Jerry Bleem nhìn thấy ở Võ Xuân Huy qua màu đỏ, được lấy làm tiêu đề bài viết.   

Vẽ tranh bằng... cuốc ảnh 1

Võ Xuân Huy triển lãm tranh sơn mài và nói chuyện về sơn mài với người nông dân trồng sơn tại rừng sơn Dị Nậu, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ tháng 5/2013. Ảnh: Thái Lộc

Xưởng vẽ của Huy ở gần Nam Giao thành phố Huế. Mái tôn nhà tạm mùa nào cũng nóng, nhưng bạn bè, sinh viên Tây ta đến thường xuyên. Nơi ấy Huy tạo ra những Mùa biến thể, Vọng, Hóa thạch đương đại, Nắng mặt trời nhiệt đới, Đâm chồi nảy lộc… cho sơn mài. Với những loạt chủ đề ấy, Huy đã tìm cho sơn mài một bảng màu khác, phá cách từ bề mặt đến hình tượng.

Như đánh giá của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: ở Võ Xuân Huy những đặc điểm chất liệu và kỹ thuật từ rạn vỡ, nhăn co tới mài bóc, đắp phủ… được thuần hóa và sử dụng rất chủ động để cảm hứng sáng tác được hiện hình trực tiếp, trực diện, tức thời. Họa sĩ đã dũng cảm can thiệp vào ngữ pháp và từ vựng tưởng như đã định hình bất biến của chất liệu cổ truyền”.  

Điển hình với Vọng (Echo). Nơi đó, các loại súng ống, thẻ bài, huy chương lẫn rác thải công nghiệp, sơn son thếp vàng… cùng được “đóng lún” vào bề mặt tác phẩm. Hằn vào tâm trí người xem sự rối bời, chất chồng đương đại. Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam chọn sưu tập, trưng bày bức sơn mài “Vọng từ chiến trường - X” trong xê ri Vọng phải nói là “chịu chơi” với cái mới, cái khó.  

Lại nhớ cái màu đỏ trong sơn mài Võ Xuân Huy. Những mảng mặt trời nhiệt đới ấy đã từng được treo (trưng bày/sắp đặt) trên chính thân những cây sơn giữa rừng sơn Ổ Rồng làng Dị Nâu (Tam Nông, Phú Thọ) hồi trung tuần tháng 5/2013. Có lẽ là cuộc trưng bày và thuyết trình (show-talk) đầu tiên của một họa sĩ cách tân sơn mài về nghệ thuật sơn mài với chính những nông dân trồng sơn tại thực địa, khai mở hướng art ecosystem (hệ sinh thái học nghệ thuật). Cuộc về nguồn độc dị của sơn mài, với cái màu đỏ ám ảnh…

Võ Xuân Huy –sinh năm 1970 tại Quảng Trị, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, Thạc sĩ ngành thị giác tại Đại học Maha Sarakham (Thái Lan). Từ 1994 đến nay, Võ Xuân Huy đã có hàng chục triển lãm cá nhân và dự án nghệ thuật trong và ngoài nước; nhiều hoạt động và triển lãm nhóm; có tác phẩm được sưu tập tại Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Singapore…  

MỚI - NÓNG